Hatsumôde là gì?
Người Nhật có tục đi viếng Chùa chiền, Thần Xã và
Thần Cung vào 3 ngày đầu năm để cầu xin Ơn trên cho được Phúc Lộc An
Lành - Họ gọi đó là "Hastumôde". Vào dịp nầy ta thường nghe người
Nhật chúc tụng nhau "Akemashite Omedetô" - có nghĩa là "Sang năm mới
tôi xin chúc mừng..." để tỏ ý biết ơn Trời Phật cho sống qua đến năm
mới nầy của cái kiếp "phù du".

Hatsumôde (初詣) cũng được gọi là Toshikomori (年こもり)
hay Hatsumairi (初参り). Vào ngày nầy dân Nhật nam phụ lão ấu đều xuất
động ra đường để đi đến tự viện nơi mình muốn viếng. Ở thành phố lớn
như Tokyo bắt đầu từ đêm Joya (除夜・trừ dạ) - tức giao thừa, hàng
triệu người đổ về Meiji Jinguu (明治神宮・Minh Trị Thần Cung) để cầu được
Phước Lành . Vì tin vào nơi linh thiên có người bỏ rất nhiều thì giờ
để đi đến những chùa hay đền thờ Thần đạo rất xa xung quanh Tokyo
như Kajima Jinguu (鹿島神宮)ở tỉnh Ibaragi, Katori Jinguu (香取神宮)(1) và
chùa Naritasan Shinjôji (成田山新勝寺) ở tỉnh Chiba, chùa Kawasaki Daishi
(川崎大師) và Thần cung Tsuruoka Hachimanguu (鶴岡八幡宮)ở gần Kamakura, tỉnh
Kanagawa. Đây là lúc dân Nhật, nhất là phụ nữ và trẻ em gái hay bỏ
âu phúc để mặc Wafuku (和服・Hòa phục) - tức “Kimono” truyền thống -
trông rất đẹp để đi lễ quan trọng nhất của một năm.
Nghi thức của lễ
Khi đến cổng của một đền thờ, dù có đông đúc đến
mấy, kẻ trước người sau rất trật tự và lịch sự, họ thay phiên nhau
ghé sang cái gian nhà gọi là "Chôzuya" (手水舎-cũng đọc là Temizuya)

"Chôzuya"
trong đó có một cái hồ (chậu) nước để rửa miệng và tay như là một cử
chỉ “tẩy uế” trước khi đến kiến Thần linh. Xong rồi ghé qua cái lư hương đang ngui ngút
khói nhan, nghiêng mình thỉnh tí "lộc hương" cho tinh thần được minh
mẫn thân thể tráng kiện. Lúc tiến đến cửa chính điện họ đưa tay lên
ném nắm tiền cúng Thần (hay Phật ở chùa) vào cái thùng "osaisen bako"(お賽銭箱),
vỗ tay 3 lần thật to mong cho Thần (Phật) để ý rối chấp tay nguyện
cầu điều mình ước muốn. Có nơi treo sợi dây thừng nối vào mấy cái
lục lạc để khách hành hương rung lên tiếng leng keng trước khi chấp
tay nguyện cầu...
Nếu đêm Joya (giao thừa) người nào chưa uống rượu
"Sake" thì có thể ghé sang cửa hàng rượu của đình thờ để mua một
chén "Amazake" (甘酒・tức cơm rượu) hay "Miki (cũng đọc là Shinshu
- 神酒・ rượu thánh) dùng để tạo mối giao cảm với Thần Linh hay làm cho
mình thanh khiết.

"osaisen bako"

Mua Sake & omamori

“leng keng”
Trong cõi vô thường nếu có thắc mắc về cái nghiệp
"nhân sinh", ta có thể cầu xin ý Thần Phật qua những mảnh giấy "omikuji"
(御神籤) giống như xin Sâm ở xứ ta. Nếu lời trong Sâm dự đoán điều
không "lành" thì mình có thể treo nó trên cành cây trong cảnh chùa
hay đình thờ để mong rằng điều bất hạnh sẽ không theo ta về nhà.
Thường thì mua được omikuji có lời tốt nhiều hơn, trong đó có dạy cả
cách ăn ở trên đời sao cho đúng Đạo Hạnh của công dân.


"omikuji"
Nếu còn có điều gì bất an cho năm mới trong lòng,
bạn có thể mua cái bùa hộ mạng gọi là "O-mamori" (お守り), cây tên "Hamayari"
(破魔矢), cái chong chóng "kazaguruma" (風車) và cái bàn cào tre "kumade"
(熊手) để trừ tà. Thêm vào đó là viết lời nguyện cầu của mình với Thần
Phật trên mặt sau của cái thẻ gỗ "ema" (絵馬) đem về nhà. Nhưng nên
nhớ mang những vật hộ thân nầy của năm trước trở lại đây để được đốt
thành tro bụi cho hết vương vấn!.

Omamori - bùa hộ mạng
Tục "Hatsumôde" đi viếng đình thờ tự viện bắt đầu
có vào giữa thời Minh trị (明治). Trước đó nơi đi cầu lộc đầu năm
thường được qui định theo phương giác "Bát quái" tốt cho năm và gọi
là "Ehô mairi" (恵方詣り). Để khuyến khích dân chúng đến viếng những
đình chùa rải rác trong vùng "Keihanshin"(京阪神) tức Kyoto-Osaka-Kobe,
hãng xe điện "Dentetsu" (電鉄) bày ra cách đi tham bái (参拝) chùa chiền
đình thờ khác nhau cho mỗi năm. Nhờ thế những nơi xưa nay ít có
người viếng được nhiều khách đến hành hương vào dịp nầy, nhất là
những Thần xã và chùa nổi tiếng trong dân gian qua sự quảng cáo và
tiện lợi của mạch giao thông thiết lộ.
Đối với anh em du học sinh đã từng sống lâu bên
Nhật, tục lệ nầy đương nhiên để lại nhiều dấu tích sâu đậm trong tâm
não của mọi người. Dù rằng ngày nay đa số anh em "Exryu" không còn
sống trên xứ Nhật, nhưng mỗi khi nghe hay thấy thoáng qua vài hàng
tin tức "highlight" nào đó trên đài truyền hình hay internet về Tết
Nhật, chúng ta liền nhớ đến ngày lễ hội của một nơi gần như là quê
hương thứ hai của mình. Cái nhớ đôi khi quá rây rức làm cho mình
muốn quay về đó để cùng đi dự hội lớn.

“ozôni”
Tiểu sinh tôi nay tuy không còn sông ở Nhật, nhưng
mỗi khi ngày Tết Nguyên Đán (NB) đến, nhà tôi cũng có chuẩn bị bữa
ăn truyền thống đơn sơ Nhật Bản, trong đó có món ozôni (お雑煮)-tức
bánh gạo nếp "mochi" (餅) nấu trong súp, bánh "mochi" nướng cuốn
trong giấy rong biển chấm nước tương, và bánh "mochi" nướng ăn với
bột đậu xanh cà vỏ trộn đường cát trắng gọi là "kinako" (黄な粉). Chiều
tối sau bữa cơm dùng tí rượu "sake". Xong rồi ngồi xem băng video
chương trình "Kôhaku Uta Gassen"(紅白歌合戦 - tranh đua ca nhạc cuối năm)
do đài TV NHK sáng tác của người bạn thân thâu lại cho mượn. Cái thú
của tôi là chờ xem giây phút cuối cùng của băng nầy, không phải để
biết nhóm "Đỏ" hay "Trắng" thắng trận thi đua, mà là ở
chỗ được nhìn
thấy phong cảnh các nơi của xứ Nhật chuẩn bị Tết trong đêm Giao Thừa
từ Bắc đến Nam, có cả những thôn lạc xa xôi...Thế rồi tôi ngồi trầm
lặng trên ghế sô-pha để nghe tiếng chuông chùa vang ngân nga
"G-o-o-n...g-o-o-n...." không biết bao lần do ông sư của chùa nào đó
ở miền Tohoku hay Hokkaido dộng. Người Nhật gọi đó là "Joyanokane"
(除夜の鐘)- tức tiếng chuông đón Giao thừa. Đây là giây phút ta cỏ thể
thả hồn đi ngược thời gian để tìm về dĩ vãng…
Trong thời đại của Internet nay ta có thể đi viếng
NB qua cyperspace nào có khác gì đi du lịch trong một giấc mơ. Kèm
theo dưới đây là vài nơi tôi vừa ghé thăm. Mong rằng trong đó có nơi
anh hay chị cũng đã từng đi qua xưa kia. Vậy chúng ta hãy cùng lên
đường nhé - Nhưng "Chotto matte" (xin chờ ti), nhớ mang theo áo ấm
đấy vì bây giờ bên Nhật cũng rất lạnh đó ...

Gát chuông chùa ở Miền Tohoku

Gát chuông chùa “Enryaku-ji”- Kyoto
(延暦寺・京都)

Cây “Sugi” (Sam) dưới tuyết trước
cổng chùa “Enryaku-ji” - Kyoto

Chùa “Enryaku-ji” ―(延暦寺・京都)

Rừng tre mạnh tông của Sagano (嵯峨野)

Núi Hodaka – Nagano (穂高・長野県)

Hiyoshitaisha Thần cung (日吉大社)

Oushuu-Iwate (奥州・岩手)

Mount Fuji (富士山)

Kamikochi – Nagano (上高地・長野)

Muronesan-Iwate( 室根山・岩手)
(1) Xem Katori Jingu qua link: Kat
http://www.erct.com/2-ThoVan/HVanBa/Katorijinguu.htm
(2) Photos credited to Kabekamikan.com and other
Internet sites
|