THƯ TUYỆT MỆNH CỦA OKITSU YAGOEMON

(Okitsu Yagoemon no isho, 1912)

Nguyên tác: Mori Ôgai

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

https://f4.bcbits.com/img/a0171302065_16.jpg

Nakadai Tatsuya trong phim Harakiri của Kobayashi Masaki (1962)

 

Dẫn nhập:

“Thư tuyệt mệnh của Okitsu Yagoemon” đã được Mori Ôgai cho đăng trên tạp chí Chuô Kôron số tháng 10 năm 1912 chẳng bao lâu sau khi vợ chồng Đại tướng Nogi Maresuke tuẫn tử theo Thiên hoàng Meiji ngày 13/9 ngay hôm lễ tang của nhà vua. Điều này chứng tỏ Ôgai đã bị xúc động mạnh và phản ứng rất nhanh trước cái chết bất chợt của người quân nhân ưu tú này. Nó đã làm ông liên tưởng đến một cổ tục Nhật Bản đã có ít nhất từ thế kỷ thứ 7 (vụ một nhà Hoàng tử Yamashiro-no-ôe chết chung vào năm 643). Việc tuẫn tử (Junshi) đã trở thành phổ biến dưới những chính quyền vũ gia cho đến khi bị nghiêm cấm năm 1663 theo pháp lệnh của Shôgun Tokugawa Ietsuna.

Văn bản ra mắt trên Chuô Kôron vào tháng 10/1912 chỉ là bản tạm thời. Bản chúng tôi dùng để dịch là bản thứ hai, có sửa chữa cho hoàn chỉnh vào đầu năm 1913. Phải nói là tác phẩm này đã gây ra nhiều tranh cãi về mặt ý thức hệ lẫn nghệ thuật vào thời ấy.

Truyện kể lại một sự cố đã xảy ra trong gia đình Hosokawa, lãnh chúa truyền đời ở phiên Higo (nay thuộc tỉnh Kumamoto trên đảo Kyuushuu). Những người này là con cháu Hosokawa Yuusai (1534-1610), một võ tướng và chính trị gia uyên bác, nghệ sĩ, rành rẽ lý luận thơ Waka, từng theo học trà đạo với một trà sư vĩ đại, Sen no Rikyuu (1522-1591). 

Để tiện bề theo dõi diễn biến của câu chuyện khá rườm rà và chi li như một bản báo cáo hành chính và với lối hành văn thư tín rất cổ kính, xin độc giả tham khảo dưới đây gia phổ tóm tắt 6 đời của họ Hosokawa trong giai đoạn từ đầu thế 16 cho đến đầu thế kỷ 18.

Đời

Danh hiệu

Tên riêng

Năm sinh - mất

1

Taishô-in Yuusai

Fujitaka

1534 -1610

2

Shôkôji Sansai

Tadaoki

1563 -1645

3

Myôge-in

Tadatoshi

1585 -1641

4

Higo-no-kami

Mitsuhisa

1619 -1649

5

Etchuu-no-kami

Tsunatoshi

1642 -1714

Nhà Hosokawa phát xuất từ họ Minamoto, hậu duệ Thiên hoàng Seiwa (cuối thế kỷ thứ 9). Đến thế kỷ 15 thì có võ tướng Hosokawa Mochiyuki (1400-1442) làm chức shugo (lãnh binh) trên đảo Shikoku, miền trung Nhật Bản. Dòng họ này là những samurai gồm đủ tài thao lược, tuy sắt máu nhưng không thiếu nghệ sĩ tính.

Hosokawa Yuusai (U Trai) Fujitaka là khuôn mẫu của tầng lớp võ sĩ kiêm văn nhân đó. Có giai thoại Thiên hoàng ra chiếu chỉ bắt kẻ địch phải giải vây ngôi thành ông đang cố thủ, sợ nếu ông chết, truyền thống luận lý thơ Waka sẽ chết theo ông vì ông là người nắm được bí mật. Con ông, Sansai (Tam Trai) Tadaoki, là một tướng giỏi và khéo chọn chủ mà thờ, lập được nhiều công trận khi theo Tokugawa Ieyasu thống nhất Nhật Bản nên được thưởng thêm đất phong ở Higo (Kyuushuu). Đến đời cháu của Yuusai là Myôge-in Tadatoshi, mới về ở hẳn Higo (Kumamoto) trên đảo Kyuushuu. Chính Tadatoshi là người đã tự mình thử tài và sau đó thu dụng kiếm sĩ Miyamoto Musashi khi ông này đến nương náu ở phiên ông.

Sân khấu của câu chuyện tuẫn tử sau đây đã xảy ra dưới thời Hosokawa Tadatoshi cũng như thời Mitsuhisa, người chủ mới, đích tử của Tadatoshi.

Ngoài ra, xin kể thêm một chuyện bên lề là người mang họ Hosokawa nổi tiếng gần đây nhất là cựu thủ tướng Hosokawa Morihiro, cháu 18 đời của Mochiyuki, cho dù chính quyền của ông không kéo dài được đến 1 năm (8/1993-4/1994).

Bạn đọc rành sinh ngữ phương Tây có thể tham khảo The Last Testament of Okitsu Yagoemon (1971) do William R. Wilson dịch và Le Testament d’Okitsu Yagoemon (1986) do Jacqueline Pigeot dịch.

x x x x

Mai là ngày tôi có thể thực hiện lời nguyện ước ôm ấp mãi trong lòng từ mấy năm nay nghĩa là được mổ bụng tự sát trược ngôi mộ ngài Shôkôji-den (Tùng Hướng Tự Điện tức  Hosokawa Sansai Tadaoki), chủ quân của tôi. Vì lý do đó, tôi mới cầm lấy bút và ngồi xuống trong ngôi nhà ở Kyôto của người em út là Matajirô để trình bày mọi khúc nôi hầu quí vị lãnh đạo của phiên thấu hiểu mà châm chước cho bầy con cháu của tôi.

Ông nội tôi tên là Okitsu Uhyôe Kagemichi (Cảnh Thông). Ông sinh ra ở Okitsu (Trùng Tân) trong xứ Suruga vào năm Vĩnh Chính thứ 11 (Eishô 11, 1514), trở thành bộ hạ của lãnh chúa Imagawa Jibu-tayuu và cư ngụ ngay ở Kiyomi-ga-seki trong xứ Suruga. Từ khi ngài Imagawa tử trận vào ngày 20 tháng năm (âm lịch) năm Vĩnh Lộc thứ ba (Eiroku 3,1560) thì cụ nội Kagemichi của tôi là một trong những người đã chết theo chủ. Năm đó, ông mới 41 tuổi. Pháp danh sau khi ông qua đời là Thiên Sơn Tông Cập cư sĩ (Senzan-sokyuu koji).

Saihachi (Tài Bát), cha tôi, sinh vào năm Vĩnh Lộc nguyên niên (Eiroku 1, 1558), mới có 3 tuổi khi bố mất và được một tay mẹ mình nuôi dạy. Đến tuổi thành nhân, ông mang tên là Yagoemon Kagekazu (Cảnh Nhất) và đến nương nhờ gia đình Sano Kanjuurô, một người bà con bên ngoại ở Harima (Kobe bây giờ). Nhờ đó mà ông có cơ hội đi theo hầu ngài Akamatsu Sahyô-no-kami. Đến năm Thiên Chính thứ 9 (Tenshô 9) thì được ăn lộc 1.000 thạch.Thế rồi sang tháng 4 năm thứ 13 cùng niên hiệu, khi lãnh chúa Akamatsu sáp nhập thêm xứ Awa vào trong bản đồ của mình, Kegakazu được giao phó giữ đất ấy và gia phong 300 thạch nữa. Lúc đó, ông mới mở phủ ở Inotsu trong xứ Awa và trụ lại nhiệm sở này cho đến những năm đầu niên hiệu Khánh Trường (Keichô, 1596-1615).

Thế nhưng vào tháng 7 năm Keichô thứ 5 (1600), ngài Akamatsu vì đứng về phe Ishida Kazushige (tên cũ của Mitsunari chăng ?, NNT), nên đã bao vây thành Tanabe trong xứ Tango, bên cạnh Onogi Nuinosuke, xuất thân từ Tanba. Lúc đó, người có nhiệm vụ thủ thành là ngài Shôkôji Sansai (Hosokawa) Tadaoki. Thế nhưng vì có lệnh của Tổng đại tướng Tokugawa Ieyasu bắt ông phải gia nhập vào đoàn quân của mình đang tiến đánh Uesugi Kagekatsu, ngài Shôkôji Sansai (Tadatoki) đành nhờ cha mình là Taishô-in Yuusai Fujitaka thay mặt giữ thành hộ. Thế nhưng Kagekazu tức cha của tôi thì khi hầu việc lãnh chúa Akamatsu ở Kyôto, đã có dịp quen biết một công khanh là ngài Karasumaru Mitsuhiro, đệ tử về thơ Waka của cụ Yuusai (Fujitaka). Hơn thế, con trai nối dõi của ngài Mitsuhiro là Mitsukata lại cưới công nương Man (Man.hime), một trong những người con gái của ngài Sansai. Như vậy, qua mối liên hệ với ngài Mitsuhiro, cha tôi đã trở thành người quen biết của cụ Yuusai cũng như của ngài Sansai, con trai cụ.              

                            

ã€Œç´°å· å¹½æ–Žã€ã®ç”»åƒæ¤œç´¢çµæžœ

Đời thứ 1: Hosokawa Yuusai Fujitaka (1534-1610)

Trong cuộc công thủ thành Tanabe, thì từ miền Đông, nơi ông đang tùng quân, ngài Sansai đã gửi Mori San.emon, một thủ hạ thân tín mang tin tức về thành. Ông Mori đây có liên hệ bà con bên ngoại với Kagekazu, bố tôi. Đến Tanabe, Mori bèn tìm gặp bố tôi và hé lộ nội dung bức mật thư mà ông có trách nhiệm mang trong người. Bố tôi (Kagekazu) mới thông đồng với một tùy tướng của họ Akamatsu là Ikado Kame.emon, cho gắn một bức thư vào đuôi tên rồi bắn vào thành, qua khe hở của bờ tường bên trong, đúng vào một đồn binh gọi là Myôan -maru. Ngày hôm sau, bố tôi (Kagakazu) lại bố trí để Mori trà trộn trong đám lính xích hầu vào thành trót lọt để có thể trao bức mật thư tận tay cụ Yuusai. Xong việc, đến chiều, ông ta lên đường trở lại miền Đông. Thế rồi cũng vào năm đó, khi họ Akamatsu bị tiêu diệt, bố tôi được ông Mori khuyên nên dời tới lập nghiệp ở vùng Buzen (bắc Kyuushuu).Vì vậy, năm Keichô thứ 6 (1601), bố tôi mới vào hầu việc trong phủ ngài Sansai.

                            

ã€Œç´°å· å¿ èˆˆã€ã®ç”»åƒæ¤œç´¢çµæžœ

Đời thứ 2: Hosokawa Sansai Tadaoki (1563-1645)

Qua đến năm Nguyên Hòa thứ 5 ( Gen.na 5, 1619) thì đương kim lãnh chúa là ngài Mitsuhisa (cháu đích tôn Sansai, con trai của Myôge.in) ra đời. Ấu danh của ngài là Rokumaru. Cha tôi được bổ nhiệm làm thủ hạ cho người chủ trẻ.Thế nhưng khi ngài Sansai qui ẩn vào năm Genna thứ 7 (1621) thì cha tôi (Kagekazu) cũng xuống tóc theo và lấy đạo hiệu là Tông Dã (Sôya). Ngày 9 tháng 12 (âm lịch) năm Khoan Vĩnh thứ 9 (Kan.ei 9, 1633), ngài Myôge-in Tadatoshi, thân phụ của đương kim lãnh chúa, trở về ấp phong là Higo thì bố tôi cũng đi theo. Ngày 17 tháng 3, ngài Myôge-in tạ thế. Chẳng bao lâu, ông Kagekazu, bố tôi, vì bệnh, cũng mất vào ngày 2 tháng 9 cùng năm. Năm đó ông được 84 tuổi.

Anh tôi là đích tử của bố (Kagekazu) tên gọi Kurobê Kazutomo (Nhất Hữu), xưa kia đã theo cha đến Buzen. Anh tập ấm chức của cha, ấy vào hầu việc ngài Sansai vào năm Khánh Trường thứ 17 ( Keichô 17, 1612) và được tuyển làm cận vệ. Sau đó, vì đau ốm, anh chỉ còn được cho làm những việc phụ. Đến khi ngài Myôge-in nối nghiệp cha vào mùa đông năm Khoan Vĩnh thứ 14 (1637) và tham gia trấn công quân phiến loạn ở Shimabara thì anh Kurobê tôi cũng được tháp tùng. Năm sau, vào ngày 27 tháng 2, có tin là anh cùng với Kaneta Yaichiemon là hai người đầu tiên trong phiên đã xông được vào bên trong trận tuyến của địch quân. Và trên đỉnh cao của bức tường thành nhìn xuống mặt biển, anh tôi đã chết như một chiến sĩ. Thụy hiệu nhà Phật của anh là Gishin-eiryuu-koji (Nghĩa Tâm Anh Lập cư sĩ).

                        

「細å·å¿ åˆ©ã€ã®ç”»åƒæ¤œç´¢çµæžœ

Đời thứ 3: Myôge-in  Hosokawa Tadatoshi (1585-1641)

Tôi là con thứ hai của Kagekazu, sinh vào năm Văn Lộc thứ tư (Bunroku 4), hồi nhỏ có tên là Saisuke. Năm lên 7, tôi theo cha đến Kokura (Okitsu) trong vùng Buzen (phía bắc Kyuushuu bây giờ).Tôi được vào hầu việc ngài Sansai vào năm Khánh Trường thứ 17 (Keichô 17) lúc lên 18. Đến năm Nguyên Hòa thứ 7 (Genna 7), khi ngài Sansai lui về ẩn cư và cha tôi cũng xuống tóc như ngài thì tôi vừa 28. Tôi lấy tên mới là Yagoemon Kageyoshi (Cảnh Cát) và theo ngài Sansai đến ngụ tại vùng Nakatsu thuộc Buzen.

Thế rồi vào tháng 5 năm Khoan Vĩnh nguyên niên (Kan.ei 1), có một chiếc thuyền buôn An Nam cập bến Nagasaki. Ngài Sansai, lúc đó đã tu tại gia được 3 năm, mới gửi tôi và một bạn đồng sự tên là Yokota Seibê đi mua những món hàng quí hiếm mà ngài có thể sử dụng vào những buổi lễ trà đạo. May mắn là lần đó, trong kho thuyền có hai khúc gỗ trầm hương (kyara) loại thượng thặng, một khúc tương xứng với phần bên dưới gốc cây (motoki) và một khúc lấy từ phía ngọn (uraki). Chẳng may cho chúng tôi, một người nhà của ngài Date chức Gonhuunagon (1) - được gửi từ phiên Sendai xa xăm – đã tỏ ý muốn mua với bất cứ giá nào khúc gỗ trầm hương nằm ở dưới đồ tức là phần có giá trị hơn. Tôi cũng ngỏ ý muốn mua món đó và cả hai bên bắt đầu đấu giá làm cho giá cả của khúc cây đó ngày càng cao.

Lúc đó Yokota, người bạn đồng sự của tôi mới phát biểu:

-Đành rằng chúng ta phải hành động đúng theo lệnh của tướng công ban bố, thế nhưng gỗ trầm hương chỉ là một món đồ để mua vui chứ nào đem đến lợi ích cho ai. Cho nên chúng ta không cần phung phí tiền bạc kiểu đó! Theo ý tôi thì mình nên nhường khúc gỗ dưới gốc cho gia thần của ngài Date. Còn mình lấy khúc trên thôi cũng đủ.

Tôi trả lời:

-Anh nói thế tôi không đồng ý. Lệnh của chủ quân chúng ta là đi mua một món thật quí hiếm.Thế nhưng, trong cả chuyến hàng nhập khẩu này, cái quí hiếm nhất là gỗ trầm hương. Và trong món gỗ đó, khúc nằm dưới gốc mới là thứ hiếm hoi bậc nhất. Như vậy, nếu mua được khúc gỗ cực hiếm ấy, chúng ta mới có thể nói là hoàn thành sứ mạng giao phó. Nếu bây giờ đi nhường cho nhà Date món đó thì không những sẽ khiến cho cánh Date có dịp vênh váo và lại còn làm muối mặt cả dòng họ Hosokawa nữa (2).

Yokota cả cười, giọng khinh mạn:

-Vậy là anh lầm to. Đồng ý là trong việc lấn đất giữ thành (nhất thành nhất quốc), chúng ta sẵn sàng đọ kiếm với dòng họ Date. Nhưng đây chỉ là một khúc gỗ con chỉ đáng để ném vào cái lò đặt trong một gian phòng rộng không hơn 4 chiếu rưỡi tatami (ý nói trà thất).Tôi không tưởng tượng nổi tại sao mình có thể bỏ ra cả một gia tài để có được ngần ấy. Ngay cả khi chính tướng công đứng ra đấu giá để tranh cho được nó, thì kẻ bầy tôi như chúng ta cũng phải can gián. Đúng vậy. Nếu ngài muốn thắng cho được để có khúc trầm hương quí hiếm nhất và chúng ta giúp cho ngài thực hiện được ý nguyện thì chúng ta chỉ là những kẻ a dua nịnh bợ chủ mà thôi.

Năm đó tôi mới 31 tuổi, tính tình còn nóng nảy. Nghe Yokota nói vậy, tôi đã căm gan nhưng vẫn cố ghìm, bảo:

-Lời anh đúng là lời của bậc hiền nhân quân tử nhưng riêng tôi thì chỉ biết mỗi một điều, ấy là mệnh lệnh của chủ quân. Nếu ngài bảo: “Triệt hạ cho ta cái thành này!” thì tôi sẽ không ngần ngại xông lên đánh phá cho dù va phải tường đồng vách sắt. Nếu ngài bảo:”Lấy đầu tên này cho ta!” thì tôi sẽ chém chết kẻ đó dù hắn có là quỷ dữ chăng nữa. Cũng giống như thế, nếu ngài cần một món đồ quí hiếm thì tôi sẽ quyết tâm tìm cho ra loại phẩm chất cao nhất. Đã là mệnh lệnh của chủ quân thì không còn có gì để mà bàn cãi về mặt đạo đức. Dù ai chê bai thế nào, tôi cũng chẳng lung lay.

Yokota còn cười giòn giã hơn trước:

-Thôi đi anh. Chẳng nhẽ anh muốn nói với tôi là anh coi thường cả luân lý đạo đức? Riêng tôi thì tôi có thể bỏ ra rất nhiều tiền mua vũ trang khí giới đánh giặc chứ bỏ tiền muôn bạn vạc như anh cho một khúc gỗ trầm thì đừng hòng. Đó là mỗi lỗi lầm sơ đẳng.

Tôi cự lại:

-Vũ khí và hương liệu là hai món đồ hoàn toàn khác nhau, điều đó dù là người thiếu đầu óc như tôi cũng không phải không biết. Vào thời ngài Taishô-in (Thái Thắng Viện, ám chỉ Yuusai), có lần ngài Gamô (3) ngỏ ý xin tới nhà họ Hosokawa để xem những báu vật sưu tập được. Tới ngày hẹn, khách kéo nhau đến. Ngài Taishô-in mới trưng bày ra nào mũ trụ, áo giáp, cung kiếm thương kích đủ loại. Ngài Gamô nhìn tất cả rồi ra dáng ngạc nhiên, sau mới thưa thật chủ ý của ngài là mong được xem mấy thứ trà cụ. Lúc đó, ngài Taishôin bèn cười mà đáp rằng; “Hôm trước, ngài có nói muốn xem những gì tôi sưu tập được. Do đó tôi mới đem trình ngài vài thứ vũ trang. Thế nhưng nếu nói về trà cụ thì tôi cũng có được một ít”.  Và ngài bắt buộc phải đưa một số ra cho ngài Gamô xem.

Anh có thấy là trong nhà họ Hosokawa chúng ta, một kiến thức sâu xa về Vũ đạo luôn luôn đi kèm theo sự hiểu biết về Thi đạo cũng như Trà đạo. Có phải là một gia tộc có một không hai trên đời này không? Nếu ta xem Trà đạo chỉ là những nghi thức rỗng tuếch và vô nghĩa  thì những đại lễ của nhà nước, việc tế kỵ tổ tiên cũng chẳng phải đều là hư sức cả hay sao?  Mệnh lệnh chủ quân trao cho chúng ta là kiếm cho ra một món đồ quí hiếm để ngài dùng vào nghi lễ Trà đạo. Đó là lệnh của chủ, chống lại nó là mất mạng. Nếu anh cho rằng việc bỏ một số tiền lớn để mua khúc gỗ trầm là sai lầm thì coi như anh đã bướng bĩnh, coi thường nguyên tắc cơ bản đó.

Yokota ngắt lời:

-Đúng thế! Tôi không biết gì về nghệ thuật uống trà. Tôi chỉ là một kẻ vũ biền gàn bướng. Nhưng tôi muốn xem anh, người rành rẽ không biết bao nhiêu là ngành nghệ thuật, anh có hiểu gì về cái nghề nghiệp chính của mình chăng?

Nói vừa chưa dứt, anh đã nhảy len, rút thanh đoản đao và phóng nó về phía tôi.Thế nhưng tôi đã né được qua một bên. Nhân vì tôi có để thanh trường kiếm trên chỗ gác kiếm bên dưới chigai dana (4), tôi bèn thối lui vài bước rồi chụp lấy nó. Hai chúng tôi đều tuốt kiếm khỏi vỏ và chỉ cần một nhát, tôi đã chém chết Yokota.

Tôi bèn mua ngay khúc gỗ trầm hương giá trị nhất và đem về Nakatsu. Gia thần nhà Date đành chịu lãnh khúc nằm trên ngọn cho phiên Sendai. Phần tôi thì sau khi dâng vật mua về lên ngài Sansai, tôi đã xin ngài một điều: “Bởi vì thần muốn chấp hành mệnh lệnh tướng công, thần đã giết chết một người samurai phục vụ dưới trướng của ngài. Thần vô cùng bối rối. Thần xin phép tướng công hạ lệnh mổ bụng để thần được đền tội”.

Nghe tôi thưa xong, ngài đã phán như sau:

-Không ai có thể lập luận đúng hơn mi về những điều mi trình bày  cho hắn nghe. Cho dù một khúc gỗ trầm hương chỉ là vật không đáng kể nhưng phải gán cho nó một ý nghĩa quan trọng vì nó là món đồ quí mà ta đã sai các ngươi đi tìm cho ra. Hơn nữa, nếu chúng ta chỉ đánh giá mọi vật bằng lợi ích do nó đem lại thì trên đời này chẳng có cái gì còn gọi là đáng tôn kính nữa.

Ngoài ra, ta đã thử đốt một nhúm trầm mà ngươi mang về. Quả thật là một loại trầm hảo hạng xưa nay hiếm có. Ta bèn đặt tên cho nó là Hatsune (Sơ Âm) (5), để nhớ bài thơ xưa vốn có nội dung như sau:

Mỗi lần nghe cuốc kêu,
Thấy sao mà tuyệt diệu.
Vì luôn mang tâm cảnh,
Nghe được tiếng đầu tiên.

(Kiku tabi ni / mezurashikereba / hototogisu / itsumo hatsune no / kokochi koso sure )

Ta khen cho ngươi đã khéo tìm ra được một vật báu. Thế nhưng ta không biết làm sao để ngăn con cháu của Yokota Seibei đừng có mang mối hận thù nào với ngươi.

Thế rồi ngài cho gọi cậu trưởng nam của Seibei tới để uống cùng tôi một chén rượu sake giải hòa và bắt hai bên thề thốt không được gây ra sự cố. Tuy vậy, cánh nhà Yokota nghĩ rằng tôi vẫn nuôi những ý đồ khác đối với họ nên cuối cùng đã lánh về vùng Chikuzen (tây bắc Fukuoka). Sau đó, ngài Sansai cho tôi biết tôi được phép dùng chữ Oki (Hưng) trong tên của ngài (Tadaoki) để đổi tự dạng tên sẵn có của tôi là Okitsu (Trùng Tân) thành Hưng Tân (6).

Hai năm sau những sự cố vừa kể, ngày 6 tháng 9 (âm lịch) năm Khoan Vĩnh thứ 3 (Kan.ei 3), Chúa Thượng khi ngự đến thành Nijô (Nhị Điều Thành ở Kyôto) (7) đã ngỏ ý muốn xem loại trầm hương mà ngài Myôge-in (thật ra là Sansai, cha ông) mua được và người đã đến chầu. Ngài lúc ấy mới ban lời khen ngợi và có nhắc lại một bài Waka xưa:

Ai dám đem mình sánh.
Với loài cúc trắng kia.
Dù mùa thu đà hết,
Vẫn thoảng một làn hương.

(Tagui ari to / dare ka wa iwamu / sue nio / aki yori ato no / shiragiku no hana)

Ngài bèn ban cho loại trầm hương này cái tên Bạch Cúc. Như thế, khúc gỗ mà tôi đưa về đã có may mắn được bậc chí tôn ban khen và như thế, gia đình của chủ quân tôi cũng lấy làm vinh hạnh. Hạnh phúc ấy đã vượt trên mọi sự chờ đợi, làm tôi vui mừng đến ứa nước mắt.

Sau đó, tôi đã nhận được nhiều ân huệ đặc biệt từ ngài Myôge-in (Diệu Giải Viện, ám chỉ Tadatoshi, con của Sansai). Vào năm Khoan Vĩnh thứ 9 (Kan.ei 9), nhân xảy ra việc phân phối lại ấp phong, ngài Sansai bèn sai tôi vào hầu việc cho mình trong cư thành Yatsushiro. Hơn nữa, mỗi lần ngài lên kinh đô để chầu, lúc nào cũng cho tôi dự vào đoàn tùy tùng.

Song song với những việc đó, năm Khoan Vĩnh thứ 14 (Kan.ei 14) đã xảy ra cuộc tiểu trừ phiến loạn ở Shimabara. Tôi được chỉ định theo đoàn quân của người em trai thứ ngài Myôge-in là ngài Nakatsukasa Shôyuu (8) Tatsutaka. Ngài Tatsutaka có giao cho tôi giữ một lá quân kỳ. Ngài 22 tháng 2 năm sau, nó trở thành lá cờ đầu tiên được cắm lên ở khu vực tường thành mà chúng tôi đã đánh sập được để tiến vào. Thế nhưng lúc đó, vì trúng một phát đạn vào đùi, tôi đành phải bỏ ngang trận đấu. Năm đó tôi 45 tuổi. Đến năm Khoan Vĩnh thứ 17 (Kan.ei 16), vết thương lành hẳn, tôi được bổ làm việc ở Edo.

Năm Khoan Vĩnh thứ 18 (Kan.ei 18), ngài Myôge-in bất ngờ lâm trọng bệnh và qua đời trong khi cha ngài (Sansai) vẫn còn sống. Lúc ấy, tân quân là ngài Higo-no-kami Mitsuhisa lên nối nghiệp nhà. Ngày 2 tháng 9 (âm lịch) cùng năm, cha tôi là Yagoemon Kagekazu cũng qua đời. Thế rồi đến năm thứ 2 niên hiệu Chính Bảo (Shôhô 2, 1645), đến lượt ngài Sansai tạ thế. Trước đó, vào năm Khoan Vĩnh thứ 13 (Kan.ei 13), ngài Date Chuunagon, lãnh chúa phiên Sendai – người đấu giá và rốt cuộc đã chia hai khúc gỗ trầm quí hiếm đó với chúng tôi - cũng đã qua đời trong cư thành Wakabayashi (Thiếu Lâm) của mình. Ông đã xem khúc gỗ trầm mua được như một báu vật có giá trị nhất trong bộ sưu tập của dòng họ và đặt cho nó cái tên là Shibafune (Sài Thuyền, Thuyền củi) để nhớ đến một bài thơ xưa nội dung như sau:

Ta mang nơi chiếc thân,
Thống khổ kiếp phù sinh.
Thuyền củi dù chưa đốt,
Cháy tàn hết rồi chăng?

(Yo no naka no / uki wo mi ni tsumu / shibafune ya / takanu saki yori / kogare yuku ran )  (9)

Tôi đã suy nghĩ lung lắm về những gì đã xảy ra từ khi cha tôi (Kagekazu) vào hầu việc cho họ Hosokawa. Phải nói thêm là nơi đây, anh cả của tôi  (Kurobê Kazutomo) cũng đã hưởng nhiều ân huệ đặc biệt. Riêng tôi, kể từ ngày ở Nagasaki tôi cướp đi tính mệnh của Yokota Seibei, người bạn đồng sự, thì ngài Shôkôji (Tùng Hướng Tự, tức Sansai) đã tha chết cho tôi. Nay chủ quân tôi và cũng là người dung tha mạng sống đã từ giã cõi đời thì làm sao tôi có thể sống còn? Do đó, tôi mới lấy quyết định cho mình.

Một vài năm trước, khi ngài Myôge-in (Tadatoshi) qua đời, 19 gia thần đã chết theo ngài. Hai năm trước đây, khi ngài Shôkôji (Tadaoki) tạ thế, tức khắc đã có 4 người tuẫn tử theo hầu chủ. Đó là Minota Heishichi Masamoto, Ono Dembê Tomotsugu, Kuno Yoemon Munenao và Hôsen-in Shôen-gyôja.

Ông cố của Minota tên gọi Izumi, chức gia lão trong phiên bên cạnh ngài Sagara trấn thủ xứ Tôtômi (nay là vùng Iwata thuộc tỉnh Shizuoka), đã chết giữa trận tiền bên cạnh chủ quân của ông ấy. Ông nội Wakasa  và ông bố Ushinosuke của Minota từ đó sống đời võ sĩ vô chủ, Đến đời Minota Heishichirô, ông mới được ngài Sansai (cũng là Tadaoki) vời về làm việc và ban cho một món lộc 500 thạch thóc. Năm ông ta mổ bụng, Heishichirô mới có 23 tuổi. Thị đồng của ông là Isobe Chôgorô đã khai đao giải thoát cho ông.

Họ Ono xuất thân từ vùng Tango, đã theo hầu gia đình chủ quân của chúng ta từ đời ông nội của Dembê là Imayasu Tarozaemon. Có một hôm bố của Dembê, Tanaka Jinzaemon (10) không theo chỉ thị của chủ mà bất chợt bỏ đi khỏi dinh của phiên ở Edo. Chủ quân của chúng ta (và cũng là của họ) mới ra lệnh cho Dembê, người được chọn làm cận vệ (kinjuu) cho ngài, phải đi kiếm bằng được bố mang về. Nếu kiếm không ra thì phải chịu tội chết thay cha. Dembê đi hết tỉnh này sang tỉnh khác nhưng tìm không ra cha, đành quay về trước mặt chủ quân để chịu tội. Thế nhưng ngài Sansai lại lên tiếng khen ngợi Dembê vì ông này biết nếu mình về là sẽ lãnh án tử mà vẫn cứ quay về. Do đó, ngài bèn tha tội cho. Nghĩ rằng ân huệ đó đã trở thành một nghĩa vụ nên khi chủ quân chết, Dembê bèn mổ bụng. Người khai đao hộ ông là Isoda Juurô.

Còn Kumo thì ông từng theo hầu ngài Yuusai (Fujitaka) thời ở Tango (tên cũ của một vùng phía bắc Kyôto) và được ăn thêm món lộc mới 150 thạch vì đã chiến đấu dũng cảm trong trận chống giữ thành Tanabe. Yano Matasaburô là người đã khai đao giúp ông.

Hôsen-in trước kia là một yamabushi (thày tăng vân du), ông có nhiệm vụ thổi tù và (làm bằng ốc loa) khi giao chiến. Ông là con của Ishii Bingo-no-kami Yoshimura và là em trai của Tsutsui Junkei. Người khai đao tiễn đưa ông là một thày tăng vân du đồng bọn.

Những câu chuyện liên quan đến các người nói trên làm nức lòng tôi, khiến tôi thèm được chết như họ.Tuy vậy, tôi hãy còn một số công chuyện trong phủ của phiên ở Edo phải hoàn tất trong thời gian chủ quân vắng mặt và nhân vì không nhờ ai khác làm thế mình được, tôi đã phải sống những tháng ngày trống vắng từ mấy tháng nay rồi.

Trong thời gian ấy, thi thể của ngài Shôkôji (Tadaoki) đã được hỏa táng ở Taishô-in (Thái Thắng Viện, chùa của Yuusai)  trong cư thành Yatsuhiro nhưng theo đúng di ngôn của ngài, mớ tro ấy đã được cao tăng Sen. yo (Chuyên Dự, 1530-1604) của Taishô-in hộ tống đi Kyôto ngày 11 tháng giêng. Những người sau đây đã tháp tùng đoàn: Nagaoka Kawachi Kagenori, Kaku Sakuzaemon Ietsugu, Yamada San.emon, Sakata Genzaemon Hidenobu, Yoshida Ken.an. Khi đến được Kyôto vào ngày 24 tháng ấy, họ đã đem tro cốt của ngài đặt ở Kôtô-in (Cao Đồng Viện) ở chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) trong vùng Murasakino. Việc này thì từ lúc còn sinh tiền, chủ quân của chúng ta đã được sự đồng ý của người trụ trì chùa tức Hòa thượng Seigan (Thanh Nham).

Thế nhưng đến năm nay, sau khi đã hoàn tất công việc trong phủ, tôi mới đến gặp chủ quân của chúng ta (Mitsuhisa, con trai Tadatoshi và cháu nội Tadaoki) để trình bày cái ước nguyện đã ôm ấp trong lòng từ bấy lâu nay và ngài đã phải chấp nhận quyết tâm không dời đổi của tôi. Ngày 29 tháng 10, tôi đến để bái biệt. Ngài bèn đãi tôi ăn lót lòng và tự tay mình châm trà. Cuối cùng, ngài đã ban cho tôi hai bộ lễ phục có lần lót màu đỏ, được thêu hoa văn của dòng họ Hosokawa gồm có 9 hình tròn (Cửu Diệu) giống như những cái đĩa, tượng trưng cho 9 vì tinh tú. Khi tôi ra về, ngài còn phái hai cận thần là Hayashi Geki và Fujisaki Sakuzaemon đến trấn an là không phải lo lắng gì đến hậu sự, đồng thời cũng ban cho một bài thơ tiễn biệt.

Ngài cũng ưu ái dặn dò tôi là khi đến Kyôto rồi, không được có hành động gì mà không tham khảo ý kiến của Furuhashi Kozaemon. Các nhân vật khác như Hotta Kaga-no-kami và Inaba Noto-no-kami mỗi người đều có hảo ý tặng tôi một bài thơ. Khi tôi rời khỏi Edo vào ngày 2 tháng 11 (âm lịch), ông Tanaka Sahê đã tiễn tôi đến tận Shinagawa với tư cách đại diện cho chủ quân.

 

関連画åƒ

Hoa văn nhà Hosokawa tượng trưng cho 9 vì tinh tú

Đặt chân lên Kyôto, tôi bèn đến nương nhờ Matajirô, em trai tôi, chủ nhân của ngôi nhà nơi tôi đang ngồi viết những dòng này. Chú ấy là người tôi sẽ gửi lại thanh đoản đao để làm kỷ vật sau khi mọi thủ tục xong xuôi.

Sau đây là tên những vị đã tặng tôi thơ tiễn biệt: các bậc công khanh như Karasumaru Dainagon Sukeyoshi và Uramatsu Saishô Sukekiyo, Hòa thượng Seigan trụ trì Daitokuji (Đại Đức Tự), chư trưởng lão của Nanzenji (Nam Thiền Tự), Myôshinji (Diệu Tâm Tự), Tenryuuji (Thiên Long Tự), Shôkokuji (Tướng Quốc Tự), Kenninji (Kiến Nhân Tự), Tôfukuji (Đông Phúc Tự) cũng như Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) ở Nara. 

Còn về địa điểm nơi tôi sẽ mổ bụng ngày mai thì hình như người ta đã - theo lời khuyên của ông Furuhashi - cất một cái nhà rạp dưới chân ngọn đồi Funaoka. Từ lối vào Daitokuji cho đến đó chỉ có một khoảng cách chừng nửa dặm. Họ đã bày trên mặt đất hơn 3.800 tấm rơm thô. Còn trong nhà rạp cũng trải một tấm chiếu cói (tatami) và phủ lên bằng vuông vải trắng. Thấy họ thiết kế có vẻ trịnh trọng như vậy tôi hơi khổ tâm nhưng đó lệnh của chủ quân nên tôi không dám có ý kiến. Nhân chứng chính thức là ông Tani Kuranosuke, người đại diện cho ngài Mitsuhisa, các chức gia lão trong phiên như Nagaoka Yohachirô và Hanzaemon. Hòa thượng trụ trì chùa Daitokuji tức ngài Seigan Jitsudô (Thanh Nham Thực Đường) sẽ đến chứng minh cho tôi. Con trai tôi là Saiemon cũng có mặt. Tôi đã nhờ Nomi Ichirôbê Katsuyoshi làm người khai đao trợ tử. Tôi cũng chọn xong pháp danh là Kohô Fuhaku (Cô Phong Bất Bạch). Dù bản thân chỉ là một kẻ chẳng ra gì nhưng tôi vẫn mong sao những giây phút cuối của  đời mình không được khó coi.

Bức di thư này tôi xin đề tên người nhận là Saiemon, con trai tôi, để anh có thể truyền xuống con cháu hết thế hệ này đến thế hệ khác. Tôi muốn làm sao cho chúng thừa hưởng sự quyết tâm của tôi mà bày tỏ được lòng tận trung với gia đình của chủ quân mình.

Viết xong vào ngày sóc (mồng 1) tháng chạp năm Chính Bảo thứ 4 (1647).

Áp triện: Okitsu Yagoemon Kageyoshi

Người nhận: Ông Okitsu Saiemon

Ngày mồng 2 tháng chạp năm Chính Bảo thứ 4 (Shôhô 4), Okitsu Yagoemon đến viếng ngôi mộ của ngài Kôtô-in (Cao Đồng Viện, ý nói Sansai Takaoki) ở Daitokuji; sau đó ông đi về phía cái nhà rạp cất dưới chân đồi Funaoka. Ông ngồi xuống tấm chiếu tatami và rút đoản đao ra nắm trên tay. Xong ông quay đầu lại, nhìn Nomi Ichirôbê đang đứng sau lưng mình và bảo: “Ta nhờ ông đấy!”.Từ phía trên tấm áo một màu trắng tinh khiết, ông đâm và rạch da bụng 3 lần thành hình chữ Tam (San). Nomi chém xuống cổ ông nhưng đường kiếm không đủ mạnh. Yagoemon mới nói: “Cứa cổ hộ ta!”. Thế nhưng trước khi Nomi đủ thời giờ để vung kiếm chém nhát thứ hai thì ông đã trút linh hồn. 

Người dân Kyôto, đủ cả già trẻ lớn bé, tụ tập thành một vòng rào chung quanh ông để chứng kiến.Trong những bài thơ ngẫu hứng làm ra vào dịp ấy có mấy vần như sau:

Vọng mấy tầng mây,
Dương cao tên tuổi .
Tiếng thét của người,
Trung trinh theo chủ.

(Hirui naki / na wo ba kumoi ni / ageokitsu / yagoe wo kakete / oibara wo kiru) (12).

                Sau đây là gia phổ nhà Okitsu kể từ đời Kagemichi:

 

 

1-Uhyôe Kagemichi

 

 

 

 

 

2-Yagoemon

Kagekazu

 

 

 

Kurobê Kazutomo

3-Yagoemon Kageyoshi

Sakudayuu

Kageyuki

Shirôemon

Kagetoki

Hachisuke

Muneharu

Matajirô

 

4-Saiemon

Kazusada

Yagodayuu

Shirobê

 

Ichirôzaemon

 

5-Yagoemon

 

Sakuemon

 

 

 

6-Yachuuta

 

Noboru

 

 

 

7-Kurôji

 

Shirobê

 

 

 

8-Kurobê

 

Uheita

 

 

 

9-Eiki

 

Junji

 

 

 

10-Saiemon

 

Kumaki

 

 

 

11-Yagoemon

 

Noboru

 

 

Saiemon Kazusada, đích tử của Yagoemon Kageyoshi (Cảnh Cát), được ăn lộc 200 thạch thóc. Ông ta phục vụ trong đội quân của phiên và lên được chức đội trưởng, có dưới tay 30 pháo thủ. Ông chết vì bệnh năm Bảo Vĩnh nguyên niên (Hôei 1, 1704). Ông đứng vào hàng thứ 4 của gia phổ kể từ đời (ông cố là) Uhyôe Kagemichi (Cảnh Thông). Người cháu đời thứ 5 cũng tên là Yagoemon, tùng quân và lên được chức đội trưởng của 12 tay súng. Ông ta chết bệnh năm Nguyên Văn thứ 4 (Gembun 4, 1739). Đời thứ 6 là Yachuuta, sung vào chức cảnh vệ, về hưu vào năm Bảo Lịch thứ 6 (Hôreki 6, 1756). Đời thứ 7 là Kuroji nằm trong đội cảnh vệ, nghỉ hưu năm An Vĩnh thứ 5 (An.ei 5, 1776). Đời thứ 8 là Kurobe, một người con nuôi. Ông cũng làm việc trong đội cảnh vệ  và ốm chết vào năm Văn Hóa nguyên niên (Bunka 1, 1804). Đời thứ 9 là Eiki, lại là dưỡng tử, ông có chân trong đội cảnh vệ, chết vì bệnh năm Văn Chính thứ 9 (Bunsei 9, 1826). Đời thứ 10 là Yachuuta, đích tử của Eiki, sau đổi tên thành Saiemon. Ông ta cũng làm cảnh vệ và chết vì bệnh vào năm Vạn Diên nguyên niên (Man.en 1, 1860). Đời thứ 11 là Yagoemon, con thứ của Saiemon, sau đổi tên thành Sôya. Ông này giỏi nghề truy kích chó (inuoumono) (13). Năm Minh Trị thứ 3 (Meiji 3, 1870), ông cũng được sung vào đội cảnh vệ.

Cha của Yagoemon Kageyoshi – tức là Kagekazu – sinh được 6 trai. Trưởng nam là Kurobê Kazutomo, con thứ hai là Kageyoshi. Người thứ ba, Hanzaburô, sau đó được biết dưới tên Sakudayuu Kageyuki. Ông này mất vì bệnh năm Khánh An thứ 6 (Keian 6, 1652). Con trai ông, Yagodayuu cũng chết bệnh năm Khoan Văn thứ 11 (Kambun 11, 1671). Nhà đó đến đời này thì tuyệt tự.

Con thứ 4 của Kagekazu gọi là Chuuta, sau được gọi là Shiroêmon Kagetoki. Ông đã có quân công khi theo binh đoàn của cụ Sansai triệt hạ thành Ôsaka trong chiến dịch mùa hạ năm Nguyên Hòa nguyên niên (Gen.na 1, 1615). Thế nhưng đến khi tưởng thưởng, ông ta lại từ chối phần mình vì có điều gì phật ý. Thái độ đó đã làm cho ông bị đuổi khỏi phiên.Từ đó, ông mới đổi tên mình thành Teramoto, vào vùng Kameyama trong xứ Ise và thờ người chủ mới là Honda Shimôsa-no-kami Toshitsugu. Ông được trông coi ba địa điểm Sakanoshita, Seki và Kameyama. Mùa đông năm Khoan Vĩnh thứ 14 (Kan.ei 14, 1637), quân phiến loạn nổi dậy ở Shimabara làm cho các lãnh chúa trong vùng đang hầu việc ở Edo phải hộc tốc quay về ấp phong của mình. Hosokawa Etchuu-no-kami Tsunatoshi (con trai Mitsuhisa) và Kuroda Uemon-no-suke Mitsuyuki đã khởi hành trong cùng một ngày. Thế nhưng ra đến con đường lớn Tôkaidô (Đông Hải Đạo), cánh nhà Tsunatoshi mới thấy mình thiếu người và ngựa. Nhờ vậy mà Mitsuyuki đi nhanh hơn họ được một hôm. Nhân dịp đó, Teramoto Shiroêmon (tức Kagetoki) vay 700 lượng bạc từ cậu em út Matajirô ở Kyôto, mua hết đàn ngựa của 3 vùng Sakanoshita, Seki và Kameyama và đem giấu chúng trong núi, đợi đến lúc Tsunatoshi đi qua chỗ ấy mà đem cho ông dùng. Nhờ thế Tsunatoshi mới bắt kịp rồi vượt qua Mitsuyuki ở khu vực nhà trạm Tsuchiyama-Minaguchi. Quá đổi vui mừng, Tsunatoshi sau đó đã gọi người con trai thứ hai của Shiroêmon  là Shirobê, lúc ấy đang sống ở Edo, về làm việc cho mình.

     

「haniwaã€ã®ç”»åƒæ¤œç´¢çµæžœ

Haniwa, hình nhân bằng gốm chôn theo để thế vào chỗ người tuẫn tử

Đích tử của Shirobê tên là Sakuemon lãnh lương 20 thạch thóc cho 5 miệng ăn và được sung vào đội cảnh vệ. Ông ta chết bệnh năm Nguyên Lộc thứ tư (Genroku 4, 1691). Noboru, con trai ông, theo phò ngài (Hosokawa) Etchuu-no-kami Nobunori, ăn lộc tất cả đến 700 thạch. Ông còn giữ chức ấy cho đến khi ngài Etchuu-no-kami Munetaka trở thành người đứng đầu dòng họ Hosokawa và chỉ nghỉ hưu vào năm Nguyên Văn thứ ba (Gembun 3, 1738). Con trai Noboru cũng tên là Shirobê, trông coi việc quản lý quân nhu. Thế nhưng vào năm Khoan Diên thứ ba (Kan.en 3) nhân một hành động vô kỷ luật, ông đã bị tịch biên nhà cửa và tài sản. Uheita, con trai ông, trước làm việc dưới trướng Etchuu-no-kami Shigekata, sau theo về làm cận vệ cho Nakatsukasa Taiyuu Harutoshi với mức lương 150 thạch. Cuối cùng, ông được bổ nhiệm vào phân đội đặc nhiệm tùy tùng Công nương Tsuna (Tsuna-hime) trước khi về nghỉ hưu vào năm Văn Hóa thứ hai (Bunka 2, 1805). Đích tử của ông tên là Junji, một người rành binh pháp, giỏi thuật bắn cung nhưng đã qua đời vì đau ốm vào năm Văn Hóa thứ 5 (Bunka 5). Dưỡng tử của ông ấy, Kumaki, thực ra là con trai thứ ba của Yamano Kanzaemon. Kumaki được ăn lộc 20 thạch và làm thị đồng của chủ quân. Ông này cũng chết vì đau yếu vào năm Thiên Bảo thứ tám (Tenpô 8, 1837). Con trai nối dõi của ông là Eiichirô đổi tên thành Shiroêmon. Ông này làm thị tùng cho quan chủ quận (gundai) Tamana và là một trong những người tùy tùng chính yếu. Năm Minh Trị thứ 3 (Meiji 3, 1870), ông được bổ làm thuộc viên trông coi việc hình ngục và đổi tên thành Noboru.

Người con thứ 5 của Kagekazu, Hachisuke, què quặt vì một vết thương nơi chân từ thuở mới lên 3. Ông đổi tên thành Muneharu và chết vì ốm vào năm Khoan Văn thứ 12 (Kambun 12, 1672). Người con thứ 6 của Kagekazu, Matajirô, sống ở Kyôto, Ông đã nhận Ichirôzaemon, cháu nội của Sano Kanjurô, người bà con ở vùng Harima, làm dưỡng tử. (14)

Dịch xong tại Tôkyô ngày 14 tháng 8 năm 2018

NNT

Chú thích:

(1) Họ Date là lãnh chúa vùng Sendai, một nơi giàu có và binh hùng tướng mạnh. Trong truyện, vị lãnh chúa ấy có thể chính là “Độc Nhãn Long” Date Masamune (1567-1636).

(2) Trò chơi chữ. Date là tên vị lãnh chúa vùng Sendai nhưng có  một chữ đồng âm dị nghĩa hàm ý “phô trương”, “lên mặt”. Hosokawa tuy là danh từ riêng  nhưng còn có nghĩa là “con sông hẹp” hàm ý “một giòng nước”, “một dòng dõi”.

(3) Gamô. Có thể ám chỉ Gamô Ujisato (1556-1595), một võ tướng có thế lực thời Azuchi Momoyama, người hầu như sống cùng thời với Hosokawa Yuusai (1534-1610).

(4) Chigai-dana: ngăn treo kiếm đặt theo chiều ngang với hai mảnh ván nằm song song nhưng lệch qua một bên. Được dựng ở một hốc phòng (tokonoma).

(5) Hatsune (tiếng đầu tiên) tức tiếng chim cuốc đầu mùa. Ai nghe cuốc hót đầu tiên sẽ được đánh giá là người lịch lãm và tinh tế.

(6) Lãnh chúa ban một chữ trong tên mình cho thần hạ là muốn nói lên lòng trân trọng đối với công lao của người đó. Nó cũng giống như việc nhà vua ban quốc tính.

(7) Nhân vì thành Nijô là hành dinh của Shôgun khi mỗi khi ông xuống Kyôto có việc và ít sác xuất là Thiên Hoàng hạ cố đến thăm ông hơn là ông vào chầu ngài nên “Chúa thượng” trong nguyên văn chỉ có thể là một Shôgun họ Tokugawa.

(8) Nakatsukasa shôyuu (Trung vụ thiếu phù) là một chức phụ tá trong cung lo nội vụ như ở Trung thư tỉnh. Để ý là trong tên các quan Nhật đời xưa thường có 3 bộ phận đi liền nhau: Họ+Tước+Tên.

(9) Trò chơi chữ: kogare có hai nghĩa: một là “chèo thuyền” (do động từ kogu), hai là “bị cháy tiêu” (kogareru).

(10) Ở Nhật có nhiều tình huống khiến cho cha con ruột không có cùng một họ, ví dụ con đi làm con nuôi hay ở rể nhà khác. Hơn nữa họ có khả năng thay tên đổi họ.

(11) Tam (có 3 nét ngang) để chỉ mình chết theo chủ là cụ Sansai (Tam Trai).

(12) Trò chơi chữ: Trong bài thơ có cụm từ ageoki và yagoe vừa là bộ phân của tên người tuẫn tử (Okitsu Yagoemon) vừa có nghĩa là “cất tiếng hét to vọng tới trời”(age+okii+koe)

(13) Inuoumono là trò đuổi dồn theo đàn chó và dùng chúng như những cái đích di động để tập xạ kích bằng cung tên. Lối luyện tập này đã bắt đầu với kỵ binh Kamakura.

(14) Trong đoạn kết này, tuy Mori Ôgai kể lể dông dài nhưng hẳn có mục đích làm rõ mối quan hệ ân nghĩa giữa một gia đình samurai và gia đình chủ quân đã cưu mang họ từ đời này qua đời khác.

 

Tư liệu tham khảo:

1)    Mori Ôgai, Okitsu Yagoemon no isho, nguyên tác Nhật ngữ tải xuống từ Aozora Bunko (Thư viện trên không), số hóa từ Nihon Bungaku Zenshuu, bản tô màu, quyển 7 (Mori Ôgai), nhà xuất bản Kawade, 1969, Tokyo.

2)    Jacqueline Pigeot dịch Mori Ôgai, Le Testament d’Okitsu Yagoemon, trong Les Noix, la mouche, la citron,Tập  tuyển dịch 13 tác giả thời Taishô sang tiếng Pháp, Le Calligraphe xuất bản, Paris, 1986. Bản tham chiếu. 

3)    Tranh ảnh và bài vở trên mạng.

 


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................

® "Khi phát hành lại bài viết của trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com)
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com