Ngày của Cha

Chiều nay, khi đi học về hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào phòng mẹ với nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết mẹ đang còn sống, đang còn ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "mẹ ơi, mẹ có biết không?". Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là … con thương mẹ không?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời, cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi câu ấy, chị cũng hỏi câu ấy, em cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không còn mẹ.

Lần nào cũng vậy, hễ nghe đọc đến đoạn văn này của thầy Nhất Hạnh trong các buổi lễ Bông Hồng Cài Áo là tôi cảm động không cầm được nước máy, rồi bất giác đưa tay sờ lên ve áo để sung sướng nhận ra rằng mình vừa được cài hai đoá hoa hồng, mình còn ba còn mẹ.

Father’s day is around the corner, have you circled your calendar, have you gotten your father any thing? ... Rồi nào là giày dép mũ nón áo quần, bao nhiêu thứ có thể mua làm quà cho cha được quảng cáo rầm rộ trên TV cả tháng nay. Mua cái gì cho ba? Ba cần gì, ba thích gì? Chiếc áo này màu sắc rất nhã nhặn có lẽ vừa ý ba, cặp kiếng mát kia vừa nhẹ vừa hợp thời. Hay là mua cho ba cái mũ, lúc này ra đường trời nắng chói chang. Hay là một cái đồng hồ đeo tay đẹp hơn cái ba đang có, một chiếc cà vạt, một cái bóp da? Cứ như thế mà tôi đi lên đi xuống trong shopping mall, tiệm nào cũng ghé, cũng dòm thử. Đi lựa quà cho người mình thương có lẽ là một cái thú vì suốt mấy tiếng đồng hồ mình sống trọn vẹn với người ấy trong lòng, và nhất là khi nghĩ tới món quà mình tặng được tiếp nhận hân hoan. Nhưng tặng món gì sẽ được ba tiếp nhận hân hoan? Quần áo thì ba đã có dư để thay đổi, nhiều cái còn nguyên nhãn hiệu chưa đụng tới. Giày dép cả chục đôi, cà vạt thì đủ kiểu, đủ màu. Mua món gì cho ba để chứng tỏ mình hiếu thảo dầu chỉ trong một ngày dành cho cha? Cả mấy tiếng đồng hồ lặn lội đôi chân đã mỏi nhừ, chẳng lẽ đi không rồi lại trở về không? Chẳng lẽ cứ vơ càng một món gởi cho ba để gọi là có ??

Ngồi nghỉ trong quán nước nhìn giòng người hối hả qua lại, họ giống như những con bệnh đang lên cơn sốt, cơn sốt thương mại trầm trọng. Tôi chợt thấy… hệ thống miễn nhiễm của mình cũng yếu quá, mình gàn quá, mình chẳng có tí bản lãnh để cũng bị cuốn hút theo trào lưu. Ai đặt ra điều lệ là phải quà cáp biếu xén trong ngày lễ của cha? Tình thương dành cho cha, công ơn sanh thành dưỡng dục đâu chỉ được đo bằng thứ vật chất thừa mứa. Quần, áo, giày, dép, mũ, nón,… chất sao cho bằng được núi Thái Sơn, cho bằng được nước trong nguồn? 

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau

Tôi bỗng chợt hiểu ra rằng thương cha thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức mà ta phải thế này, phải thế kia. Thương cha thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ, bởi vì cha vì mẹ là xôi, là chuối, là mía, là đường. Tình cha tình mẹ thì trường cửu bất tuyệt. Và không phải đợi tới ngày của cha của mẹ mình mới bày tỏ chút yêu thương. Nụ hôn trên má, những lời thăm hỏi ân cần thường xuyên, tôi chắc cũng đủ làm ba tôi mãn nguyện, vui lòng.

Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Một mai cha yếu mẹ già
Chém cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng

Câu ca dao khiến hai giọt nước mắt của tôi lại rưng rưng.

LH (16/3/2003)