|
BA TÁC GIẢ TRUYỆN NHI ĐỒNG NHẬT BẢN
BA ANH EM (Sannin kyôdai)
Dịch: Nguyễn Nam Trân Một: Con đường chia ba ngả. Chuyện xảy ra từ một nghìn năm về trước, thời mà kinh đô vương triều còn là Kyôto. Ở một làng trong xứ Tamba, cách kinh đô chừng 20 dặm về phía Bắc, có ba anh em nhà kia. Người anh lớn nhất tên là Ichirôji, anh giữa gọi là Jirôji, còn cậu em út tên là Saburôji.Tiếng là anh em nhưng tuổi của ba cậu là 18, 17 và 16 nên chỉ cách có một năm và dáng dấp lại to lớn ngang nhau. Mặt mũi và cách ăn nói, cử chỉ cũng tương tự, giống nhau đến nỗi người ngoài không ai phân biệt được ai là anh, ai là em. Bất hạnh cho họ là cha mẹ đều mất sớm, một ít ruộng nương thừa tự sớm bị người khác chiếm đoạt, thân thích không ai chịu nuôi nấng nữa. Họ bèn đi làm thuê làm mướn và nhờ đó mới đắp đổi qua ngày. Lúc đó, tuy nghèo nhưng ba anh em đối với nhau rất thuận thảo. Chuyện xảy ra vào một đêm nọ. Ichirôji đang suy nghĩ điều gì lung lắm bỗng ngẩng mặt lên nói: -Nếu anh em mình tiếp tục sống như thế này thì sẽ vất vơ vất vưởng không có ngày mai. Chi bằng kéo nhau lên kinh đô thử xem. Trên kinh đô tấp nập, sầm uất lại có vô số điều lý thú. Nghe anh cả nói thế, Jirôji và Saburôji bèn đồng thanh hưởng ứng: -Phải rồi, anh cả nói rất đúng. Lên kinh đô thế nào thời vận chúng mình cũng sáng sủa cho coi. Ichirôji lại bảo: -Như vậy, chúng mình phải đi càng sớm càng tốt. Ngày mai lên đường nhé, các em!. Thế rồi nội buổi chiều hôm đó, họ đã chuẩn bị hành trang cần thiết. Sáng hôm sau, một ngày trời thu quang đãng, như thể mặt trời mà cũng muốn chúc lành cho ngày lên đường của ba anh em. Ba chàng trai hăm hở rời ngôi làng cũ, nhắm hướng Nam, nơi có kinh đô, thẳng tiến Giữa đường họ ngủ trọ một đêm. Buổi sáng hôm sau tức ngày thứ hai từ khi rời làng, ba người phải leo lên một ngọn đèo. Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt nhìn xuống suốt khắp vùng, họ thấy vô số nhà cửa li ti đang trải kín cả mặt đất và đang chìm trong lớp sương mai. -Kinh đô! Chỗ đó là kinh đô đấy! Saburôji reo lên mừng rỡ. Thế rồi cả ba người đều đi nhanh hơn trước để xuống chân đèo. Thế nhưng xuống tới nơi, họ mới biết rằng kinh đô còn cách một thôi nữa. Hai bên, những cánh đồng lúa vàng vẫn tiếp tục kéo dài, họ đi mãi mà vẫn chưa tới đích. Một chỗ bên bờ đường, có một cây bạch quả (ichô) thật lớn. Cho tới nay thì đường đi chỉ có một nhánh nhưng họ nhận ra rằng kể từ khu vực cây cổ thụ này thì nó sẽ rẽ ra ba hướng khác nhau. Ba anh em cảm thấy hơi bối rối. Ichirôji bèn lên tiếng hỏi: -Không biết con đường nào là đường ngắn nhất nhỉ? Jirôji phỏng đoán: -Chắc là con đường nằm chính giữa! Thế nhưng Saburôji, cậu em út lại không đồng ý: -Không đâu! Em nghĩ là con đường bên trái mới ngắn nhất, các anh ạ! Nghe thế, Ichirôji ra chiều suy nghĩ, xong mới bảo: -Anh thì anh nghĩ con đường bên tay mặt mới ngắn nhất. Tuy vậy, chắc chắn đường nào cũng dẫn đến kinh đô mà. Nếu ba đứa mình cùng đi chung một đường, anh lo không biết có dễ kiếm nơi làm việc hay không. Chi bằng mỗi đứa chọn con đường mình nghĩ là gần kinh đô nhất mà đi để thử thời vận cá nhân của mỗi đứa. Jirôji tán thành ngay: -Ý kiến hay đó! Riêng người em út Saburô thì cậu có vẻ hơi buồn vì phải xa các anh Nhưng dù sao cậu cũng là một thanh niên mạnh khỏe và cương nghị nên mới bảo: -Nếu thế thì mình cứ làm như anh cả nói đi Sau đó thì Ichirôji đã chọn con đường bên mặt, Jirôji chọn con đường chính giữa và Saburôji lấy con đường bên trái mà thẳng tiến. Khi chia tay, Jirôji mới quay lại nhìn anh và em mình rồi nói một cách hăng hái: -Cho dù bây giờ ba anh em mình chia tay nhưng mai sau đến được kinh đô và làm nên danh phận thì thế nào chúng mình cũng sẽ gặp lại ở nơi nào đó thôi. Hai: Con đường bên tay mặt: Trước tiên, hãy nói về câu chuyện của Ichirôji, người anh cả đã chọn con đường bên tay mặt. Sau khi chia tay với hai em, Ichirôji cứ thế mà dấn bước về phía trước. Con đường này phong cảnh rất đẹp, hai bên vệ đường cỏ thu đã nở đầy hoa. Đi được chừng hai dặm, anh thấy đằng sau những cánh đồng lúa vàng, có một ngọn tháp năm tầng nhô lên bầu trời xanh. -Ôi chao, sắp đến kinh đô rồi đấy nhỉ? Ichirôji lòng rộn ràng, chân bước thoăn thoắt. Thế nhưng chính lúc ấy, anh thấy có lớp bụi mù bốc lên ở phía trước. Và trong đám bụi mù ấy, một con bò mộng màu trắng với hai cái sừng cứng như thép đang chạy bay đến và hươi qua húc lại hai bên. Chắc chắn con vật đã bị chuyện gì đó làm cho kinh ngạc đến độ nổi cơn điên. Hai con mắt nó đỏ ngầu như muốn tóe lửa, với cái khí thế sẳn sàng húc vào tất cả những vật gì hiện ra trước lối đi. Trước thái độ hung hăng của con bò, Ichirôji dợm lách người qua một bên đường nhưng điều đó lại càng làm cho con bò mộng ấy chú ý đến anh và chạy thẳng đến bên cạnh, chĩa sừng tấn công. Thoắt cái, cả người Ichirôji đã bị con quái thú ấy đẩy bắn ra xa. Sau đó, con bò chạy đi, chân sau còn đá tung thêm một lớp bụi mù. Bị bò húc và đẩy bắn ra xa, Ichirôji cảm thấy phía dưới nách đau như vừa bị ai đem lưỡi kiếm rạch cho một đường. Anh sợ phen này chắc mình phải chết và thầm nghĩ trong bụng: -Trời ơi! Đúng là mình đã chọn con đường xui xẻo nhất. Vì đi theo con đường bên tay mặt này mà mình phải chết khi vừa mới tới địa đầu kinh đô. Giữa lúc đó, vết thương làm đau thêm và anh ngất xỉu không biết lúc nào. Ichirôji không biết mình nằm như thế bao nhiêu giờ hay bao nhiêu ngày. Lúc choàng tỉnh anh thấy mình đang ở trong một cung điện sang trọng. Trên người anh có phủ một tấm chăn bằng lụa cực đẹp mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ, anh chưa từng thấy bao giờ. Bên cạnh chiếc gối anh nằm là một bát đựng thuốc làm bằng bạc. Hơn nữa, trong phòng còn có một nàng thiếu nữ xinh đẹp đang đứng cạnh mình. Nhận thấy khung cảnh chung quanh quá khác lạ, Ichirôji đã dợm ngồi dậy thì chợt cảm thấy vết thương phía dưới nách phải lại làm anh đau nhói. Thấy Ichirôji đã mở mắt, cô gái liền hỏi: -Anh đã tỉnh lại rồi đấy à? Anh không có gì phải lo lắng cả. Nơi đây là phủ đệ của quan Tả Đại Thần Fujiwara no Michiyo đấy ạ! Thực ra thì hôm qua, ngài Michiyo đang trên đường đi vãn cảnh đền Kurama, còn bò kéo xe bỗng trở chứng để đến nỗi gây thương tích nặng nề cho anh. Ngài Michiyo e rằng nếu đi lễ chùa mà giữa đường suýt nữa hại một mạng người thì Thần Phật sẽ không dung thứ. Ngài bèn ra lệnh phải chăm nom anh thật chu đáo tận đến khi anh hoàn toàn bình phục. Do đó ngài mới đưa anh về đây và mời vị danh y số một ở kinh đô đến chữa trị cho anh. Nói về Tả Đại Thần Fujiwara no Michiyo, ngài là người đứng hàng đầu trong số các bầy tôi của thiên tử, về danh tiếng của ngài thì ngay cả người ở chốn quê mùa như xứ Tamba cũng phải biết tới. Một lúc sau, thiếu nữ ấy nói tiếp: -Ngài Michiyo lại phán như thế này: Người thanh niên này từ vùng nhà quê xa xôi lên kinh đô, chắc không có họ hàng thân thích. Khi cậu ấy lành bệnh, hãy giữ lại đây giúp việc cho ta. Nghe câu nói đó, Ichirôji mừng rỡ đến độ quên cả cái đau của vết thương. Đối với một người xuất thân từ gia đình nông dân như Ichirôji, thiết tưởng không có thành tựu và vinh dự nào to lớn hơn khi được chọn vào phủ của ngài Michiyo để giúp việc. Chẳng bao lâu, vết thương của Ichirôji đã lành.Đúng như lời hứa, ngài Michiyo giữ anh ở lại giúp việc trong phủ. Vì tính tình ngay thẳng mà lại thông minh cho nên Ichirôji được thăng cấp lên vùn vụt. Sau chừng 10 năm cần vụ, anh đã được thăng lên đến địa vị Trưởng quan phụ trách về Hình Pháp (Kebiishi). Chủ nhân còn cho phép anh đổi tên thành Saemonjô Kiyotsune (Tả vệ úy Kiyotsune). Chức Kebiishi có hai trách nhiệm, vừa là người đứng đầu cơ quan Cảnh sát, vừa đóng vai trò Chánh án, một chức vụ vô cùng quan trọng và được kính nể. Người giữ chức ấy có nhiệm vụ xử phạt những kẻ trộm cướp và phường gian ác. Ichirôji đã làm nên danh phận như thế đấy nhưng không hiểu hai em của anh khi chọn con đường chính giữa và bên tay trái, đã trở thành những người như thế nào? Ba: Con đường chính giữa. Jirôji thì từ khi chia tay với anh cả và em út, mải miết theo con đường giữa và bước nhanh. Tuy nhiên việc anh cho rằng con đường giữa này gần kinh đô nhất là một ý tưởng sai lầm. Đi hết hai dặm rồi ba dặm, anh vẫn thấy hai bên toàn là những bụi tre mọc nối tiếp bên nhau. Con đường nhà quê buồn bã này đi cho biết bao giờ mới hết. Trong khi đó mặt trời mùa thu dễ đi ngủ sớm đã tắt hết nắng, làm cho con đường không một bóng bộ hành càng thêm buồn bã ảm đạm. Trong ba anh em, Jirôji là người can đảm nhất nhưng đã bắt đầu nghi ngại. Anh nghĩ thầm: -Kiểu này chắc tối nay mình khó lòng đến được kinh đô.Phải kiếm nơi nào đó qua đêm mới được. Chợt lúc đó anh thấy bên đường có một cái miếu như miếu thờ Địa Tạng nên mới tiến lại bên hiên và nằm xuống, hòng tá túc một đêm. Thế nhưng đến nửa đêm, anh nghe có ai đó đến lay vai mình: --Này! Này! Jirôji choàng thức dậy. Kẻ đang lay anh là một người lạ mặt. Dưới ánh sáng của vầng trăng cao và sáng rõ, anh thấy đó là một gã đàn ông tướng mạnh mẽ như một người vũ sĩ. Khi biết anh đã thức giấc, kẻ kia mới bảo: -Nầy, nhà ngươi là ai thế? Tại sao lại lăn ra đây mà ngủ? Jirôji nghe hỏi mới kể cho hắn việc mình từ Tamba định lên kinh đô kiếm ăn thì người vũ sĩ này tỏ ra thân thiện, cười mà bảo: -Vừa đúng dịp đây. Chủ nhân ta đang hầu việc đang cần một số trai tráng như ngươi. Thế có muốn làm việc với ông chủ của ta chăng? Nghe hắn mời mọc, Jirôji mừng khấp khởi và nói với người vũ sĩ rằng anh rất sẵn sàng. Chẳng mấy chốc, vũ sĩ kia đã đưa Jirôji đến dinh thự của chủ nhân hắn. Có điều lạ là người vũ sĩ này không đi về hướng kinh đô mà dắt Jirôji rời con đường đó rồi rẽ bên trái và đi theo một con đường mòn chạy dọc bờ sông. Anh ta cứ xăm xăm bước tới khiến cho Jirôji thấy đang có gì không ổn. -Vị chủ nhân của ông không sống ở kinh đô sao ạ? Nghe anh hỏi thế, người vũ sĩ vẫn không thay đổi sắc mặt và trả lời: -Chủ nhân của ta có dinh thự ở kinh đô nhưng hiện nay ngài đang ở bên đầm Mizoro-ga-ike. Nếu nhà ngươi muốn lên kinh đô thì sáng mai, ta sẽ đưa ngươi lên đó thôi. Chẳng bao lâu, con đường đã đưa họ đến bên cạnh bên bờ một đầm nước lớn. Nó phản chiếu ánh sáng của vầng trăng nên trông như tấm kính. Bên bờ đầm, lau lách mọc um tùm. Chung quanh lại có nhiều cổ thụ xum xuê. Không khí của khu đầm nước này hơi rờn rợn như thể là nơi trú ẩn của mãng xà. Giữa khi Jirôji đang nghĩ rằng ở một nơi hoang vu như thế này làm gì có dinh thự của một vị đại quan nào thì người vũ sĩ đã căn dặn: -Ngươi hãy đi sát bên ta, chớ có rời. Vừa nói, hắn vừa men theo một con đường mòn nằm giữa rừng cổ thụ. Được 2, 3 chô (vài trăm mét) thì bỗng nhiên không còn thấy rừng đâu nữa, chỉ có một vạt đất rộng trải ra ven bờ đầm.Ngay giữa vạt đất ấy là một khu dinh thự tráng lệ. Vũ sĩ đang đi đằng trước bèn nói với Jirôji: -Ngươi cứ tiến lên, không phải e dè gì cả. Nói xong hắn ta bèn thoăn thoắt đi vào bên trong khu dinh thự ấy. Từ ngoài gian tiền đường, họ đã qua biết bao nhiêu là phòng rồi bước vào bên trong một gian đại sảnh nơi có nhiều ngọn đèn đang chiếu lên những cái mâm bạc khiến cho gian nhà sáng rực như ban ngày. Nhìn lại Jirôji thấy ở giữa sảnh đang có khoảng 30 người đàn ông mạnh bạo đang dự một tiệc rượu. Ngồi ở nơi cao nhất là một người đàn ông to lớn thân cỡ 6 shaku (gần 2m) đang vắt chân chữ ngũ. Trông ông ta thật dũng mãnh oai phong, tưởng chừng với tay không, ông ta cũng có thể bắt được hổ hay sư tử. Vũ sĩ nãy giờ dẫn đường cho Jirôji đưa anh tới trước mặt người đàn ông to lớn ấy. Anh ta thưa: -Anh chàng này muốn kiếm việc nên tôi xin đưa đến hầu. Người đàn ông đó gật đầu và trả lời, giọng oang oang như tiếng chuông: - Tốt lắm! Tốt lắm! Thế rồi Jirôji bèn ngồi xuống ăn và uống rượu với cả bọn. Những thức ăn trên bàn đều là những món ngon mà anh chưa bao giờ có dịp thưởng thức nên đã ăn đến thật no. Trong lòng anh thầm nghĩ: -Mới gặp hôm nay mà chưa chi vị đại nhân này đã thu nhận mình vào làm việc và cho ăn uống thỏa thuê như thế này thì thật là chuyện hiếm có. Có lẽ con đường chính giữa mà mình chọn là con đường hạnh phúc nhất đây! Buổi chiều hôm sau, người vũ sĩ đưa anh tới đây lại xuất hiện và bảo: -Tối hôm nay đại nhân sẽ lên kinh đô, ngài cho phép ngươi được tháp tùng đấy. Chỉ một lúc sau là họ lên đường. Người đàn ông cao đến 6 shaku được gọi là đại nhân kia nhẹ nhàng nhảy lên trên lưng một con con ngựa kim to lớn. Cũng đi ngựa và theo sau lưng ông ta là 6, 7 bộ hạ cấp cao. Những kẻ còn lại thì xếp thành hàng dài hai bên vị đại nhân đó như một đoàn diễu hành. Chuyện đáng kinh ngạc là người nào người nấy đầu mang theo cung và giáo dài. Jirôji cũng được họ phát cho một thanh đại đao. Tuy có nghi ngờ tại sao vị đại quan đi đâu mà lại xuất hành vào giờ khuya khoắt như thế này nhưng anh không dám hỏi, chỉ ngậm miệng đi theo. Chẳng bao lâu, khi đoàn người vượt qua cây cầu bắt ngang con sông thì họ đã vào đến bên trong kinh đô vì đã thấy có nhiều nhà cửa dinh thự mọc thành hàng bên nhau. Đoàn người bèn dừng chân trước một ngôi nhà đồ sộ nhất trong những ngôi nhà đó và bắt đầu nói chuyện gì như thể đang bàn bạc. Trong khi Jirôji nghĩ rằng ngôi nhà đồ sộ này hẳn là tư dinh của vị đại nhân thì anh chợt thấy 5, 6 người đàn ông đã rời khỏi hàng ngũ và thoăn thoắt leo lên bờ tường của ngôi nhà. Jirôji đang chưng hửng chưa hiểu chuyện gì thì thấy mấy người trèo tường đã từ bên trong mở được cánh cổng ra cái một và đồng bọn của chúng với đại đao và giáo dài trên tay đã rầm rập ùa vào. Jirôji hãi quá, người anh run lẩy bẩy. Người vũ sĩ đưa đường cho anh đã đến ngay bên cạnh và nói: -Có gì đâu mà phải ngạc nhiên! Cậu nói muốn đi làm mà, không lẽ đến đây rồi cậu bỏ chạy à? Đứng đây với tôi làm nhiệm vụ canh chừng cũng được. Jirôji nghe anh ta nói thế mà bủn rủn tứ chi. Thời đó thì khắp nước Nhật, không ai là không nghe danh Oniwarawa-maru (Quỷ Đồng), một tay cường đạo hàng đầu. Jirôji cảm thấy buồn bực vô cùng vì mình đã trở thành bè đảng trộm cướp dù không muốn thế nhưng anh cũng nhận ra rằng người vũ sĩ bên cạnh đã lên dây cung. Chỉ cần anh bỏ chạy là hắn sẽ cho anh ăn ngay một mũi tên trí mạng. Một lát sau, trong nhà có tiếng hô hoán ầm ĩ và vọng ra âm thanh vũ khí đang đâm chém nhau rồi bọn cường đạo lễ mễ vác những bao đầy ắp kim ngân chạy ra ngoài. Khi cả bọn đã tụ họp lại trước cổng nhà rồi, chúng bèn lấy con đường cũ để trở về. Jirôji cũng sợ nếu mình bỏ chạy cũng sẽ bị chúng giết nên đành răm rắp theo chân mọi người cùng về căn cứ. Khi cả bọn đã về đến bên bờ đầm Mizoro-ga-ike, tướng cướp Oniwarawa-maru mới họp thủ hạ lại trong gian đại sảnh, đem mớ kim ngân tài vật ra, chất cao như núi và ban phát cho đám lâu la mỗi đứa một phần. Thấy Jirôji cứ đứng một bên và run như cầy sấy, Oniwarawa-maru bèn phá lên cười và nói với anh: -Ê, thằng nhóc! Mi chớ ngại. Mi cũng có phần mình đấy! Anh nghĩ nếu không chịu nhận chắc sẽ bị chúng giết cho nên Jirôji cũng phải khúm núm lãnh lấy phần mình. Tuy nhiên, khi nhìn lại phần vừa nhận được, anh mới thấy đó toàn là những đồng vàng và bạc, một món tiền có trị giá rất lớn mà từ trước đến nay, anh chưa bao giờ dám mơ tưởng. Nguyên lai, trong 3 anh em, Jirôji là người tham lam hơn cả cho nên khi nhìn thấy mớ tiền lớn ấy, lòng ham muốn của anh không sao kiềm chế nỗi. Nếu có được nhiều tiền như vậy thì dẫu có trở thành đạo tặc anh cũng cam lòng.Thế rồi anh đã tự nguyện chấp nhận trở thành tay chân của tướng cướp Oniwarawa-maru. Anh vốn là một thanh niên vừa thông minh vừa dũng cảm nên dần dần anh đã trở thành một nhân vật quan trọng trong nhóm cướp. Đến nỗi sau khi Oniwarawa-maru chết dưới tay ngài Fujiwara no Raikô rồi, anh đã được bè đảng tôn lên làm tổng chỉ huy. Anh mượn cái tên của khu vực để đổi tên mình thành Mizoro-ga-ike no Tanô-maru (Đa Năng) tức Tanô ở đầm Mozoro, quấy nhiễu những nhà có của ở vùng kế cận kinh đô. Người chọn đường bên mặt là ông anh cả Ichirôji và người chọn con đường chính giữa là Jirôji số phận ra sao thì ta đã biết nhưng thử xem ông em út Saburôji – người chọn con đường bên trái – thì ra sao đây. Bốn: Con đường bên trái: Saburô – người tiến theo con đường bên trái – vốn trẻ tuổi nhất trong 3 anh em mà tính tình cũng dễ thương nhất nên khi chia tay hai anh, vì quá buồn nên không ngăn được tiếng khóc.Nhưng anh nghĩ bụng mình không nên làm như vậy nên lấy lại can đảm và quyết tâm lên đường. Con đường này chạy dọc theo một con sông rộng. Từ nơi đây cho đến kinh đô thì hãy còn xa. Anh đi mãi đến lúc mặt trời sắp tắt, mới tới được phần đất thuộc ngoại ô mà thôi. Chân đã mỏi, không thể bước thêm một bước nên anh muốn kiếm một quán trọ để tá túc. Còn đang nhìn quanh nhìn quất thì bỗng Saburô nghe có tiếng người con gái gọi mình: -Chào anh ạ! Anh bèn dừng bước và hỏi: -Vâng. Có phải cô vừa gọi tôi đấy không? Cô gái nhìn vào mặt Saburô và lại hỏi thêm: -Anh là khách bộ hành đấy ạ? Saburô trả lời: -Vâng, tôi ở Tamba nay đang trên đường lên kinh đô. Nghe thế, cô gái có vẻ mừng rỡ và bảo: -Thế sao anh. Nếu không lảm phiền anh, xin anh ghé lại nhà ông chủ của em một chút. Không có chuyện gì để anh phải lo lắng đâu. Saburô mừng quá. Ở một nơi gần kinh đô mà anh hoàn toàn không quen biết ai, lại có người tỏ lòng tốt muốn rủ về nhà thì chẳng khác nào xuống Địa ngục mà lại gặp Phật. Người con gái bèn đưa anh đi bộ khoảng chừng nửa khu phố thì bước vào trong một ngôi nhà thật đẹp. Saburô cũng theo cô gái mà vào. Ngôi nhà ấy là một biệt thự rất rộng, chu vi khu đất phải đến 6, 7 chô (vài nghìn mét vuông). Bên trong khuôn viên khu đất là một dãy nhà kho lớn, chừng 15, 16 cái như vậy mọc sát bên nhau. Sabu rô tưởng người con gái chỉ đưa anh vào phòng khách nhưng thật ra, sau một hành lang dài, cô đã đưa anh vào tận một gian bên trong. Mới nhìn thoáng qua, anh đã thấy đây là một căn phòng chưng dọn rất hoa mỹ đến chóa mắt. Hốc tokonoma trong phòng để không biết bao nhiêu là bảo vật bằng vàng hay bạc.Thấy Saburô cứ đứng đực người mà nhìn, cô gái mới bảo anh: -Người ở góc kia là vị chủ nhân của ngôi nhà này đấy ạ! Thực vậy, ở ngay giữa gian phòng xinh xắn này, có một bệnh nhân lớn tuổi đang nằm trên giường và thở một cách rất khó nhọc. Saburô rón rén đến bên ông ta và ngồi xuống. Bệnh nhân lên tiếng: -Gọi con gái tôi đến đây hộ! Người con gái kia bèn thưa: -Vâng ạ! Rồi cô lặng lẽ đứng lên đi mất. *** Saburôji ngồi lặng yên bên cạnh bệnh nhân và chờ đợi. Chỉ một lúc sau, một thiếu nữ xinh dẹp tuổi độ 15, 16 bước vào phòng. Bệnh nhân mới hỏi Saburô một cách khó nhọc: -Anh là người khách bộ hành đấy ư? Saburô trả lời một cách nhẹ nhàng: -Thưa cụ, vâng. Thế rồi anh thấy ông cụ nhỏm dậy, cố gắng ngồi thẳng nửa người trên giường và chắp tay nói: -Tôi có điều này muốn nhờ cậy anh! Chẳng biết anh có chịu nghe không? Đây là lời cầu xin của một con bệnh sắp chết nên cảm phiền anh lắng tai nghe hộ. Nhìn thấy dáng điệu quá khổ sở của người bệnh, Saburô thấy quả là tội nghiệp. -Thưa cụ, nếu là việc tôi có thể làm thì cụ nói gì tôi cũng xin nghe ạ. Saburô nói xong thì thấy ông lão thở hắt ra như yên lòng. Ông mới bảo: -Chẳng dấu gì anh, lời yêu cầu của tôi đơn giản thôi. Tôi mong anh cưới con gái tôi và giữ gìn cơ nghiệp nhà này. Nghe những lời ông nói, Saburôji vừa kinh ngạc vừa vui mừng. Thế nhưng khi nghĩ lại, anh thấy mình hiện nay chỉ là một anh nhà nông tầm thường, không hơn một đứa ăn mày, thì làm sao trở thành con rể của một ông nhà giàu cho được. Cụ già này đã hóa cuồng, nếu không thế thì chắc muốn đùa dai với mình thôi. Cho nên anh làm mặt giận: -Thôi cụ ơi, đừng trêu chọc cháu làm gì. Cháu chỉ là con nhà nông, làm sao có thể trở thành con rể của một vị trưởng giả như cụ được. Đến đây thì gương mặt của người bệnh bèn tiu nghỉu. Ông ta có vẻ khổ tâm, vừa ho mấy tiếng khúc khắc vừa nói tiếp: -Xin lỗi đã làm cho anh hiểu lầm. Dĩ nhiên nếu tôi không trình bày hết nguồn cơn thì làm sao anh có thể đồng ý giúp tôi. Thôi để tôi kể cho anh nghe câu chuyện đáng hổ thẹn này của tôi nhé! -Thực ra, tôi là người chỉ trong vòng một đời mà đã làm ra gia sản mười vạn quan tiền. Ở kinh đô người ta thường gọi tôi là “ông phú hộ Kamo” và không ai là không nghe danh. Tôi vì muốn tích trữ cho nhiều tiền của nên đã làm lắm điều thất đức ví dụ như cho người nghèo vay rồi lấy lãi cao, thu tô nông dân rất nặng, nhiều khi còn ngụy tạo chứng từ để đánh lừa và đoạt nhà đoạt ruộng của người ta. Hơn thế nữa, tôi chẳng bao giờ chịu chi ra một đồng kẽm. Dù gặp người túng quẩn đến đâu, tôi cũng chẳng bố thí một lon gạo hoặc một đồng xu. Nhờ đó mà tiền của của tôi càng ngày càng nhiều. Thay vào đó, người ta căm ghét tôi như quỷ sứ, như rắn độc nhưng cho đến gần đây thì việc đó chẳng làm tôi bận lòng nếu tiền bạc cứ tiếp tục rơi vào túi tôi. Thế nhưng mùa xuân năm nay, vợ tôi chết. Hơn nữa, hồi đầu thu, tôi cũng lâm trọng bệnh. Nói về con cái thì tôi chỉ có mỗi đứa con gái này. Tôi nghĩ rằng nếu mai kia khi tôi chết đi, con gái tôi chỉ còn lại có một mình.Nó sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, trong khi còn sống, tôi muốn kiếm cho nó một tấm chồng xứng đáng nên đã cho tìm khắp vùng kinh đô. Rồi chuyện xảy ra là những nhà có con cái đang ở lứa tuổi trai tráng đều cho hay là dù có biếu họ bao nhiêu tiền, không bao giờ họ cho con trai thành rể của “ phú hộ Kamo”. Họ bảo tại sao mình lại đi ở rể trong gia đình quỷ sứ và do đó, không một người nào hưởng ứng cả. Xưa tôi vẫn nghĩ nếu có tiền mình muốn gì mà lại chẳng được nhưng bây giờ mới vỡ lẽ ra là mình đã tính sai. Dù chỉ có một dứa con gái mà tôi không sao kiếm cho nó được tấm chồng. Khi con gái tôi biết được chuyện này, ngày nào nó cũng khóc. Thấy con mình quá tội nghiệp, tôi cũng khóc theo. Mười vạn quan tiền có trong túi ngày nay cũng chẳng dùng vào được việc gì! Giữa khi đó thì bệnh tôi càng ngày càng nặng. Mạng của tôi không biết chết nay hay chết mai. Tôi không muốn khi tôi chết, đứa con gái mà tôi lưu lại trên cõi đời này bị người đời hất hủi và căm ghét như cha nó. Bởi vì khi nghĩ đến thế, dù muốn chết tôi cũng không sao chết được. Cuối cùng tôi mới nghĩ như thế này. Người kinh đô ai nấy đều ghét lão “phú hộ ở Kamo” nên tôi không còn trông mong gì tìm ra một người con rể từ trong đám họ. Một lữ khách thì khác vì người đó không có lý do gì để oán hận tôi và biết đâu sẽ chịu vào cái nhà này. Do đó, tôi bèn sai kẻ ăn người ở ra đầu đường kiếm cho được một khách bộ hành mà mời về đây. May quá, hôm nay có anh là người tướng mạo đường đường nên lòng tôi vui sướng không biết ngần nào. Xin anh hãy đoái thương cha con tôi mà ra tay giúp đỡ đúng như lời nguyện ước của tôi. Nói xong, ông lão có vẻ kiệt lực nên ngã sấp xuống. Giờ thì Saburôji mới hiểu được nguyện vọng của con bệnh. Thế nhưng dù có nhiều tiền đến đâu, nếu anh trở thành rể của một gia đình bị mọi người căm ghét thì không biết người dân kinh đô sẽ đối xử với anh như thế nào. Khủng khiếp lắm chứ chẳng vừa. Cho nên một lần anh đã nghĩ đến việc từ chối. Tuy vậy, phần thì anh nghĩ đến cô con gái của ông lão - con người quá đổi tội nghiệp đang ngồi khóc sụt sịt ở đằng kia – phần thì anh nghĩ đến ông lão ở trên giường bệnh. Nếu anh lên tiếng từ chối thì trước tiên ông lão sẽ buồn rầu tuyệt vọng và tắt thở ngay cũng không chừng. Bản tính thương người dậy lên trong anh, Saburôji mới thưa với ông lão: -Nếu cụ đã nói hết lời như thế tôi xin chấp nhận làm con rể nhà này. Anh vừa nói xong thì con bệnh đã chắp tay hướng về phía Saburôji mà vái một cái để cảm tạ, nhưng có lẽ vì đã được yên tâm nên cứ thế mà cụ ta dãn người ra rồi tắt hơi. Saburôji phải dỗ dành an ủi cô con gái đang khóc hết nước mắt xót thương cha. Sau khi chôn cất ông cụ xong, anh bèn lấy cô gái làm vợ và trở thành “lão phú hộ ở Kamo” đời thứ hai. Anh mới đem phân nửa số vốn của mình tức là 5 vạn quan tiền phân phát cho những người nghèo khó trong kinh đô. Làm như vậy, anh đã tỏ ra mình là một người công bình chính trực nên dân chúng trong vùng nhân đấy lại đến tiếp xúc với anh. Họ đồn đại: -Lão “phú hộ Kamo” đời trước là con ác quỷ nhưng phú hộ Kamo bây giờ đúng là vị Phật sống. Phải gọi ông ta là “phú hộ nhà Phật” mới được. Cứ như thế, hai vợ chồng Saburôji sống thuận hòa hạnh phúc, thường ra tay cứu giúp người sa cơ lỡ bước. Họ sinh được một bé gái dễ thương đặt tên là Hanako. Mới đó mà 10 năm đã trôi qua. Đến đây thì chúng ta đã nghe xong câu chuyện của từng người trong 3 anh em Ichirôji, Jirôji và Saburôji để biết họ trở thành thế nào rồi. Chỉ còn xem họ sẽ tái ngộ trong hoàn cảnh nào và ở đâu thôi. Năm: Nơi ba anh em tái ngộ. Từ dạo ba anh em trên đường lên kinh đô gặp 3 ngã rẽ khác nhau và chia tay đi riêng rẽ đến nay, khoảng 10 năm trời đã trôi qua. Lúc ấy vị Tổng quản Cảnh sát Công an kiêm Chánh án là bậc đại quan Saemonjô Kiyotsune, cũng là ông anh cả Ichirôji, đã nhận được lời khiếu tố từ nhà phú hộ đất Kamo nổi tiếng kia. Lý do là trước đây vào một buổi tối, nhà của phú hộ đã bị một toán cướp khoảng 30 tên đột nhập và lấy đi rất nhiều kim ngân tài vật, không những thế chúng còn bắt cóc Hanako, con gái của gia chủ. Quan Tổng quản Saemonjô trước đây đã nhiều phen tức tối trước hành động của bọn cướp, nay thấy chúng còn ngang nhiên vào giữa kinh đô để lộng hành nên quyết không bỏ qua. Thế rồi, ngài bèn tụ tập khoảng 200 bộ hạ và bảo với họ: -Theo lời đồn đại thì ở đầm Mozoro-ga-ike trên thượng nguồn sông Kamogawa có một con quỷ cái nên không ai dám héo lánh. Thừa cơ đó, bọn cường đạo Tanômaru đã xây dựng tại đây một khu dinh thự đồ sộ để làm căn cứ. Bọn đạo tặc vừa mới cướp phá nhà của “phú hộ Kamo” cũng chính là chúng chứ không ai khác. Vậy các ngươi hãy mau mau đến đó, bắt sống hắn giải về đây cho ta! Ngày hôm sau, một người trong toán lính được cử đi đánh Mozoro-ga-ike đã trở về báo tiếp: -Xin chúc mừng tướng công. Chúng tôi đã bắt sống Tanômaru một cách gọn gàng cũng như giải cứu được tiểu thư Hanako nhà ông phú hộ và đem về đây bình yên vô sự. Saemonjô hết sức hài lòng và nói với một tên thủ hạ khác: -Ngươi hãy đi báo ngay cho ông phú hộ ở Kamo đến dinh mà đón con gái. Thế rồi ông bèn ra trụ sở của Tổng nha Cảnh sát, nơi người ta đã giải tay cường đạo Tanômaru – người đang bị trói chặt từ trên xuống dưới – đến nơi. Họ bắt hắn ngồi xuống bãi cát trắng ở trước dinh. Vừa lúc đó, ông phú hộ ở Kamo cũng đến để đón cô con gái. Ông được cho ngồi ở mé hiên. Chẳng bao lâu đã nghe tiếng nhịp của phu khuân kiệu rồi bóng quan Saemonjô, đầu đội mũ cao eboshi, trang phục đẹp đẽ, đường bệ hiện ra. Saemonjô ngồi ở nơi cao nhất, nhìn thấy ông phú hộ ở Kamo bèn hỏi: -Ngươi là “phú hộ Kamo” đó ư? Nãy giờ cúi đầu phủ phục, phú hộ mới dám ngẩng mặt lên trả lời: -Thưa ngài vâng. Nhìn kỹ khuôn mặt kia, ngài Saemonjô / Ichirôji mới thấy người đang ngồi đó chính là cậu em thứ ba Saburôji của mình. Saemonjô / Ichirôji tự nhiên để phát ra một tiếng kêu to: -Không phải ngươi là Saburôji đó sao? Nghe nói như thế, Saburôji quên cả việc chốn này là công đường của quan Tổng quản Cảnh sát: -Ôi chao! Anh cả. Nói xong, từ hai phía, hai người như muốn ôm chầm lấy nhau và cất tiếng khóc ỉ ôi. Thế nhưng không chỉ có hai người ấy khóc thôi đâu. Tên cường đạo Tanômaru – kẻ ngồi trên bãi cát trước dinh kia – dĩ nhiên khổ sở vì bị trói chặt từ trên xuống dưới – đang nghiến chặt răng và khóc tức tưởi. Những giọt lệ lớn của hắn nhỏ xuống rơi cả trên mặt cát. Thấy Tanômaru khóc, cả Ichirôji lẫn Saburôji đều lấy làm lạ vì chẳng hiểu nguồn cơn. Họ mới đưa mắt nhìn tên tướng cướp. Thế rồi cả hai mới vỡ lẽ ra. Người ấy một đằng là em, một đằng là anh của họ đó thôi. Không biết tình cảm của ba anh em lúc đó thế nào. Có thể là họ vừa kinh ngạc, vừa vui mừng vừa buồn khổ. Điều này thì xin để các bạn mỗi người tự suy nghĩ, Ba anh em nhà đó khi chia tay ở ngã ba đường, chỉ cần một người lầm lỡ sẩy chân là đủ để đưa đến một kết quả đau đớn như thế. Dịch ngày19/06/2020 (Nguyên tác in trong Tuyển tập tác phẩm danh tiếng của Văn học nhi đồng Nhật Bản, quyển hạ (Nihon Jidô Bungaku Meisakushuu) do Kuwabara Saburô và Chiba Shunji tuyển, Iwanami xuất bản lần đầu năm 1994. Bản sử dụng: bản 2005)
* Nguyễn Nam Trân : Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com ......................... ®
"Khi phát hành lại bài viết
của trang này cần phải có sự đồng
ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com) |