DÒNG SUMIDA

 (Sumidagawa, Nô cổ điển)

 

  Nguyên tác: Kanze Juurô Motomasa

Cải biên: Zeami

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tokyo's Sumida Ward to purchase early 19th century Hokusai work | The ...

Bến đò trên sông Sumida thời Edo (tranh Hokusai) 

Lược truyện: 

Vào một buổi chiều xuân ở tiểu quốc Musashi (nay là Tôkyô và vùng phụ cận), có ông lái đò rước khách từ trên bến xuống thuyền để đưa họ qua sông Sumida vào chuyến cuối cùng trong ngày. Một hành khách đến bên ông cho biết có người đàn bà điên sắp tới nơi. Ông lái quyết định chờ người ấy. Đó là một bà mẹ điên đã đi từ Kyôto đến Musashi để tìm tung tích cậu con trai bị bọn buôn người bắt cóc đem đi. Ông lái bèn bảo người đàn bà ấy biểu diễn một lớp điên dại[1] để mua vui, và như thế, bà sẽ khỏi phải trả tiền đò. Bà bèn cho biết rằng cảnh ngộ mình cũng tương tự cảnh vương tử Ariwara no Narihira ngày xưa (khi từ kinh đô đi về miền Đông) nên đã ngâm bài thơ “Miyakodori” (Cánh chim kinh đô) nổi tiếng trong đoạn 9 của “Truyện Ise” (Ise Monogatari) cho tất cả nghe. Đám hành khách đang chờ đò trên bến lấy làm thích thú, và rốt cuộc, bà điên được qua sông không mất xu nào.

Trong khi chèo chống trên dòng nước, ông lái mới kể lại câu chuyện về Umewaka-maru, một cậu bé đã chết trên bờ bên kia sông Sumida ở vùng Shimôsa (Bắc Chiba bây giờ) này vào ngày 15 tháng Ba tức đúng một năm trước đấy. Ông ta kêu gọi mọi người trên đò hãy đến tham dự buổi lễ cầu siêu trong ngày kỵ đầu tiên của cậu bé. Đến khi con đò tấp vào bờ và khách đi đò  xuống cả, người đàn bà điên vẫn đứng trên đò và tiếp tục gào khóc. Khi ông lái hỏi thăm cớ sự, bà mới cho biết cậu bé xấu số kia chính là con trai mình, người mà bà đã lặn lội từ Kyôto lên tìm.

Ông lái đò bèn mời bà đến cái gò nơi chôn cất Umewaka-maru và xin bà hãy cùng ông niệm tên Đức Phật A Di Đà để an ủi vong linh cậu con. Dù đang sầu muộn, bà cũng ráng lấy lại tinh thần để đánh chiêng (shôko = chinh cổ) và niệm Phật. Được một lúc, vong hồn của Umewaka-maru hiện ra từ bên trong ngôi mộ. Bà mẹ trờ tới định ôm chầm lấy con nhưng hồn ma bỗng vuột ra khỏi vòng tay làm cho bà càng thêm tức tưởi. Vừa lúc đó thì phía chân trời, ngày bắt đầu rạng và hồn ma cũng tan biến, chỉ còn bà mẹ phục xuống nấm mồ gào khóc. 

Đặc điểm: 

Nhân vật bà mẹ điên trong vở tuồng này được gọi là “cuồng nữ” (kyôjo) và thể loại tuồng có nhân vật như vậy gọi là “tuồng cuồng nữ” (kyôjomono). Tiêu biểu cho chúng có các vở Sakura-gawa, Hyakuman và Hanjo (xin xem thêm danh sách các vở tuồng quan trọng mà NNT đã dẫn ra trong một bài viết khác đăng trên mạng). 

Các “tuồng cuồng nữ” thường dẫn đến những kết luận có hậu. Các “bà điên” dù gặp nghịch cảnh khiến họ phải xa chồng, xa con...nhưng cuối cùng nhờ ở tình thương và sự kiên trì, đều đoàn tụ với những người thân yêu và tỉnh trí trở lại.  

Tuy nhiên, đặc điểm thứ nhất của vở “Dòng Sumida” (Sumidagawa) là tính hiện thực của nó vì trong phần cuối, không có cảnh đoàn viên mọi người đang chờ đợi. Người con trai bà mẹ điên lặn lội đi tìm đã chết trước khi bà đến nơi và hình ảnh cuối cùng của vở tuồng là cảnh bà khóc não nuột bên nấm mồ xanh cỏ bên kia sông Sumida, một vùng biên giới lúc đó chưa được khai khẩn, lại rất xa kinh đô Kyôto, nơi bà sống. 

Đặc điểm thứ hai là soạn giả đã tính toán lộ trình của bà mẹ điên khi cho biết bà đã đi từ miền Tây (Kyôto) sang miền Đông (Tôkyô bây giờ). Cùng lúc, việc kết hợp lộ trình của bà với lộ trình trước đó nhiều thế kỷ của Ariwara no Narihira đã đem vào vở tuồng tất cả những yếu tố thơ mộng của cuốn truyện thơ “Truyện Ise” (Ise Monogatari, tiền bán thế kỷ thứ 10) và cuộc phiêu lưu về vùng đất mới của chàng vương tử đa tình thời Heian. Soạn giả còn như muốn so sánh cái ưu nhã (Miyabi) của kinh đô và cái thô lậu (Hinabi) của vùng biên cảnh.  

Đặc điểm thứ ba của vở tuồng là có hai cách trình bày đoạn cuối. Cách diễn đề nghị bởi soạn giả tài cao vắn số Motomasa thì có một nhân vật kép con (kokata) bằng xương bằng thịt lên sân khấu trong bộ áo quần người chết và với mái tóc rối tung. Có lẽ Motomasa hình tượng hóa người con để tăng thêm kịch tính cho cuộc trùng phùng giữa hai mẹ con, nhấn mạnh việc cả hai vì không vứt bỏ được tình mẫu tử nên đã không thể siêu sinh tịnh độ. 

Tuy nhiên, người cải biên là Zeami đã dùng một thủ pháp huyền ảo hơn. Với cách diễn xuất u huyền (yuugen) mà ông chọn, không có một nhân vật nam nào lên đóng vai người con trên sân khấu trong đoạn bà điên gặp gỡ hồn ma con mình. Khán giả chỉ thấy cậu bé Umewaka-maru một cách gián tiếp qua động tác quờ quạng trong không khí của người mẹ điên. 

Cuối cùng, nhân vì câu chuyện quá đau thương này đã làm đổ rất nhiều nước mắt của người xem cho nên bản tuồng Sumidagawa không những chỉ có mặt trên sân khấu Nô mà còn được chuyển thể sang các hình thức kịch nghệ khác như Kabuki hay Ningyô Jôruri. 

Thông tin kỹ thuật về vở tuồng: 

Lớp diễn: Lớp diễn thứ 4 (Kyôjomono = Cuồng nữ vật).

Soạn giả: Kanze Juurô Motomasa.

Xuất xứ: Đoạn thứ 9 trong Truyện Ise (Ise monogatari): Chuyện nghe trên đường về những bà mẹ thất lạc con vì con bị bọn buôn người bắt cóc.

Mùa: Xuân (tháng ba)

Cảnh: Cảnh bến đò bên bờ Sumidagawa trong xứ Musashi: trên con đò và trước ngôi mộ đã xanh cỏ nằm bên kia sông.

Vật cần chế tạo: Gò (mộ giả trên sân khấu, trong đó người con trai bà điên đang nằm). 

Nhân vật: 

Shite: Người mẹ điên của Umewaka-maru.

Kokata: Cậu con trai hồn ma của Umewaka-maru.

Waki: Ông lái đò trên sông Sumida.

Wakizure: Một lữ khách đi đò. 

Mặt nạ và trang phục

Shite: Mặt nạ Fukai, Shakumi (buồn khổ).

Trang phục (lược thuật):

Shite: Kazura (một loại tóc giả, kazura-obi, mizugoromo (kimono dài chỉ đến đầu gối). Kitsuke / surihaku (kimono có thêu chỉ vàng, bạc), Có thắt obi và giắt quạt. Đầu đội nón che mưa, tay chống gậy đi đường. Trong phần cuối, có lúc cầm cái chiêng con (chinh cổ = shôko).

Kokata: Tóc giả đen, khăn bịt đầu trắng, mặc áo mizu-goromo (áo xoàng) màu trắng...

Waki: Áo suô (tố bào, áo mặc thường ngày bằng vải gai đồng màu) có hai phần trên và dưới cùng với kimono sọc. Có giắt quạt. Tay cầm sào để chống đò.

Wakizure: Phần trên có mặc suô, kimono đơn không trang trí. Thắt lưng, giắt quạt và đội nón đi mưa.

Cảnh: cảnh duy nhất.

Thời lượng: khoảng 1h30. 

Để tiện bề theo dõi, xin chia vở tuồng thành 6 tiểu đoạn A, B, C, D, E, F.             

 

Vào tuồng

 

Lớp trước: 

A-   Ông lái đò và người lữ khách lên sân khấu: 

Bên bờ sông Sumida, một người lái đò tự giới thiệu về mình rồi bắt đầu tập họp hành khách muốn qua sông. Bỗng xuất hiện một lữ khách đang trên đường đi thăm ông bạn sống ở miền Đông. 

Lái đò (watashimori, vai Waki): Như tôi đây là người lái đò trên dòng sông Sumida ở vùng Musashi. Tôi định rời bến sớm hơn mọi ngày để đem khách thập phương sang sông. Tình thật mà nói, hôm nay chúng tôi có tổ chức một Phật sự trên bến. Không những có các tăng nhân mà còn cả người thường nữa. Nay xin thông báo để quí vị đến dự lễ cho thật đông.

Lữ khách (vai Wakizure): Chuyến đi về miền Đông này thật là xa xôi. Tôi đã phải mất không biết bao nhiêu ngày giờ.  

Tôi vốn là dân miền Tây nhưng vì có ông bạn sống ở miền Đông này nên phải lặn lội đến đây thăm bạn.

Những ngọn núi tôi vượt qua nay đã lùi lại tít đằng sau, chìm trong mây và khuất giữa sương lam[2]. Tôi đã qua bao cửa quan và bao nhiêu tỉnh thành, cuối cùng mới đặt chân đến bờ sông Sumida. Tôi đã nhanh chân đến được bến đò của con sông Sumida nổi tiếng.

Lữ khách: Nhờ nhanh chân, tôi đã đến bến đò sông Sumida. Coi bộ đằng kia, con đò sắp rời bến. Tôi phải đi cho kịp 

B-   Đối thoại giữ lữ khách và ông lái đò. Người đàn bà điên bước vào: 

Lữ khách (vai Wakizure) xin ông lái đò cho phép mình lên thuyền và báo rằng có một người đàn bà điên sắp tới nơi. Ông lái bèn bảo là ông sẽ nán lại một tí để chờ bà ta. Bà điên (vai Shite) vào sân khấu, trên tay cầm bó lá trúc lùn (sasa) và đội nón lá đan. 

Lữ khách: Ông lái đò ơi! Cho tôi lên đò với!

Lái đò: Lên đi nào. Nhân tiện cho tôi hỏi: từ phía ông vừa đến, nghe có tiếng người xôn xao. Chẳng hay có gì xảy ra đấy hở ông?

Lữ khách: Có một bà điên buồn cười lắm ông ạ! Bà này vừa từ Kyôto lên. Nhóm dân sở tại đang đem bà ra làm trò mua vui nên mới ồn ào đấy ạ!

Lái đò: Thế thì tôi sẽ khoan rời bến để đợi bà ta vậy. 

(Issei) Có một điệu nhạc hài hước nổi lên theo nhịp điệu bước vào sân khấu của bà điên. 

Bà điên: Giờ đây ta mới hiểu ý nghĩa của câu thơ: “Dù đầu óc của một người mẹ không tối tăm nhưng có khi bà cũng đánh mất lý trí vì tình thương sâu sắc đối với con mình” . Hỡi những người đi đường! Ta phải làm cách nào để tìm ra tông tích của đứa con yêu?

Bà điên: Ngay ngọn gió trên không trung dù không định hướng...

Hợp xướng: ... nhưng khi thổi qua những rặng tùng vẫn gây ra âm thanh báo cho ta biết con đường nó đi. Cớ sao không một ai có thể cho ta biết tin tức về đứa con ta hằng trông ngóng? 

(Kakeri) Đây là một điệu vũ có sự thay đổi nhịp điệu và tốc độ. Nó được trình diễn với ống tiêu và các loại trống nhỏ và trống nhỡ cầm trên tay, trình bày sự điên loạn của nhân vật. 

Bà điên: Trong cõi đời vô thường, như giọt sương trên cánh đồng Makuzu-ga-hara[3]...

Hợp xướng: Không lẽ ta sống chỉ mà để than van cho số kiếp hẩm hiu của mình sao!

Bà điên: Tôi là một người đàn bà đã sống nhiều năm ở vùng Kita-Shirakawa thuộc Kyôto. Chẳng ngờ đứa con trai độc nhất của tôi đã bị bọn buôn người bắt cóc. Tôi đã bao phen dò la tin tức, mới biết con mình đang ở miền Đông xa xôi, bên kia cửa ải Ôsaka. Nghe tin dữ mà lòng quặn thắt nên tôi mới cất bước đến vùng này, vừa đi lang thang, vừa dọ dẫm tin tức, để xem con trai tôi đang ở phương nào?

Hợp xướng: Tôi nghe rằng dù cách xa nhau ngàn dặm, con tim người mẹ vẫn không hề quên đứa con mình.

Nguyên lai, cái duyên giữa cha mẹ với con cái chỉ giới hạn trong một kiếp mà thôi. Nhưng ngay kiếp ấy, họ hãy còn phải chịu bao nhiêu cảnh chia lìa nữa là! Trong Khổng Tử Gia Ngữ[4] thiên Nhan Hồi, Khổng Tử đã kể chuyện có bốn con chim con đi ra bốn biển xây tổ riêng cho mình, khi đó chim mẹ đã hót lên những tiếng bi ai để đưa tiễn chúng[5].   

Tôi đã đi tìm, hỏi thăm khắp nơi, nay vừa đến chỗ cuối đất cùng trời là vùng biên cảnh Musashino (Tôkyô) và Shimôsa (Chiba), nơi có dòng sông Sumida chảy qua 

C-  Đối thoại giữa người đàn bà điên và ông lái đò: 

Lúc thuyền sắp rời bến, bà điên (vai Shite) và ông lái đò (vai Waki) thảo luận với nhau về bài thơ Miyakodori (Chim kinh đô) trong đoạn thứ 9 của cuốn truyện thơ “Truyện Ise”.

Người đàn bà điên bảo rằng dù bài thơ Miyakodori của vương tử Ariwara no Narihira bày tỏ tình yêu của ông đối với người vợ ông để lại Kyôto nhưng bà cảm thấy nó cũng nói lên được lòng nhớ thương của bà đối với đứa con trai thất lạc.

Bà điên: Bác lái có thể cho tôi một chỗ trên đò không?

Lái đò: Bà từ đâu đến và định đi đâu?

Bà điên: Tôi từ Kyôto đến và đang đi tìm một người.

Lái đò: Bà là người từ kinh đô đến và còn hay hơn nữa là có dáng dấp một kẻ dở hơi. Thế thì nhân đó, hãy biểu diễn một màn điên loạn cho bọn tôi xem nào. Nếu như bà làm được, tôi chẳng lấy tiền đò đâu.

Bà điên: Bác lái ơi! Bác nỡ lòng nào. Nếu như bác chèo đò trên sông Sumida, đáng lý ra, bác phải làm giống như người lái đò trong “Truyện Ise” ngày xưa để bảo: “Ngày đà xế bóng. Tất cả lên thuyền!” chứ. Dù mang tấm thân điên dại, tôi vẫn là người đất kinh đô. Xin bác đừng có những lời ăn tiếng nói không xứng đáng với hình ảnh ông lái đò trên sông Sumida và từ chối không cho tôi lên thuyền.

Lái đò: Bà cho biết mình là người kinh đô. Quả là phong cách của bà thanh lịch như dân Kyôto, thật xứng danh con người xuất thân chốn kinh đô.

Bà điên: Tôi không dám nhận mấy chữ “xứng danh” của ông đâu! Tôi nhớ ngày xưa ngài Ariwara no Narihira từng để lại một bài thơ trên bến đò này...

Bà điên: Thơ rằng: “Nếu mang cái tên chim kinh đô (miyakodori). Chắc là mi phải biết tin từ Kyôto. Ta muốn hỏi thăm người yêu xưa của ta có còn mạnh khỏe và đợi chờ ta không?”[6]

Bà điên: Này, bác lái! Con chim trăng trắng đằng kia, ta chẳng mấy khi thấy ở Kyôto. Tên nó là gì, hở bác!

Lái đò: Đó là chim hải âu.

Bà điên: Không phải đâu!...Tôi định nói là...Nếu như chúng ta đang đứng trên bãi biển, bác gọi con chim trắng ấy là thiên điểu (chidori), hải âu (kamome) hay sao thì tôi cũng mặc. Thế như bên bờ sông Sumida này, cớ sao bác không gọi nó là “chim kinh đô” cho tôi nhờ?

Lái đò: Ừ nhỉ. Tôi nhầm. Tôi rất hổ thẹn về sự thiếu văn hóa của mình nên đã không gọi nó là chim kinh đô, dù tôi đã có may mắn được sống ở một địa phương danh tiếng.

Bà điên: Trả lời là chim hải âu thì chán quá...Những con chim trôi nổi giữa những lớp sóng không ngừng bủa lên bờ cát...

Lái đò: Nhớ khi xưa Narihira

Bà điên: ...hỏi thăm “người mình yêu đang sống như thế nào”...

Lái đò: ....là vì nhớ thương bà vợ mà ông đã bỏ lại Kyôto.

Bà điên: Còn như tôi đây, tôi cũng đi tìm tông tích của đứa con trai thất lạc. Dường như nó đang sống ở miền Đông này. Lòng thương nhớ của tôi có khác gì tấm lòng của ngài Narihira đâu nào!

Lái đò: Ngài nhớ vợ...

Bà điên: Tôi ngóng trông con...

Lái đò: Hai tâm tình nào có khác...

Bà điên: Bởi vì đó là một đoạn đường dài khiến cho mình có khi nhớ về, lúc thì trông ngóng người mình yêu.

Hợp xướng: ... trong cùng khoảnh khắc.

Bây giờ xin chim kinh đô (miyakodori) bảo cho tôi hay: “Đứa con yêu của tôi hiện đang ở đâu nơi miền Đông này? ... Nhưng dù tôi đã hỏi bao lần, sao chim vẫn không có một câu trả lời. Mấy con chim ở đây thật không thể thương cho được. Thôi thì xin đặt cho chúng cái tên “chim nhà quê” (inaka no tori) đi nhé. Mà này, tôi lại nhớ có câu thơ rằng: 

“Bên bờ con sông Horie (Horie no kawa), nơi thuyền bè xuôi ngược tấp nập, có con chim hay đến đó nỉ non , chắc đó là con chim kinh đô”[7].

Câu thơ đó nói về con sông đổ ra cửa biển Naniwa (Naniwa-e ở vùng Ôsaka Thế nhưng giờ đây chúng ta đang đứng bên bờ sông Sumida tận miền Đông xa xôi. Nhìn lại đoạn đường đã đi, tôi thấy nó dài dằng dặc, tưởng không bao giờ mới đến nơi. Này bác lái, cho dù con đò chật hẹp và đã đầy người, tôi van bác đó, hãy cho tôi lên với.   

(Đến Nakairi, chỗ nghỉ giữa hai lớp) 

D-  Câu chuyện do người lái đò kể: 

Người đàn bà điên (vai Shite) được phép lên đò. Ông lái (vai Waki) cho biết một đại hội niệm Phật sẽ bắt đầu vào buổi tối hôm đó rồi bắt đầu kể lể lý do tại sao người ta tổ chức buổi lễ. 

Lái đò: Tôi chưa bao giờ gặp một bà điên nào cương quyết đáng nể đến thế. Mau mau lên thuyền đi nào. Chèo đò vượt khúc sông Sumida này là một việc nguy hiểm đấy. Các ông bà hãy cẩn thận và ngồi yên cho nhé! 

(Ông lái cũng gọi cả lữ khách cùng lên đò) 

Lữ khách: Tại sao ở bờ bên kia lại có nhiều người tụ tập dưới bóng cây liễu vậy, bác lái! Chuyện gì đang xảy ra? 

Lái đò: Ồ! Đó là đại hội niệm Phật sẽ được tổ chức vào tối nay và có liên quan đến một tấn bi kịch. Tôi sẽ kể cho ông khách nghe chuyện đó khi mình đến bờ đối diện. 

Lái đò: Vào ngày 15 tháng 3 năm ngoái, cách hôm nay vừa đúng một năm , có một gã buôn người đã đưa một cậu bé con độ 12, 13 tuổi từ Kyôto lên miền Ôshuu (Áo châu, thuộc vùng Đông Bắc). Có lẽ vì đó là chuyến hành trình đầu tiên, dài và gian khổ nhất đời mình nên cậu bé đã kiệt lực, ốm nặng và ngã xuống, cho biết mình không thể tiến thêm một bước.Thế những gã buôn người vô nhân đạo đã bỏ mặc cậu bé bên vệ đường và tiếp tục đi về vùng Ôshuu. Lúc đó, dân làng mới đến bên cạnh cậu và quan sát tình hình. Họ nhận ra rằng cậu là một đứa con thuộc gia đình tử tế. Dù họ đã cố sức chăm nom nhưng cậu bé càng ngày càng yếu và có lẽ đây là tiền duyên nghiệp chướng của cậu. Lúc cậu sắp lâm chung, người ta mới hỏi thân thế, chẳng hạn cha cậu là ai và cậu ở làng nào. Cậu mới trả lời mình gốc làng Kita-Shirakawa thuộc Kyôto và là con trai một ông Yoshida tên mỗ. Nhân vì cha cậu mất sớm nên cậu phải nương tựa mẹ mình.Tuy nhiện, vì hoàn cảnh trớ trêu, cậu đã bị bọn buôn người bắt cóc và kết thúc cuộc đời trong cảnh hẩm hiu. Trong lúc này, dù là hình bóng của một cư dân Kyôto cũng là cái có thể an ủi lòng cậu. Cậu mong được chôn bên vệ đường xin mọi người hãy trồng một cây liễu bên trên nấm mồ thay cho bia mộ. Cậu rất trầm tĩnh và đã xướng danh Đức Phật nhiều lần trước khi từ giã cõi đời. Quý khách xem câu chuyện tôi vừa kể có đáng thương hay không?  

Lái đò: Trong số khách đang đi chiếc đò này, hẳn có nhiều vị xuất thân từ Kyôto. Tuy chỉ là khách qua đường nhưng xin quí vị hãy niệm Phật để giúp  linh hồn cậu bé ấy được siêu sinh. 

Trong khi tôi đang kể lại câu chuyện nhàm tai quý vị thì con thuyền đã cập bến. Xin hãy lên bờ. 

Lữ khách: Phần mình, tuy chỉ là một khách qua đường nhưng tôi cũng xin ở lại suốt đêm nay để cầu nguyện cho cậu bé được siêu sinh. 

Ông lái đò mới bảo lữ khách là hãy lên bờ trước, còn mình chờ buộc thuyền xong sẽ lên sau. 

Lái đò: Này, bà điên kia! Sao bà chưa chịu rời đò? Mau mau lên bờ cho tôi nhờ. Tôi trông bà có vẻ là người nhân đức? Bà đang khóc có phải vì nghe câu chuyện thương tâm tôi vừa kể đấy chăng? Nhưng thôi, mau lên bờ đi nào!

Bà điên: Xin lỗi bác lái. Bác có thể cho biết câu chuyện trên xảy ra hồi nào không?

Lái đò: Tháng ba năm ngoái, đến hôm nay vừa đúng một năm.

Bà điên: Còn cậu bé, cậu ấy...

Lái đò: Độ 12 tuổi...

Bà điên: Tên là chi?

Lái đò: Umewaka-maru.

Bà điên: Họ người cha là...

Lái đò: Yoshida tên mỗ...

Bà điên: Sau khi biến cố xảy ra, không thân nhân nào đến viếng thăm à?

Lái đò: Phải rồi, không một người thân thích...

Bà điên: Thế thì ngay cả mẹ cậu cũng chưa từng ghé lại bên mồ. Có đúng không?

Lái đò: Tôi không hề nghe chuyện nào như vậy xảy ra...

Bà điên: Dĩ nhiên nào có mẹ cha hay bà con nào đến viếng cậu ấy đâu! Thú thật với bác, cậu bé kia chính là đứa con trai mà mụ điên này đang tìm kiếm đó. Ôi chao! Phải chi chuyện ấy là do bác bịa ra. Làm sao tôi có thể tin một kết cục kinh hoàng như thế?

Lái đò: Bà làm tôi thật ngỡ ngàng! Tôi không hề nghĩ rằng đó là câu chuyện xảy ra cho bất cứ ai trong đám chúng ta. Bây giờ tôi mới rõ cậu ấy là con bà. Tôi sẽ đưa bà đến ngôi mộ ấy. Xin hãy theo tôi. 

Ông lái đò bèn đưa bà mẹ điên đến trước gò đất và giục giã bà hãy cầu siêu cho cậu con vắn số. 

Lớp sau: 

E-   Lời than vãn của bà mẹ điên: 

Bà điên (vai Shite) tức là người mẹ của Umewaka-maru được ông lái đò (Waki) dắt tới bên ngôi mộ của cậu con. Bà đã gào khóc và than vãn bên ngôi mộ. Bà những muốn nhờ ai đó đào bới nó lên để có thể thấy gương mặt con mình thêm lần nữa.    

Bà mẹ: Tôi đã vượt bao nhiêu đường đất để đến vùng biên cảnh miền Đông này, những tưởng cuối cùng sẽ được gặp đứa con yêu. Nào ngờ con tôi không còn có mặt trên thế gian này. Dấu vết duy nhất của nó chỉ là một thân cây dùng thay cho bia mộ.

Định mệnh quá phũ phàng khiến cho nó phải chết trong khi lưu lạc, bỏ quê hương lại đằng sau, trở thành một nấm đất bên đường cái vùng Đông quốc  xa xôi. Chỉ có cỏ dại mùa xuân phủ lên phần mộ.[8]

Chắc con tôi đang nằm dưới đó!  

Hợp xướng: Xin bà con cô bác hãy thương xót cho kẻ xấu số mà đào nấm đất này lên, giúp người mẹ kia nhìn mặt đứa con trai thêm một lần nữa!

Hợp xướng: Cuộc đời đầy tương lai của cậu ta đã chấm dứt phũ phàng, còn cuộc đời vô nghĩa của người mẹ lại cứ phải tiếp tục. Dù hình ảnh đứa con trong cõi u minh vẫn nhảy múa trước mắt bà nhưng không rõ nét, như cho bà thấy số phận con người chỉ là bọt bèo hư ảo.

Thế gian này đầy những khổ đau. Cơn bão của vô thường đã thổi bay những khóm hoa đang thời xuân sắc, còn vầng trăng soi đường cho các linh hồn  lang thang trong cõi u minh giữa hai bờ sinh tử lại bị những đám mây bay vẩn vơ che lấp lối. Cuộc đời này đã hiện ra trước mắt bà bằng sự bất ổn và những ảo ảnh của nó. 

F-   Đại Hội Niệm Phật: 

Với sự khuyến khích của ông lái đò, người mẹ của Umewaka-maru (vai Nochijite) đã cầm dùi gỗ gõ vào cái chiêng con (shôko) để cùng nhau niệm tên Đức Phật A Di Đà.

Thế rồi từ trong nấm mồ có tiếng của Umewaka-maru (vai kokata hay kép con) vọng ra và hồn ma của cậu xuất hiện trên sân khấu[9].

Lái đò: Bà mẹ kia, bà có than khóc cho lắm cũng chẳng đi đến đâu đâu. Chi bằng xướng danh Đức Phật A Di Đà để cầu cho cậu con được siêu thăng về miền vĩnh phúc.

Trăng đã lên cao và gió mát đang hây hẩy thổi qua sông Sumida, cho ta thấy là đêm đã về khuya. Đây chính là lúc bắt đầu phần niệm Phật buổi tối (Dạ Niệm Phật). 

Nghe nói thế, những người tham dự bèn gõ cồng chiêng và khuyến khích bà mẹ niệm Phật theo họ. 

Bà mẹ: Dù sao, một người mẹ đang sầu khổ như tôi thì chỉ biết lăn lộn kêu gào chứ làm sao tụng niệm cho được.

Lái đò: Thẹn thay cho bà! Bà nên biết rằng dù bao nhiêu người tập họp nơi đây để cầu phúc cho cháu nhưng không có lời cầu xin nào đem lại sự an ủi cho vong hồn của nó hơn là lời tụng niệm của một người mẹ và chính là bà đấy! 

Nói xong, ông lái đò trao cho bà một cái chiêng nhỏ (phèng la, shôko) 

Bà mẹ: Sau khi nghe kỹ những lời khuyên bảo của bác, giờ tôi mới thấy bác có lý. 

Bà cầm lấy cái chiêng ông trao cho. 

Lái đò: Nén nỗi đau và cất giọng thanh tao...

Bà mẹ: Tôi cùng mọi người xướng danh Đức Phật dưới vầng trăng khuya...

Lái đò: Giống như vầng trăng đang trôi về phương Tây, lòng chúng tôi cũng hướng về cõi Tây phương Tịnh độ...

Bà mẹ và người lái đò: Nơi có 36 vạn ức thế giới, mỗi chỗ đều có một vị  Phật đồng hiệu đồng danh ngự trị. Xin cất cao lời nguyện cầu...

Hợp xướng (thay cho bà mẹ): Nam mô A Di Đà Phật (Namu Amidabutsu)

Hợp xướng: Cùng với lời khấn nguyện, hình bóng cậu con trai của bà đã xuất hiện như một ảo ảnh...

Bà mẹ: Con trai ta đấy ư?

Umewaka-maru: Mẹ!

Hợp xướng: Thế rồi mỗi khi họ định ôm chầm lấy nhau, hồn ma của cậu bé lại tan biến. Và mỗi lần hình bóng cậu biến đi như thế, tình cảm của người mẹ lại càng nồng nàn hơn. Hình ảnh lúc cậu hãy còn sống xuất hiện hết lớp này đến lớp khác trong trí bà. Huyễn ảnh đó chập chờn, thoắt hiện thoắt biến. Thế rồi, mặt trời bắt đầu ló dạng ở phương Đông và khi ánh bình minh lan tỏa ra thì không còn thấy hồn ma đâu nữa. Bấy giờ cái còn lưu lại dấu vết của cậu bé chỉ là nấm đất bên đường phủ xanh những cỏ. Quang cảnh bờ bãi hoang vu nơi cỏ mọc dày và một thân cây liễu lẻ loi như bia mộ, thật không gì thê thảm cho bằng.

Hợp xướng: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

Bà mẹ: Bao luồng gió nhẹ thổi qua sông như đang vuốt ve chòm liễu. Lời đồng thanh tụng niệm của chúng tôi cũng hòa tan vào trong tiếng gió.

Hợp xướng: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

Bà mẹ: Hỡi chim Miyakodori! Bởi vì tên mi là Chim Kinh Đô (miyakodori / chim Kyôto). Hãy cất tiếng hót để đưa giọng mi hòa vào giữa tiếng cầu kinh.

Hợp xướng và Umewaka-maru: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

Bà mẹ: Những hãy hượm. Trong tiếng cầu kinh, hình như cũng có giọng của đứa con tôi. Và tôi nghe nó như đến từ đáy mộ.

Lái đò: Tôi cũng có nghe tiếng đó. Thế thì chúng ta hãy ngưng tiếng cầu kinh và để cho bà mẹ tiếp tục một mình.

Bà mẹ: Con ơi, hãy cho mẹ được nghe tiếng con thêm lần nữa!

Bà mẹ: Nam mô A Di Đà Phật!

Umewaka-maru: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

 

Kết thúc vở  

Dịch ngày 9/5/2022

 

Bên lề tác phẩm: 

Chủ đề của vở này là tâm lý điên dại (Monogurui) và nạn buôn người (Hitokai).

Monogurui là tình trạng loạn tâm, không có thể phán đoán một cách bình thường. Trong trường hợp này là sự thoái hóa về mặt tâm lý vì đương sự không thể đương đầu nổi một thực tại phũ phàng. Chủ đề này thường thấy trong văn học thời trung cổ Nhật Bản khi xã hội đặt ra những vấn đề thúc bách gây chấn thương tâm lý mà cá nhân không thể giải quyết một mình. Có thể Nô đã đưa tình cảnh này lên sân khấu để “giải quyết hộ”.

Còn Hitokai (buôn người, buôn nô lệ) là một hủ tục cũng bắt nguồn từ thời trung cổ và được xã hội nhìn nhận như một nghề buôn bán chính thức. Mori Ôgai đã viết truyện Sanshô Dayuu để kể lại nạn bán nô lệ cho các trang viên làm nông nô. Luật pháp của hai Mạc phủ Kamakura và Muromachi đều cấm đoán việc buôn người nhưng chỉ thấy trên giấy tờ. Nó rất nguy hiểm vì còn gắn kết với tệ nạn bắt cóc (ratchi), giữ con tin (hitoshichi). Tuy bị nghiêm cấm dưới thời Mạc phủ Edo bởi đạo luật “Ngự định thư bách cá điều” nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại sau đó, nhất là khi việc kinh doanh các xóm lầu xanh được phát triển mạnh và việc buôn bán phụ nữ làm gái điếm trở thành thông lệ. Có lẽ nó còn được duy trì cho đến thời Duy Tân như được thấy qua tác phẩm Yoshino kuzu (Sắn dây núi Yoshino) của Tanizaki Jun’ichirô trong đó, người mẹ của nhân vật chính đã bị cha mẹ bán vào lầu xanh khi còn ít tuổi. Vào thế kỷ 14, hãy còn có một vở Nô nổi tiếng khác với chủ đề giải cứu nạn nhân buôn người nhan đề Jinen Koji (Tự Nhiên cư sĩ) do Kannami soạn. 

Ngoài ra, chúng tôi xin dịch phần cuối đoạn 9 của “Truyện Ise” nói về chim kinh đô, một hình ảnh trữ tình được soạn giả dùng làm sợi chỉ đỏ kết nối vở tuồng:

“Tiếp tc đi, đi mãi, h đến khu vc nm gia vùng Musashino và Shimôsa (nay là Tokyo, Chiba). Nơi đây có mt dòng sông ln tên Sumidagawa. Dng chân bên b nưc, h cm thán vì thy đã cùng nhau làm mt chuyến hành trình dài dng dc, ngm ngùi nh v quê cũ. Va lúc y, có mt ngưi chèo đò gi: “Các bác mau lên đò đi, tri đã ti ri đy !”. H bèn lên đò và sp sa qua sông. Tt c đu bun bã vì trong bn không có ai mà không đ li mt ngưi đàn bà yêu du kinh đô. Lúc y có mt con chim trng, mđôi chân đu màu đ, ln cỡ chim d (shigi, a snipe), đang lưn trên mt nưc đ bt cá. Vì đây là mt loài chim chưa tng thy kinh đô nên không ai trong bn biết là chim gì. H bèn hi bác lái đò thi mi hay đó là “ging chim kinh đô” (miyakodori). Mt ngưi mi làm bài thơ:

Na ni shi o wa / ba iza koto towamu / miyakodori / wa ga omou hito wa / ari ya nashi ya to /

(Tên dễ thương như thế / Xin hỏi “chim kinh đô” / Người ta yêu bây giờ / Sống chết ra sao nhỉ?)

Trên thuyền, tất cả không cầm được dòng lệ”.

Miyakodori 都鳥là chim hải âu (seagull), một cách gọi thông thường nơi người bình dân (người như ông lái đò) nhưng đã được dùng để nối kết với lòng luyến nhớ kinh đô (miyako) trong tâm tư của mấy chàng lữ khách. Ở đây, tác dụng hài hước cũng được biểu lộ qua sự thiếu kiến thức về địa lý, xã hội của các công tử con nhà quí hiển, những người trước đó chưa hề bước ra khỏi kinh đô.

Tư liệu tham khảo: 

1-     Sumida-gawa (The Sumida River, Dòng Sumida) Bản song ngữ Anh Nhật trên trang The-noh.com, lên mạng ngày 20/4/2014. Nguyên tác đến từ Nhật Bản Văn Học Đại Hệ (Nihon Bungaku Taikei) quyển 40 do Yokomichi Mario soạn, Iwanami (Tôkyô) xuất bản, có tham chiếu các văn bản tiếng Nhật khác như bản Sumida-gawa do Itô Masayoshi soạn, Shinchô (Tôkyô) xuất bản.

2-     Truyện Ise (Ise Monogatari ), bản Việt dịch của Nguyễn Nam Trân (bản thảo / tư liệu mạng).

3-     H. Jay Harris, The Tales of Ise, Tuttle Publishing, Tôkyô, 1972.


[1] Ngày xưa, giả điên hay thương vay khóc mướn cũng là nghệ thuật trình diễn và có những nghệ nhân đặc biệt đóng các trò này.

[2] Ý thơ Hòa Hán Lãng Vịnh Tập, phần nói về Mây (Vân): Sơn viễn vân mai hành khách tích (Trên ngọn núi xa, mây che mất dấu vết người đi đường).

[3] Chân Cát Nguyên. Chân (ma) là một mỹ từ trang trí. Cát (kuzu) là giây sắn. Đây là một cánh đồng mà tên từng xuất hiện trong thơ cổ thời Vạn Diệp. Đó là một gối thơ khi nói về sương (Lộ).

[4] Tên Nhật là Kôshi Kegô. Sách gồm 27 quyển nói về ngôn hành của Khổng Tử và các vấn đáp với chư đệ tử trong đó có Nhan Hồi, nhưng đã bị thất thoát, chỉ còn 10 quyển. Bị cho là một cuốn sách giả (ngụy thư)

[5] Nói về tình mẫu tử chép trong Khổng Tử Gia Ngữ, Nhan Hồi Thiên: Có bốn con chim nhỏ ở núi Hoàn Sơn, khi phải chia tay để ra tứ hải (bốn biển) xây tổ riêng cho mình, mẹ của chúng đã cất tiếng hót bi ai khi tiễn con đi.

[6] Thoát dịch thơ Ariwara no Narihira: “Na ni shi owaba / Iza koto towan miyakodori / wa ga omou hito wa / ari ya nashi ya to” :

[7] Funaki ofu / Horie no kawa no minagiwa ni / kii tsutsu naku wa miyako dori

[8] Thơ Bạch Cư Dị trong Bạch Thị Văn Tập: Hóa vi lộ bàng thổ. Niên niên xuân thảo sinh. (Thành nấm đất bên đường. Xuân sang, cỏ xanh phủ)

[9] Dĩ nhiên đây là lối diễn theo bản tuồng của Motomasa chứ không phải Zeami.

 


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................

® "Khi phát hành lại bài viết của trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com)
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com