|
Ký Ức Một Thời Chiến với Hayashi Fumiko
Biên soạn : Nguyễn Nam Trân
Nhà văn nữ Hayashi Fumiko (1903-1951) Hayashi Fumiko sống lang bạt từ nhỏ. Sinh năm 1903 ở thành phố Shimonoseki (tỉnh Yamaguchi miền Nam đảo Honshuu / có thuyết mới cho là bà sinh gần cảng Moji tỉnh Fukuoka trên đảo Kyuushuu) và là con thứ tư trong gia đình, các chị em mỗi người một bố. Bố bà họ Miyata (Miyata Asatarô), nhỏ hơn mẹ bà tới 14 tuổi, không chịu thừa nhận con nên bà phải lấy họ mẹ là Hayashi. Gia đình sống rày đây mai đó với người cha dượng bán hàng rong. Ông này (Sawai Kisaburô) thua mẹ bà những 22 tuổi, xưa kia từng làm công trong cửa hiệu (nhà trọ ở suối nước nóng) của cha mẹ bà nhưng đã ngoại tình với mẹ bà và rủ nhau trốn đi. Cũng phải nói là cha của bà cũng thuộc hạng ăn chơi, từng đem geisha về nhà. Người bố dượng làm nghề bán quần áo cũ, sau đó ế ẩm phải phá sản khiến cho cả nhà nheo nhóc. Thời thơ ấu cực khổ đã ảnh hưởng tới văn nghiệp của Hayashi Fumiko. Có lẽ không ai thông cảm với những người nghèo khổ sống dưới đáy xã hội và trình bày về họ trung thực bằng bà. Đến nỗi có người mệnh danh bà là « nhà văn kiếm ăn bằng cách đem cái nghèo đi bán ». Năm 1918, ở cái tuổi 15, bà đã được biết là có tài văn chương khi bắt đầu theo học trường trung học ở thị trấn Onomichi tỉnh Hiroshima. Lúc ấy, bà đã có những bài thơ tanka gửi đăng báo với bút hiệu Akinuma Yôko. Bà đọc nhiều thơ của Heine, Whitman, Eichendorff, Novalis và Busse. Có thể vì đó mà về sau, trong những cuốn tiểu thuyết của mình, đôi khi bà xen kẻ thơ với văn xuôi, ngoài ra cách hành văn của bà cũng phảng phất hương vị trữ tình của thi ca. Năm 1922, tốt nghiệp trung học xong, Hayashi Fumiko rời quê hương theo chân người yêu, một sinh viên, lên Tokyo nhưng có được mảnh bằng trong tay, anh ta đã nghe lời gia đình, bỏ rơi bà về quê lấy vợ. Bà liên hệ tình cảm với vài người đàn ông khác nhưng đều không lâu dài, mãi sau (1926) mới gặp Tezuka Rokubin, một sinh viên nghèo đang đeo đuổi ngành hội họa Tây phương. Trong thời gian này vì cuộc sống khó khăn, bà phải làm đủ thứ việc như lao công, hầu bàn, nhân viên nhà tắm công cộng và vì chịu không nỗi trăm thứ hậu quả của trận động đất khủng khiếp năm 1923, đành xuống Yokohama lấy tàu trở về Onomichi sống một thời gian trước khi tái hồi Tôkyô. Bà không có duyên may với đàn ông, chỉ đến khi gặp Tezuka, cuộc sống của bà mới tạm ổn vì ông là người hiền hòa, chân thành và thường khuyến khích bà thực hiện giấc mơ trở thành văn sĩ. Ở Tokyo, trong giai đoạn sau này, bà quen biết với các nhà văn như Tsuboi Sakae, Okamoto Jun, Takahashi Shinkichi, Ono Juusaburô, Tsuji Jun, Hirabayashi Taiko...Họ đều là những người có tư tưởng xã hội như bà. Bà cũng chịu ảnh hưởng bút pháp của văn hào người Na-Uy : Knut Hamsun (1859-1952). Ông là một nhà văn không những tài năng mà còn có một văn nghiệp dài đến 70 năm, từng đoạt giải Nobel văn học 1920, đã đi tiên phong trong lối viết « dòng tâm lý », « độc thoại nội tâm » và ảnh hưởng đến nhiều văn nhân Âu châu tên tuổi (1). Sở dĩ ngày nay ông không được mấy ai nhắc đến tên là vì quá khứ ủng hộ Đức Quốc Xã trong thời chiến. Hòa bình lập lại, bị phạt tiền và đi tù, ông chỉ được phóng thích vì tuổi cao. Sau đó ông sống đời ẩn dật trong một nông trại cho đến khi qua đời ở tuổi 93. Nói đến Hayashi Fumiko là phải nói đến Hôrôki, tác phẩm để đời của bà. Bà viết Hôrôki (Phóng lãng ký, lên báo năm 1928, in thành sách năm 1930) có thể dịch là « Những ngày lang bạt» (2). Nó có dạng một hồi ký đầy chất thơ hơn là tiểu thuyết. Đề tài này cũng trùng hợp với nhan đề một tác phẩm của Knut Hamsun viết năm 1927 : « Kẻ Lang Bạt » ( Landstrykere). Trong đó bà tả lại tuổi thơ nghèo khổ, phải đánh bạn với thợ mỏ, đĩ điếm, dân nghiện ngập và hát rong, đêm đến ngủ trong cầu tiêu hay nhà bỏ hoang. Có lẽ quá khứ đó đã làm cho bà có tư tưởng xã hội (khuynh hướng vô chính phủ) dù không hẳn thích chính trị. Thế cũng đủ cho cảnh sát bắt giam năm 1933 trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi « Những ngày lang bạt» đem đến thành công vật chất (bán được 600.000 cuốn năm 1930) và theo đường bộ đi thăm Paris, ở đó 6 tháng (1931-32). Khi về, biết mình được độc giả yêu chuộng, bà quyết tâm dồn sức viết để làm giàu. Trong thời chiến (1937-1945), cũng vì bị cuốn theo phong trào và khó lòng từ chối lời mời mọc, bà dấn thân vào các hoạt động hỗ trợ chiến tranh, trước là đi Nam Kinh, Hán Khẩu, sau đến Việt Nam, Java rồi Borneo và viết loại ký sự chiến trường. Trở về Nhật năm 1943 , bà im hơi lặng tiếng trong một ít lâu. Tuy nhiên vì những sai lầm nghiêm trọng đó, sau khi hòa bình lập lại, bà không tránh khỏi việc dư luận buộc tội đã tiếp tay cho quân phiệt. May mắn cho Hayashi Fumiko là dù với quá khứ như thế, bà vẫn được nhà cầm quyền của lực lượng chiếm đóng (G.H.Q.) cho phép cầm bút. Trước hết đã ra mắt Kawahaze « Con cá bống » (1947) thuật lại tình cảnh một phụ nữ xa chồng 4 năm trời, dan díu với bố chồng trong khi chồng ra tiền tuyến, đến có mang, muốn tự tử để trút gánh nợ đời mà không toại nguyện. Qua đó, Fumiko muốn nói lên tâm trạng của người phụ nữ trong thời chiến đối với những ràng buộc của xã hội.
Takamine Hideko chủ diễn Ukigumo (1955) bên cạnh Mori Masayuki Trong Hone « Tro cốt » (1949), bà tả một góa phụ chiến tranh phải bán trôn nuôi miệng, miệng mình và miệng gia đình gồm ông bố già, cậu em ho lao và hai đứa con mồ côi. Suốt nửa truyện, bà kể lại cái đêm đầu tiên Michiko, vai chính, nằm trong vòng tay khách. « Tro cốt » nói đến trong truyện là tro của người chồng chết ở chiến trường và của đứa em, nhưng cũng dự báo về mớ tro của cha già sắp chết, như thể số phận đàn bà là vẫn phải sống còn dù có hay không có đàn ông. Shitamachi (1949) « Xóm Nghèo» (3) là câu chuyện của Riyo, một người đàn bà nạn nhân chiến cuộc, tạm thời làm nghề giao trà trong khi hai mẹ con đợi người chồng bị cầm tù ở Tây Bá Lợi Á từ 4 năm nay chưa được thả về. Cho đến ngày cô ta gặp và yêu Tsuruishi, cũng là lính vừa mới từ bên đó hồi hương và phải chứng kiến vợ mình đang sống với một người đàn ông khác. Ukigumo «Mây trôi giạt» (1949), tác phẩm cuối của Fumiko. Nó cũng trình bày sự cam chịu của người đàn bà trước số phận như đã thấy ở các tác phẩm Shitamachi nói trên hay Bangiku (Vãn cúc ) « Đóa cúc muộn », trong đó, Kin, một geisha luống tuổi, sau những năm xa cách, chăm chút sửa soạn để gặp lại người tình cũ từ chiến trường trở về để rồi thất vọng tràn trề khi biết anh ta không đến thăm cô vì tình yêu đối với cô mà chỉ để vay tiền.
Mori Mitsuko đã diễn Hôrôki hơn 1.000 lần trên sân khấu Ukigumo «Mây trôi giạt» vốn lấy tư liệu từ những ngày sống ở Việt Nam, nó muốn cũng nói lên sự cam chịu của người đàn bà khi giáp mặt với số phận. Yukiko đến Đà Lạt làm cho Sở Lâm Nghiệp và yêu Tomioka, một người đã có vợ Nhật còn đèo bồng thêm nhân tình Việt Nam đến có con. Hai người tìm nhau vì xác thịt nhiều hơn là tinh thần. Khi Yukiko trở về Nhật, cô nhìn thấy sự suy sụp của người xưa. Tuyệt vọng, Tomioka muốn đưa Yukiko lên suối nước nóng để giết nàng nhưng lại bị một người đàn bà khác quyến rũ và gây ra án mạng. Yukiko nằm trên giường bệnh mơ về Đà Lạt và về anh lính Mỹ mà đôi khi nàng có ăn nằm. Sau đó, nàng chết để Tomioka sống không mục đích như mây trôi giạt. Nhà văn nữ Hirabayashi Taiko, một người bạn cũ của tác giả, cho rằng Hayashi qua tác phẩm này đã muốn đi tìm cho xã hội Nhật Bản hậu chiến một điểm tựa tinh thần nhưng đã thất bại với ước nguyện đó. Hayashi Fumiko viết rất nhiều. Đến lúc qua đời ở tuổi 48 (1951) sau một cơn đột quị, bà đã để lại trên 270 đầu sách, phần lớn là tự truyện. Có thể nói ba đặc điểm của văn chương bà là tính tự thuật, chủ đề hoàn cảnh xã hội và cuộc tranh đấu đòi quyền sống của người phụ nữ.
Hara Setsuko trong phim Meshi (1951) của Naruse Sau đây là bảng liệt kê theo thứ tự thời gian sáng tác những tác phẩm được đánh giá như quan trọng nhất của bà: -1930: Hôrôki “Những ngày lang bạt” (truyện dài có tính tự thuật, đã được đạo diễn Naruse Mikio dựng thành hai cuốn phim vào năm 1955 và 1962. Đã có bản dịch sang Anh văn của Joan E. Ericson. -1931: Fukin to uo no machi “Phố có cá và đàn phong cầm”, truyện ngắn. Có thể xem như phần nối dài của “Những ngày lang bạt”. -1933: Seihin no shô “Kiếp nghèo”, truyện dài tự thuật. -1934: Nakimushi Kozô “Cậu bé mít ướt”, tiểu thuyết, đã được đạo diễn Toyoda Shirô (1906-1977) dựng thành phim năm 1938. -1936: Inazuma “Ánh chớp”, tiểu thuyết, đã được đạo diễn Naruse Mikio (1905-1969) chuyển thể thành phim năm 1952. -1947: Uzushio “Vực nước xoáy”, tiểu thuyết. -1948: Bangiku “Đóa cúc muộn”, truyện ngắn, đoạt giải Văn Học Phụ Nữ và đã trở thành nguồn cảm hứng cho cuốn phim cùng nhan đề của Naruse vào năm 1954. Đã được John Bester và Lane Dunlop dịch sang Anh văn qua hai bản dịch khác nhau. -1949: Shirosagi “Cánh cò trắng”, truyện ngắn, một trong những nguồn khác của phim Bangiku (1954) do đạo diễn Naruse. 1949: Suisen “Thủy tiên”, truyện ngắn, cũng là một nguồn của phim Bangiku (1954). Có bản dịch của Joan E. Ericson. -1950: Chairo no me “Mắt nâu”, tiểu thuyết, đã gợi ý để Naruse làm phim Tsuma “Người Vợ” (1953). -1951: Ukigumo “Mây trôi giạt”, tiểu thuyết, được Naruse dựng thành phim cùng tên năm 1955. Đã được Lane Dunlop dịch sang Anh ngữ. -1951: Meshi “Bữa cơm”, tiểu thuyết, đạo diễn Naruse đã dựa vào đấy để dựng phim Meshi (1951). Trong giai đoạn 1951-53, nhà xuất bản Shinchô (Tokyo) đã thu thập và phát hành toàn tập của Hayashi Fumiko gồm 23 quyển. Chú thích : (1) Knut Hamsun, cùng với August Stringberg, Henrik Ibsen và Sigrid Undset là bốn nhà văn tên tuổi Bắc Âu. Ông là ngôi sao sáng của văn học hiện thực Bắc Âu (Nordland realism). Đã đi tiên phong trong cách sử dụng bút pháp « dòng tâm lý » (stream of consciousness) và « độc thoại nội tâm » (interior monologue) cũng như James Joyce, Marcel Proust, Katherine Mansfield và Virginia Woolf..., lại ảnh hưởng đến các nhà văn quan trọng trong văn học thế giới như Thomas Mann, Franz Kafka, Maxim Gorki, Stephan Sweig, Henry Miller, Herman Hesse, Ernest Hemingway, Isaac Bashevis Singer...Tác phẩm Hunger (Cái đói, 1890) của ông đã cực tả sự nghèo đói nên không lạ gì Hayashi Fumiko đã xem nó như quyển thánh kinh của bà và ái mộ ông như một bậc thầy. (2) Bạn đọc có thể biết thêm về Hayashi Fumiko qua bài giới thiệu với nhiều thông tin mới và bản dịch Bangiku ( Đóa Cúc Muộn) do Văn Lang Tôn Thất Phương. Cả hai đều được viết vào năm 2003, đã lên mạng ERCT và CVCN. (3) Chính ra Shitamachi là một từ có ý nghĩa lịch sử, xuất phát từ lối gọi Jôkamachi (Phố dưới chân thành) ám chỉ khu chợ búa và buôn bán dành cho người bình dân để phân biệt với Kamimachi, nơi các samurai cư trú. Trong bối cảnh của Tôkyô thì Shitamachi là tên gọi những xóm nghèo, xóm bình dân (như các vùng Asakusa, Yotsugi, Katsushika ...trong truyện) nếu đem so với khu vực bên cạnh khang trang hơn có tên là Yamanote.
Thư mục tham khảo : 1) Nguyễn Nam Trân, 2011, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, Việt Nam. 2) Hayashi Fumiko, Tuyển tập Hayashi Fumiko trong bộ Tổng tập văn học Nhật Bản (Treasure of Japanese Litterature). Chuô Kôron lần lượt xuất bản vào thập niên 1960. 3) Tư liệu và hình ảnh mạng.
* Nguyễn Nam Trân : Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com ......................... ®
"Khi phát hành lại bài viết
của trang này cần phải có sự đồng
ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com) |