TUYẾT ĐẦU MÙA ĐỈNH PHÚ SĨ

(Fuji no Hatsuyuki, 1952)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tokyo to Mount Fuji: Transport Guide | Tokyo Cheapo

Ảnh minh họa

 

 Một 

-Trên Phú Sĩ có tuyết rồi. Kìa, không phải tuyết là gì?

Nghe Jirô lên tiếng, Utako cũng đưa mắt ra ngoài cửa sổ xe điện để nhìn ngọn núi Phú Sĩ (Fujisan).

-Đúng thật!Tuyết đầu mùa đấy nhỉ.

-Không phải mây đâu.Tuyết đó.

Jirô nói thêm như muốn xác nhận với mình.

Núi Phú Sĩ có mây bọc chung quanh nên dưới một bầu trời nặng mây như thế này, màu của mây và màu của tuyết trông không khác mấy.

-Hôm nay đã là 22 tháng 9 phải không ?

-Phải. Mai là ngày nằm giữa[1] tiết Bỉ Ngạn (Higan), đúng là Thu phân đó.

-Hình như hàng năm cứ vào độ này, tuyết bắt đầu rơi trên núi Phú Sĩ. Có đúng là tuyết đầu mùa không nhỉ?

Hết câu, Jirô mới nhận ra một điều, nên lại nói tiếp:

-Cũng không chắc nó là tuyết đầu mùa. Tuy hôm nay là ngày đầu tiên chúng mình thấy tuyết rơi trong năm nhưng biết đâu tuyết chẳng rơi trên đỉnh Phú Sĩ từ trước?

-Báo có đăng mà, anh? Họ viết là núi Phú Sĩ (Fujisan)[2] đang được trang điểm bằng tuyết đầu mùa. Bài viết còn kèm theo một bức ảnh thật lớn nữa.

-Báo ấy ra hồi nào?

-Em nghĩ là tờ báo sáng nay. Nhất định không phải là báo ra chiều qua đâu.

-Thế mà anh không thấy!

-Thật à? Chắc báo anh đặt mua khác với báo của em.

-Ừ, có lẽ.

Jirô chỉ biết cười ruồi.

-Cảnh này giống y như ảnh đăng trên báo đó anh. Nhà báo họ bay bằng trực thăng để chụp ảnh mà. Em thấy đúng là cảnh em từng thấy trên mặt báo nhưng trước mắt mình, mây dày như thế này thì...

Thấy Jirô không nói năng gì, Utako bổ túc:

-Vì là tờ báo ra hồi sáng nên ảnh được đăng phải là bức chụp vào tối trước. Hình thù của mây hôm qua và hôm nay thấy cũng giống như nhau.Thường thì mây hay di chuyển nhưng sao hình dáng mây vẫn giống y nguyên, nên em cũng thấy lạ..

Tuy nghe người đàn bà bảo “hình dáng mây vẫn giống y nguyên” nhưng Jirô lại nghĩ rằng chắc chi Utako đã nhìn kỹ cái ảnh chụp vầng mây núi Phú Sĩ đăng trên tờ báo đến mức đó.

Chứng cứ là sau khi được Jirô cho biết “Núi Phú Sĩ có tuyết”, Utako mới đưa mắt nhìn nó. Cho tới lúc ấy, nàng không để ý đến ngọn núi. Nếu thực sự tấm ảnh “Núi Phú Sĩ trang điểm tuyết đầu mùa” đã tạo ra ấn tượng mạnh cho Utako thì khi leo lên chiếc xe điện đi về phía vùng Itô như hôm nay, đáng lẽ trong hai người, nàng phải là người nhìn núi Phú Sĩ trước tiên. 

Lúc đó, xe điện đã qua khỏi Ôiso[3].

Cũng có thể là khi nghe Jirô nói núi Phú Sĩ có tuyết, Utako mới bắt đầu nhìn nó và nhớ lại tấm ảnh núi Phú Sĩ có tuyết đầu mùa đăng trên tờ báo ra buổi sáng. Bình thường, không phải ai cũng cố tình nhìn núi Phú Sĩ chỉ vì vừa được xem tấm ảnh tuyết đầu mùa của nó đăng trên báo. 

Nếu đúng như lời Utako là vầng mây giăng trên núi Phú Sĩ “dù hôm qua và hôm nay đều có chung một hình dáng” thì điều đó chỉ làm cho Jirô cảm thấy cái đáng khiếp sợ của thiên nhiên.

Thế nhưng, dù lòng Utako bị chi phối bởi ấn tượng nhận được từ tấm ảnh tuyết đầu mùa trên đỉnh Phú Sĩ, từ lúc lên chuyến xe điện này cùng với Jirô, nàng có thể đã quên khuấy nó và điều đó cũng là chuyện đương nhiên..

Phải chi từ sáng nay cô đã biết mình sẽ cùng Jirô đi bằng xe điện đến Odawara và định bụng khi đến chỗ nhìn thấy được núi Phú Sĩ, sẽ đưa câu chuyện tuyết đầu mùa ra nói với anh nên mới ghi  sẵn trong đầu tấm ảnh thấy trên báo. Trên thực tế, Utako không đủ  thoải mái để làm bao nhiêu đó.

Bảy tám năm về trước, giữa nàng và Jirô đã có một câu chuyện yêu đương nhưng rồi nàng lại kết hôn với một chàng trai khác. Gần đây, vợ chồng nàng đã ly hôn và hôm nay, nàng đang cùng Jirô lên đường xuống vùng Hakone. Đầu nàng đang rối ren nhiều thứ.

-Theo như báo nói thì khoảng từ trạm thứ tám (hachigome)[4] trở lên mới có tuyết. Chỗ kia có đúng là trạm  thứ tám không anh?

Utako hãy còn bàn về tuyết đầu mùa trên núi Phú Sĩ nên đã quay qua nhìn Jirô và đặt câu hỏi.

Khi Utako nghe Jirô ngạc nhiên thốt lên “Núi Phú Sĩ đã có tuyết!”, lần đầu tiên nàng mới cảm thấy giọng nói của anh vẫn sinh động như ngày xưa.

Từ ga Tôkyô cho đến đây, lúc Jirô chuyện trò với mình, nàng thấy giọng của anh không có vẻ hào hứng nên thầm nghĩ là anh đang có gì nặng trĩu trong lòng.

Jirô tiếp tục nhìn ra cửa sổ ngắm ngọn núi Phú Sĩ.

Nhận ra là Utako hết sức mệt mỏi, tiều tụy, anh bị ám ảnh bởi ý tưởng muốn nhìn cho thật rõ cái dáng mệt mỏi đó của nàng. Ý tưởng đó không đến từ một sự tàn nhẫn, nhưng thực ra đã phát xuất từ tình yêu của anh.Thế nhưng, lúc Jirô càng muốn nhìn cho được, ngược lại, anh có cảm tưởng mình càng không thể thấy chân tướng nàng.

Utako bảo:

-Cái chuyện hồi nãy đó nghe....

Từ chuyện về núi Phú Sĩ, nàng dợm trở lại với câu chuyện đời mình.

-Chuyện anh Someya à?

-Phải.

Utako ngừng lại trong khoảnh khắc rồi tiếp:

-Giờ đây, đối với em thì trong bất cứ tình huống nào, nếu có thể, em cũng muốn nhìn đời bằng cặp mắt bao dung.

-Ừ nhỉ!

-Bởi vì dù có oán hận anh Someya, em cũng sẽ chẳng khá ra hơn.

-Đúng thế thật!

-Khi đi tìm nguyên nhân, em mới thấy trong việc chia tay anh Someya, có  phần lỗi ở nơi em. Sau khi suy nghĩ lại, em thấy không chỉ có  buổi  đầu mà cả về sau, em cũng có lỗi.

.-Thế nhưng nếu muốn có cái nhìn bao dung đối với ai khác, anh thấy tốt hơn, em nên bao dung với bản thân nữa đấy!

Utako mỉm cười:

-Đúng như anh nói. Hình như đã có người khuyên là nếu mình định tha thứ cho ai thì cũng nên biết thương thân cái đã.

Hồi còn con gái, Utako có một nụ cười mỉm rất trong sáng. Bây giờ nụ cười ấy đã trở nên buồn bã và méo mó. Có thể vì giây thần kinh nên một bên ở cuối bờ môi có hơi nhếch cao hơn.

-Dù vậy, không chỉ có thế. Anh có thấy em tiều tụy và kiệt quệ không nào? Lúc lâm vào tình trạng mệt mỏi, mình nên có cái nhìn bao dung. Biết đâu đó chẳng là giải pháp giúp mình khỏe thân nhất.

-Chả lẽ cho đến nay, anh Someya và em đã phải cố gắng để tránh đổ vỡ như thế sao?

-Ừ nhỉ! Nhưng giữa vợ chồng, có khi chỉ vì một lý do không đáng gì mà phải đi đến chỗ không cứu vãn được. Dù sao, có thể nói là em đã nhẫn nại. Trong gia đình, kẻ giỏi nhường nhịn thường là phụ nữ mà anh...

-Tuy vậy, cách chia tay với anh Someya coi bộ đã làm em cay đắng đấy nhỉ? Hồi em chia tay anh, đâu đến nỗi thế!

-Ô kìa! Bây giờ còn đem chuyện đó ra nói, chắc anh muốn chọc quê em hả?

Hồi đó, thật tình em còn non nớt lắm. Nhờ chia tay anh Jirô một lần trước đây mà bây giờ em mới học được sự nhẫn nhục đó.

Jirô hết biết phải nói gì.

-Không phải khoảnh khắc chia tay là cay đắng đâu anh. Thời gian chịu đựng cho đến lúc chia tay mới là cay đắng.

Jirô gật đầu đồng ý.

-Còn vì con cái nữa đó, anh.

-Hồi nãy, anh đã được nghe em nói về chuyện con cái.

Đang nhìn tuyết trên núi Phú Sĩ, đôi mắt Jirô lại quay trở về với khuôn mặt Utako.

-Thế nhưng mấy đứa con của Utako thì dù em không ở bên cạnh, chúng vẫn được anh ấy nuôi dạy đàng hoàng phải không? Hồi chia tay anh, chỉ vì để  chia tay, em đã giết mất đứa con đó.

Jirô thốt ra câu đó từ tận đáy lòng và anh nghĩ mình nói  được như thế là một điều tốt.

Mi dưới và má của Utako như bị điện giật từng hồi. Những ngón tay của nàng cũng đang run rẩy.

-Thì hồi đó, em hãy còn vụng lắm, kể cả chuyện con cái.

Jirô thấy mắt Utako đang rưng rưng những lệ. Anh bèn bảo:

-Đúng vậy thật. Nhưng chính ra, lỗi là ở  chiến tranh tất cả. Anh thì anh nghĩ  thế.

Utako chỉ lắc đầu.

-Hồi biết mình mang thai, em bối rối không thể tưởng.Vì quá bối rối, đầu óc mụ đi, không biết phải làm gì.

Một lần nữa, nàng lại ứa nước mắt.

Thế nhưng trong đầu, Utako không nhớ gì về đứa con nàng có với Jirô và nay đã chết. Chỉ có hình ảnh hai đứa con nàng bỏ lại đằng nhà Someya là đang hiện lên thôi.

-Jirô nói:

-Có thể lúc đó, em đã bối rối rất nhiều. Vì em có mang đứa con đó mà ngược lại, chúng mình mới đi đến chia tay ...

Utako tạm quên hình ảnh hai đứa con của Someya trong một lúc và tìm cách quay về với đứa con giữa nàng và Jirô.

Thế nhưng sau khi đẻ xong đứa con của Jirô, nàng đã phải xa nó ngay và không ai cho biết nó đã được người ta đưa đi đâu..

Đó là cái năm chiến tranh kết thúc, khi cha mẹ Utako nhận ra là nàng đang mang thai, đồng thời ông bà cũng biết về liên hệ giữa nàng và Jirô. Lợi dụng cơ hội này, cả nhà Utako đã ra khỏi Tôkyô để đi sơ tán về một thị trấn nhỏ ở miền quê. Ở một nơi không ai biết về mình, họ bèn phao tin nàng là gái có chồng, muốn về nhà quê đợi ngày sinh nở. Như thế chuyện đã được giải quyết êm thắm.

Cha nàng vì công việc, hầu như vẫn sống trong ngôi nhà ở Tôkyô. Sau đó, Utako đã ẳm đứa hài nhi trong tay và theo mẹ mình về thủ đô lúc đó đang chịu những cuộc oanh kích. Lý do là cô muốn đem đứa con đi vứt. Tuy cô muốn đi gặp Jirô nhưng trao đứa bé cho người ta xong,ngày  hôm sau cô đã  phải quay lại miền quê.

Đứa bé đã chết ở nhà người xin được nó. Utako chỉ biết tin này khi chiến tranh đã chấm dứt.

Utako nói:

-Tuy nhiên, em không hiểu đứa bé ấy có chết thật không?

Jirô nhìn lảng qua một bên.

-Em thì cứ nghĩ là nó có thể hãy còn sống ở đâu đó.:

-Chuyện nó chết coi bộ dễ tin hơn.

-Nhưng nếu còn sống và gặp nhau bây giờ, không hiểu nó có biết em là ai không nhỉ?

-Thôi, đừng nói về đứa bé đã chết ấy nữa!

Không chỉ câu chuyện về đứa con thôi, Jirô còn không muốn trao đổi làm gì với Utako những chi tiết thuộc về quá khứ của hai người.

 

Hai 

Thấy Utako vẫn chưa ráo nước mắt, Jirô bèn gọi tắc-xi từ nhà ga Odawara. Hỏm mắt của Utako  đã đỏ hoe. Chính ra nàng không khóc mấy nhưng nếu nhìn nàng thì thấy rõ là một người đã khóc. Có lẽ cái mệt mỏi từ tâm hồn đến thể xác đã lộ ra trên quầng mắt. Như thể chỉ cần có ai nói câu nào đó, nước mắt sẽ trào ngay.

Jirô muốn nhìn lại hình bóng của Utako thuở nào bởi vì cái dáng dấp bây giờ khiến cho lòng anh chua xót. Thế rồi trong khi đi tìm hình ảnh ngày xưa của Utako thông qua dáng dấp hiện tại của nàng mà lại không nhìn con người Utako của hôm nay, Jirô cảm thấy mắt mình cũng mệt mỏi giống như đôi mắt của nàng. Vì anh không muốn để cho Utako nhận ra là anh đang nhìn cái vẻ mệt mỏi của nàng nên Jirô đã lãng  ra chỗ khác nhưng lại lúng túng vì  không biết nhìn đi đâu.

Khi chuyển từ tàu điện qua xe hơi, Jirô đã cảm thấy rõ hơn hình bóng ngày xưa của người con gái. Việc ngồi cùng nhiều người trong toa xe điện và chỉ có hai người trong xe hơi, hình như đã đủ làm cho Utako đổi khác.

Trong lòng Jirô đã có những máy động tinh tế như thế khi anh tìm về hình bóng Utako của ngày nào.

Có nhà thơ từng nói: “Những âm thanh xưa kia có lần vang vọng, nay đã vượt thời gian để rung thêm lần nữa. Cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau thương đều nằm bên trong một khúc ca”. Jirô hơi ngờ vực vì anh không hiểu khúc ca ấy sẽ là gì!

Xe hơi đến đằng trước di tích ngôi thành cổ Odawara, trong khi Jirô đang nhìn một lùm cây gần đó, anh chợt nghe tiếng Utako – đang nghiêng người vào anh cho gần – để thì thầm bên tai:

-Anh Jirô có biết chuyện em đem con đi cho, chớ hở?

Jirô muốn tránh trả lời bèn nói:

-Thôi, bỏ qua chuyện đó đi.

-Ôi chao. Anh biết, có phải không?

Utako tỏ vẻ ngạc nhiên:

-Mà sao anh lại biết được chứ?

-Thì ba em cho anh hay chớ sao! Ông có viết thư nói là đứa trẻ đã chết.

-Vậy à?

-Có lẽ ý định của ba em là muốn cắt đứt sợi dây liên lạc giữa hai đứa mình Có thể là sau khi Nhật Bản thất trận, tinh thần ông cũng suy sụp theo và cảm thấy mình có lỗi nên lúc đó mới nghĩ là phải cho anh biết.

-Té ra ba em cũng đã báo cho anh Jirô biết rồi à?

Utako lập lại câu nói như không tin lời ấy là sự thật.

Thế rồi cô lại dựa nhẹ người mình vào Jirô. Anh thật tình không biết cô ghé sát vào anh vì bị thu hút bởi một sự thân mật nào đó từ anh, hay đã tựa vào anh vì cảm thấy yếu ớt, không đủ sức tự nâng đỡ thân mình.

Khi cảm thấy được hơi ấm của Jirô, Utako bèn lim dim đôi mắt.

Jirô  đợi Utako nói chuyện tiếp nhưng không nghe câu nào nên mới bảo:

-Sao, dựa như thế có thích không?

Utako gật đầu. Thế nhưng nàng không xích lại thêm chút nào. Chẳng những thế, bờ vai của nàng còn thấy như có cứng đi và ở nguyên một chỗ.

-Chuyện ba em đi báo tin cho anh và nội dung của nó có đúng thế không, em đều không rõ. Ít nhất thái độ của anh Jirô đã làm cho em cảm thấy như thế.

Bằng một giọng nhỏ nhẹ và chậm rãi, Utako đã nói điều đó với anh. Giọng của nàng như tiếng thì thầm của tình yêu. Khi người nàng nép vào bên anh, hai đầu gối nàng chợt run rẩy. Để dằn cảm giác đó, Utako cố gắng nhớ lại trong đầu hình ảnh hai đứa con mà nàng đã để lại đằng nhà Someya, trong khi vẫn nói về đứa con từng có với Jirô.

Utako biết Jirô đang tỏ ra thương hại nhưng nàng không chịu bày tỏ hết lòng mình mà có lúc còn cố cưỡng lại.

Jirô đã trả lời:

-Như hồi nãy anh đã nói,việc ba em báo tin cho anh là có thật!

Sau khi Jirô nhận được bức thư người cha cô gái loan tin là đứa trẻ đã mất, anh đã đi gặp ông và hỏi thăm địa chỉ người đã xin nó về. Anh còn nhớ vì hối hận, anh cũng đã đến thăm gia đình người ấy nhưng giờ đây, anh không muốn đem chuyện đó cho Utako hay.

Bất chợt, Jirô nói bằng một giọng mạnh mẽ:

-Nhưng anh không hề hối hận vì trước đây đã “ăn ở” (dakko)[5] với em đâu nhé.”

Câu nói làm Utako ngạc nhiên, nàng định tách người ra nhưng rồi lại nép vào anh, như một cử chỉ nói thay cho cái gật đầu.

-Cho dù điều đó đã gây trở ngại cho cuộc sống vợ chồng của Utako.

-Không có chuyện đó đâu anh. Hoàn toàn khác.

Utako lắc đầu và nói tiếp:

-Không có vậy đâu mà!

Họ đã đi ra khỏi khu vực thành phố Odawara. Chiếc xe đang chạy trên một đoạn đường hai bên có những hàng cây anh đào.

Utako đính chính:

-Anh Someya không phải là người như anh nghĩ. Nếu anh ấy như thế thì em đâu có đi với anh Jirô hôm nay.

Khi hai người qua khỏi khu vực có những quán trọ suối nước nóng ở Yumoto, Jirô vẫn không nói năng gì.

Vì họ đi bằng xe hơi nên đoạn đường từ Miyanoshita cho đến Gôra trông ngắn hẳn.

Jirô bảo nàng:

-Lần trước mình tới đây bằng xe điện nên mới thấy xa. Lúc đó nhằm mùa hè, chung quanh nhà ga, mấy bụi cẩm tú cầu (ajisai) nở trông thật đẹp. Em nhớ chứ?

Utako hỏi lại:

-Mà anh có thấy hoa bỉ ngạn (higanbana) trên đường tới đây không?

Nói chung, vùng Gôra là nơi có nhiều biệt thự của đám tài phiệt, sau thời chiến đã biến thành nhà trọ. Một trong những nơi đó là Takahara no Hayashi (Rừng Cao Nguyên), hãy còn dấu vết một khu vườn nhưng không có nhà hay phòng trọ đúng nghĩa.

 

Higanbana | Japan Experience

Hoa bỉ ngạn (Higanbana, Spider Lily)

 

Thấy quá uổng phí, người ta đã không chặt cây cối của khu rừng thiên nhiên nên căn phòng  họ được đưa tới cũng nằm dưới bóng lá.   

Có một loại cây mà hai người không biết là tên gì. Một vài thân cây như thế mọc sát cạnh hành lang. Ngồi xuống ngắm chúng, lòng họ cảm thấy lắng dịu.

-Chỗ này hay quá, em!Như cảnh trong mơ!

Utako giờ thấy đã yên tâm, đưa mắt nhìn Jirô:

-Không phải là mình đang nằm mơ mà mới tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Quãng đời vừa qua quá gian nan.

-Mình tới đây là đúng, em nhỉ?

Jirô chỉ diễn tả bằng một câu nói đơn sơ. 

-Cũng có nhiều cái đẹp đấy chứ, anh?

Utako vừa ngắm những tảng đá bày ra đầy trong vườn, vừa nghĩ đến việc dắt hai đứa con đến đây cho chúng chơi. Tuy phải chia tay với chúng nhưng nàng vẫn mong là trước đó, sẽ tìm cách đem chúng tới đây và ba mẹ con có cơ hội thoải mái bên nhau thêm được một ngày.

-Hồi ngôi nhà của anh bị bom thiêu rụi, anh đã mướn một gian trong ngôi chùa làng ở vùng Musashino. Ở ngôi nhà kho phía bên kia khu vườn, có một ông thầy dạy hát Nô (Utai) đi sơ tán đã lót mặt sàn bằng mấy tấm chiếu và mở lớp dạy hát. Đôi khi mấy tay chơi trống hay ống tiêu vác đồ nghề đến nữa. Nghe tiếng trống và tiếng tiêu, tự nhiên anh thấy nhớ Utako[6] quá chừng.

Utako lộ vẻ sung sướng.

-Thế mẹ anh có đi cùng không?

-Có. Cả bà lẫn cô em gái. Tất cả là ba người.

-Em gái anh lấy chồng hồi nào?

-Khoảng bốn năm trước thì phải. 

Còn Jirô, anh ấy cưới vợ hồi nào nhỉ? Utako chưa hỏi thăm. Và đối với người vợ này, Utako đã định bụng sẽ không hỏi lấy một câu.

Jirô tiếp tục kể chuyện:

-Hòa thượng trong chùa cũng thích hát Nô (Utai), hình như có đến nhờ ông thầy kia dạy. Khi anh ngỏ lời khen ngợi tài hát Nô của hòa thượng, ông ta mới bảo rằng cách hát của tôi nghe giống như người đang tụng kinh.

Những khi ông xướng “Yô” hay “Hô” và vỗ “Pon” lên mặt trống cao, ngực anh cứ đập thình thình.Vừa thất tình, vừa thiếu chất bổ dưỡng, người yếu hẳn ra. Đang ở trong cảnh bại trận mà họ cứ lo đánh trống, thổi tiêu như thế, anh vừa ngạc nhiên, vừa khen họ sao mà tài thật.Ngoài mấy thứ đó, có lẽ những người này không biết phải làm gì...nhưng bọn mình đâu còn sức lực dành cho cái gì khác ngoài việc... thổi tiêu như thế! Nước nhà bại trận đã kéo theo sự thất bại của cả hai đứa mình.

-Lúc đó em còn con nít, đã hiểu gì đâu!

Utako lập lại câu nói cũ rồi tiếp:

-Nhưng cả em lẫn anh bắt buộc phải thổi tiêu thôi. Bởi mình không làm theo họ nên mới thành ra thế này.

Người hầu gái trong quán trọ vào phòng mời họ đi tắm.Đây là lần thứ hai.

-Em đã xem nước trong bồn rồi. Xin mời...

-Cảm ơn cô. Nhưng chúng tôi không đem theo khăn con (tefuki).

-Vâng. Em sẽ mang đến phòng tắm ạ.

Khi cô hầu gái vừa ra, Utako bèn nói:

-Em mắc cỡ quá! Khăn con mà cũng không đem theo. Thế nào họ cũng nghi ngờ cho coi.

Mặt nàng đỏ ửng.

Hôm nay hai người không gặp nhau với ý định đi cùng đến Hakone.

Họ chỉ hẹn gặp nhau ở Ginza, ăn một bữa cơm trưa hơi trễ rồi về. Thế nhưng lúc Jirô tiễn Utako ra nhà ga Shimbashi, trong khi Utako mua vé, Jirô đã đưa mắt nhìn lên tấm biển báo thời khắc của những chuyến tàu trên tuyến đường Tôkaidô (Đông Hải Đạo).

Đột nhiên, Jirô lên tiếng mời mọc:

-Bây giờ mình đi Hakone nhé em?

-Hôm nay? ...Từ bây giờ à?...

Utako hơi bất ngờ nên đã đứng khựng một chỗ.

Thật ra thì khi rủ Utako đi Hakone, Jirô cũng không có ẩn ý gì đến nỗi làm nàng phải cứng cả người bởi không biết xử trí làm sao.

Chỉ vì anh thấy Utako có vẻ mệt mỏi, bất an như thể đang sợ hãi một điều gì và hệ thần kinh bị tổn thương của nàng đã làm lộ nó ra trên nét mặt nên Jirô mới không đành lòng chia tay nàng ở đây.

Tuy vậy, Jirô nghĩ rằng nếu vào phòng tắm, chắc anh sẽ phải nhìn thấy tất cả những thay đổi cũng như mệt mỏi đã đọng lại nơi Utako, dấu ấn của bao đau khổ, tổn thương đến từ bảy tám năm trong cuộc sống vợ chồng.

Khi Jirô đứng lên và đi về phía phòng tắm thì Utako vẫn chưa thay đồ để choàng vào người tấm áo yukata của lữ quán. Cô còn chưa cởi cả bí tất.

 

Ba

Suối này có chất diêm sinh nên Jirô không có ý định tắm, xuống nước cho ấm người xong là anh đã lên ngồi trên thành bồn và nhìn lơ đãng. Tuy biết rằng có thể cái vòi ở chỗ tráng nước lên người sẽ cho nước ngọt nhưng anh lại không thích dùng xà phòng của lữ quán.

Có tiếng Utako:

-Em vào có được không?

-Được. Vào đi chớ!

Nghe tiếng Jirô trả lời, Utako bèn đẩy nhẹ cánh cửa phòng tắm, bàn tay vừa nắm lấy nó vừa nói:

-Lúc em thu dọn áo sơ-mi và đồ đạc cho anh thì cô hầu phòng lại đến. Cô ấy bảo “bà” đi tắm với “ông” đi, để em làm cho. Cô ấy gọi “bà” như thế làm em thấy ngượng quá!

Utaka vẫn mặc bộ quần áo màu nâu nhạt, dưới nách có kẹp tấm áo yukata.

Hình ảnh Jirô đang trần truồng bề gì cũng đã lọt vào tầm nhìn của cô nhưng Jirô không để ý điều đó.

-Ở đây là lữ quán có suối nước nóng, đến đây mà không xuống ngâm là  không được..

-Đúng đấy anh.

Sau khi đã đóng cửa lại sau lưng, Utako không còn ngần ngại khi bước vào bên trong.

Chỉ cần thoáng thấy làn da của Jirô thôi, nàng đã vội nhìn qua chỗ khác.Làn da anh trắng và đẹp.

Utako ngâm trong nước đến tận cần cổ, người không động đậy.

Jirô và nàng cũng nhìn về một hướng. Từ đằng sau một phiến đá ngoài cửa sổ phòng tắm, có những đóa hồ chi (hagi) màu trắng đang lả ngọn.

Utako nói một cách vui vẻ:

-Em thấy lạ quá. Khi em còn sống chung với anh Someya, tụi mình không hề gặp nhau lần nào. Thế mà khi em vừa chia tay với chồng cũ thì đùng một cái, không biết đi đâu mà đụng phải anh ngay. Em mới nghĩ chả lẽ ở đời lại có những chuyện lạ như vậy. Hay tại ông Trời xui khiến, hở anh?

 

Hot Springs (Onsens) in Yamanashi/Official Travel Guide Yamanashi

Ảnh minh họa

 

-Anh ở Tôkyô chớ có xa xôi gì đâu! Cho dù Tôkyô là một thành phố rộng bao la nhưng trong khoảng bảy, tám năm trời đó, mình cũng có xác xuất gặp nhau ở một nơi nào chớ nhỉ? 

-Thế nhưng chỉ cần kẻ đi bên kia đường, người đi bên này đường là đã khó gặp rồi, nói chi đến việc không để ý. Cho dù một bên có thấy bên kia nhưng lại làm lơ và bỏ đi tuốt luốt hay lách vào con hẻm gần bên để lánh mặt...

-Ôi chao. Anh nói có “một bên” là bên nào vậy anh? Anh Jirô hay em?

-Anh không định ám chỉ người làm như vậy là anh hay em  đâu!

-Thế nhưng, em ít khi ra ngoài lắm...Đàn bà có con mọn mà anh.

Utako nói chữa.

Trong thời gian sống với Someya, Utako vẫn lo sợ là nếu lúc đó, mình gặp lại Jirô, sẽ không biết là phải làm sao. Còn Jirô thì, tuy biết Utako đã sơ tán về miền quê nhưng trong đám đông hoang mang đang đi tránh những trận mưa bom trước hồi chiến tranh sắp kết thúc, khi nhác thấy một khuôn mặt và một dáng dấp của ai đó từa tựa như Utako trong đám người chất nghẹt trên những chiếc xe, anh nhớ là bao lần mình đã  đau nhói trong lồng ngực.

-Nếu gặp nhau được, có khi chỉ gặp nhau ở những nơi không ra gì, phải không? Em thì lúc đó, chỉ mong gặp lại anh Jirô ở một nơi nào đó cho thật xứng đáng. Nếu đi đâu đó mà đâm đầu vào nhau, người ta thấy chắc cười chết. Nó sẽ không giống như cái cảnh bảy tám năm sau lại được gặp người mình bị bắt phải chia tay.

Nói xong, Utako cất tiếng cười.

Thật ra, hai người đã gặp nhau trên kè ga Shimbashi.Utako leo hết bậc thang và vừa tới nơi thì thấy có một người đàn ông từa tựa Jirô đang chực bước vào toa cho nên đã chạy thật nhanh về cánh cửa toa đó. Khi vừa giáp mặt với Jirô trong toa thì giữa lúc Jirô chực phóng xuống và Utako  chực leo lên, đã có một cuộc đụng đầu ngay cánh cửa toa tàu.Cùng lúc đó, cửa tàu đóng sầm lại.

Bữa ấy họ đã hứa với nhau là sẽ gặp lại lần thứ hai vào ngày hôm nay.

-Thấy em gầy chưa? Gầy đến cỡ này đây.

Utako đặt tay lên miếng xương nằm phía trên phần ngực.

-Nhưng đó là đã khá hơn trước, từ hồi ở dưới quê về đến giờ.

-Thế à?

Khi nàng ngâm người trong bồn, Jirô cũng đã vào tắm trở lại. Tuy đó là cái thân thể của một người đàn bà từng sinh cho mình một đứa con và anh không còn lạ gì, nhưng Jirô vẫn cảm thấy ngỡ ngàng như lúc anh thấy  thân thể mới mẻ của một người đàn bà mình vừa gặp.

-Hồi chia tay với anh Jirô và sinh em bé đã chết đó, em cũng gầy lắm. Nhưng không đến nỗi như bây giờ đâu. Lúc đó, còn trẻ mà!

Tuy không  thể nói là anh đã quên thân hình ngày xưa của Utako nhưng anh nghĩ cũng không nhớ về nó một cách thực rõ ràng.

-Phần thì do tuổi trẻ, phần thì cũng do thời thế lúc đó,  em đã mang một mặc cảm phạm tội, nghĩ rằng mỗi mình em đã có những hành động xấu xa nên em không còn dám mơ tưởng tới anh nữa. Em đã nghĩ thực lòng như vậy. Chiến tranh đã làm cho bao nhiêu cặp vợ chồng và bao nhiêu người yêu nhau phải xa cách.

Utako đã bị trưng dụng làm việc trong một công binh xưởng chế tạo vũ khí.Vừa mang thai vừa phải lao động như thế, nàng đã gánh bao nhiêu cực khổ và tủi nhục. Giờ đây khi hồi tưởng lại, Utako còn không dám tin những điều đó là có thực.  

-Chuyện em kết hôn với anh Someya cũng là tại chiến tranh. Em nào có biết cái gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào đâu!

Nói đến đây, Utako lại khóc.

-Em bây giờ đó nghe, nhắc đến chuyện này là ngực em lại hồi hộp kinh khủng. Mỗi lần anh Someya đánh đập hay cãi cọ với em, em cũng lên cơn mệt tim, khổ sở hết sức. Có khi em nghĩ cứ như thế này, mình nên chết đi cho rảnh.

Utako đưa tay đè lên ngực rồi bước ra khỏi bồn tắm và đi về phía chỗ xả nước ngọt.

-Chiến tranh đã chà nát tuổi trẻ của chúng mình. Nhưng may quá, anh còn có được một người như Utako. Có cái là anh đã để cho Utako phải khổ...

-Không, không có đâu anh.

-Có phải em nói là “nên có một cái nhìn bao dung” không?.

-Vâng. Hồi về sống ở dưới quê, lúc đó em biết mình đang suy nhược nên nghĩ  rằng nếu không chọn thái độ như vậy, mình không thể sống còn.

-Phần anh, không những anh thù hận Utako mà còn trách cứ mình, nhưng nhờ có dịp nhìn cuộc sống bi thảm của đồng bào chung quanh mà cảm thấy mình cũng được an ủi phần nào. Giữa lúc chiến tranh khốc liệt như thế mà anh vẫn có được một người yêu là Utako. Nói khác đi, như thể anh đã bám víu vào em.

-Anh làm em vui quá!

Hai người đứng cạnh nhau và cũng lau khô người.

Khi nhìn trộm cái dáng sau lưng của Utako, Jirô cảm thấy mình đang bị nó khiêu khích. Thế nhưng anh không khỏi làm lạ khi không có dấu hiệu nào cho thấy là Utako muốn quan sát thân thể anh, dù chỉ vì lòng hiếu kỳ.  Không hiểu đó là  bản tính dè dặt của phụ nữ nói chung hay là do Utako đã trở về với cái tính khép nép khi xưa?

Từ khi vào ngâm trong bồn tắm, hình như sự thân mật của Utako đã truyền qua người Jirô cho nên họ đã thưởng thức bữa cơm chiều với nhau trong im lặng.

Bên cạnh căn buồng sáu chiếu tatami còn có một căn ba chiếu. Sau khi cô hầu phòng dời cái bàn con dùng để ăn cơm (chiyabudai) vào cái phòng nhỏ đó để trải chăn nệm, họ đã đi ngả lưng rất sớm.

Utako thì thầm:

-Mình thức suốt đêm nay nói chuyện nghe anh?

-Chuyện buồn là không được nói đó nghe!

Jirô kéo tay Utako về phía mình.

-Dạo sau này, em có ngủ được không?

-Mệt mỏi quá nên chi...

Jirô vẫn không hiểu là cô muốn nói vì mệt nên ngủ được hay vì mệt mỏi quá nên không ngủ được.

-Ôm[7] em như hồi xưa đi anh!

Utako nhìn đăm đăm vào mắt anh.

-Hồi xưa mình “ôm” cách nào hở em?

Thấy Jirô có hơi bối rối, Utako ráng nhịn cười, bảo anh:

-Ghét anh ghê! Bộ quên rồi sao?

-Hồi đó em nhu mì lắm mà!

-Tại lúc đó em nào đã biết gì.

Jirô sụp mắt lại và cố gắng nhớ lại hình ảnh phố phường Tôkyô bị thiêu cháy dưới những trận mưa bom. Thân xác của những người chết thảm như hiện ra trước mắt anh. Đó là phương pháp Jirô dùng để đè nén sự ham muốn đang trổi dậy trong anh.

Những khi vợ anh đau ốm hay không thuận tiện, Jirô thường áp dùng phương pháp này và đã thành công. Thời gian chiến tranh vừa chấm dứt, khi anh và bạn đi thăm thú một nơi không tao nhã cho lắm, cô gái ở đó đã bắt đầu câu chuyện đời mình bằng cách kể lể anh nghe là gia đình cô chết trong một cuộc oanh kích. Jirô đã nghe cho xong chuyện. Khi thấy Jirô có vẻ không tin điều mình nói, cô ta tiếp tục miêu tả những cảnh tượng thê thảm đầy xác chết cho anh nghe. Có thể những điều cô ta thấy đúng là sự thật nhưng tất cả đâu phải chỉ có những người  thân của cô thôi.Tuy nhiên, trường hợp của Jirô thì hình ảnh các xác chết anh từng thấy lúc này đã hiện ra trong đầu anh.

Người con gái hỏi:

-Anh sao vậy?

Jirô buột mồm nói đại:

-Bị bệnh liệt dương do chiến tranh.

Bây giờ, được ôm  Utako trong tay như ngày xưa, phương pháp này đã giúp Jirô  thành công.

Như muốn hỏi vì cớ gì, từ trong bóng tối, Utako cho tay sờ soạng gò má anh.

-Anh đang nhớ lại chuyện gì vậy?

-Những điều kinh khiếp trong chiến tranh.

Nhưng Utako lại ngờ rằng Jirô đang nhớ về người vợ của mình.

Jirô đưa tay dịu dàng vuốt ve mái tóc của Utako.

Việc hai người  đã đến Hakone một cách tình cờ và việc họ nằm kề nhau như thế này giữa đêm khuya, Jirô cảm thấy nó tự nhiên như một điều đã được giao ước trước. Có lẽ vì anh muốn đối xử dịu dàng chân thật với Utako nhưng mặt khác cũng bởi vì thấy Utako đã quá mệt mỏi và bị tổn thương nặng nề.

-Nếu không có chiến tranh, có lẽ  từ xưa cho đến giờ, em vẫn được nằm cạnh anh Jirô như thế này, anh nhỉ?

-Tuy nhiên, chỗ mình gặp nhau lại là cái công binh xưởng ấy. Nếu không có chiến tranh thì Utako đâu có phải đi đến đó làm việc.

-Em lại nghĩ dù không gặp nhau ở công binh xưởng, nhất định là mình vẫn gặp nhau ở một chỗ khác.

Jirô biết rõ rằng mái tóc của Utako có một mùi thơm mà anh không thấy nơi các cô gái khác.

Cô gái thơ ngây ngày xưa anh từng biết, sau bảy tám năm kết hôn đã trở thành một bà mẹ hai con. Anh tự hỏi nàng đã thay đổi đến đâu rồi.Anh cảm thấy mình ghen tương và đang bị nàng quyến rũ nên  đã vội thay thế nó bằng hình ảnh những xác chết thảm thương.

Thấy tướng mạo Utako quá mệt mỏi, tiều tụy nên anh đã không đành lòng chia tay để rồi cả hai đã đi đến nơi đây. Hơn thế, anh đã nhủ thầm là mình cũng có trách nhiệm về sự suy sụp của nàng. Vì lẽ đó, anh tự dặn lòng là giờ đây, không thể vì một ham muốn mới  mà anh lại ôm ấp nàng.

Dù thế, việc vẽ lại trong đầu những cảnh tượng bi thảm của chiến tranh đã đạt hiệu quả một cách kỳ diệu đến độ anh phải hoảng sợ.

Tuy thân thể Utako mềm mại, như thể muốn buông thả trọn vẹn cho anh nhưng Jirô lại cảm thấy nơi đó đang toát ra một sức mạnh làm cho bàn tay anh không dám chạm tới nó.

Có thể nói điều đó đã làm cho Utako có phần yên tâm nhưng cùng lúc, nàng lại thấy buồn như đang chứng kiến một ngọn lửa đang lụi dần. 

Ở ga Shimbashi, khi nghe anh hỏi có đi Hakone với anh không, có lẽ vì đầu óc không tìm ra câu trả lời mà nàng chợt thấy lồng ngực se thắt lại. Lúc đó, trong đầu nàng đã lóe lên ý nghĩ là sẽ từ chối chỉ để mà từ chối. Bây giờ nghĩ lại mới thấy lúc đó mình sao mà tội nghiệp đến thế.

Nằm im một lúc, Utako bắt đầu khóc thút thít và ghé sát mặt vào Jirô. Anh ngạc nhiên thì thấy đôi má kia ràn rụa nước mắt. Anh bèn lấy bàn tay lau cho nàng.

Utako cười:

-Em hay khóc nhè quá, hở anh? Ba má dưới quê cũng chán em lắm.

-Chắc tại thần kinh em căng thẳng đó thôi. Ly hôn là chuyện kinh khủng lắm chứ.

-Không phải vậy đâu. Hồi nãy em có nói là việc nhịn nhục cho đến khi ly hôn mới là chuyện khó không nào? Bởi vì quá cay đắng nên khi ly hôn, em thấy thoải mái giống như người được cởi trói, tự do bay bổng.

-Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của em không trôi chảy chắc nằm ở nơi anh?  Tuy không có mặt, anh vẫn âm thầm khấn nguyện cho hạnh phúc của Utako đấy. Đó là điều giúp cho lòng anh vợi bớt đau khổ. Nhưng đáng lý ra anh còn phải tự trách nhiều hơn nữa.

-Không phải lỗi của anh Jirô đâu mà. Anh nói không thích nghe chi những chuyện buồn, nhưng anh có cho phép em kể anh nghe một chút về những gì đã xảy ra trước khi em ly hôn với anh Someya không? .....

Utako đi tìm bàn tay của Jirô và nói tiếp:

-Em hoàn toàn không ngờ có ngày được kể cho anh Jirô chuyện đời của em.

Hồi mới gặp lại anh, em đâu có ý tưởng này.

 

Bốn

Sáng hôm sau, khi Jirô mở mắt, Utako vẫn đang quay mặt về phía kia và còn đang ngủ. Hai chân làm như hơi co lại một chút.

Nhìn cái dáng đằng lưng của nàng, Jirô thấy nó thơ ngây làm sao, bất giác mỉm cười và vươn  tay ra khẽ chạm vào mái tóc nàng

Utako trở mình và quay lại phía này. Jirô ngạc nhiên về sự nhạy cảm của Utako, liền rụt tay lại. Thế nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy nàng đã thức giấc.

Cánh liếp che mưa không có kẽ hở nên căn phòng chỉ sáng lờ mờ nhưng cũng đủ cho Jirô nhìn được khuôn mặt của Utako và để tình yêu của ngày xưa bồi hồi quay về trong lòng anh. Anh thấy khuôn mặt của Utako hầu như  không có gì thay đổi.

Mắt chưa mở hẳn nhưng coi bộ không còn buồn ngủ nữa, Jirô một mình nhỏm dậy đi ra về phía phòng tắm.

Khi Jirô tắm xong trở về, anh thấy Utako đã thức giấc và còn nằm giữa tấm nệm.

-Ủa, anh đi tắm xong rồi à? Sao không đánh thức em giùm.

-Chín giờ rồi nghe!

-Chín giờ...? Em hư quá. Nhưng chưa bao giờ em được ngủ ngon như vậy.

-Thì tốt chứ sao? Tôi hôm qua, em còn ngủ trước cả anh cơ mà. Từ mười hai giờ đêm đó!

-Ngủ một mạch chín giờ à? Hèn gì, người dễ chịu ghê....!

Như muốn duy trì cái cảm khác khoan khoái đó, Utako vẫn chưa chịu ra khỏi chỗ nằm.

-Khi em ngủ quay mặt về hướng kia, anh thấy em như nhỏ lại....

-Vậy sao?....

-Có phải vì em đã quen nằm đâu lưng với anh Someya không?

-Coi kìa!

Utako bèn nhỏm dậy và trừng mắt nhìn Jirô.

Utako đi về phía phòng tắm nhưng mãi một hồi lâu, Jirô vẫn chưa thấy nàng quay về.

Trong khi cô hầu phòng thu dọn nệm ngủ, Jirô ra ngoài sân đi dạo.

Utako đang ngồi trang điểm bên bàn phấn có tấm kính. Jirô dựa mình vào một thân cây cao ngoài vườn vừa nói vọng vào, trò chuyện với nàng.

-Chút nữa, có muốn ra hồ Ashinoko chơi không em?

-Ashinoko à?

-Có thể là tuyết đầu mùa đỉnh Phú Sĩ sẽ in bóng lên mặt hồ đó nghe.Trời đang đẹp mà.

-Đúng tiết Bỉ ngạn (Higan), anh nhỉ?

-Từ chỗ này, mình lấy tuyến cáp treo (cable car) leo lên rồi lấy xe buýt đi đến cuối hồ. Nghe nói là ở đó có bến để lấy tàu ngoạn cảnh (yuransen).

-Thật à?

Utako đang ngồi trước kính bèn quay mặt ra.

-Anh muốn đi à? Em ngại di chuyển quá. Chỉ muốn  ở nguyên một chỗ.

-Thế thì thôi vậy!

Jirô bèn lên lại phòng.

-Em đi tắm lâu dữ.

-Lâu lắm mới có dịp nhìn thấy núi trong khi đang tắm. Cho nên em mới mãi mê ngắm nó đấy chứ. Hồi xưa, nếu em được anh dắt đến đây thì không biết có gì sẽ xảy ra. Em đã từng mong muốn đến đây với anh và tưởng tượng hết cảnh này đến cảnh khác..

-Thật à?

Jirô gật gù:

-Thời xưa, người ta hãy còn chưa có thói quen đưa bạn gái đi suối nước nóng, em nhỉ?

-Cho nên bây giờ chỉ còn biết nuối tiếc và muốn được nghe những câu an ủi mà thôi.

Jirô không biết phải trả lời thế nào.

-Thế nhưng không sao đâu anh. Em nghĩ đối với con người, tùy theo mỗi thời đại, luôn luôn có cái mà họ cho là thiết yếu. Cái bây giờ em đang cần hơn hết là sự nuối tiếc và nhu cầu được an ủi.

Hai người lặng lẽ ăn bữa cơm sáng và cảm thấy lòng họ lắng dịu lại.

Khi cô hầu phòng vừa lui bước, Utako đã chăm chút đơm cơm mời anh làm cho Jirô hết sức ngạc nhiên vì thái độ thân mật tự phát của nàng.

Tuy cái câu Utako vừa nói đó đã đâm vào lồng ngực của Jirô nhưng anh không vì đánh mất ảo tưởng trước cái vẻ mệt mỏi, tiều tụy của Utako mà xử sự với nàng như trong buổi tối  vừa rồi. Nhưng  anh cũng không hề lo sợ về những phiền phức có thể xảy đến cho mình vào cái đêm hôm đó. Dù sao, anh vẫn khó lòng nhìn nhận hay phủ nhận nó một cách rõ ràng.

Nếu như anh đến đây với một người đàn bà mới gặp và trải qua một đêm như tối hôm qua thì sáng hôm nay anh sẽ thấy không hài lòng. Bởi vì đối với anh, người đó chưa có sự thân mật như anh đã có với Utako.

Thế nhưng, đó cũng là một chuyện  anh khó bày tỏ cho Utako.

-Ngày xưa khi chúng mình chia tay nhau, anh đã lâm vào cảnh tuyệt vọng vì nghĩ rằng mọi việc đã chấm hết nhưng rốt cuộc hai đứa chúng mình vẫn còn giữ được những tình cảm đáng trân trọng đấy em nhỉ? Những gì đáng trân trọng, mình nên trân trọng nó mãi đi em.

-Anh nói gì mà bí hiểm như một thai đố (nazo) thế!

-Một thai đố không lời giải đáp? Hay là một thai đố có thể giải đáp?

Utako lắc đầu và nói như đang tự đặt câu hỏi cho mình.

-Ngày xưa chia tay bây giờ lại gặp. Chỉ cần giữa hai người không có lòng thù hận thôi thì đã hạnh phúc lắm rồi, em nhỉ?

-Anh nói đúng đấy!

Xế trưa, chuyến xe buýt  hai giờ rưỡi chiều đã bỏ họ xuống trước ga Odawara.

Khác với hôm qua, đây là chuyến xe đi ngược đường về phía Tôkyô. Một lần nữa, hai người được ngắm tuyết đầu mùa trên đỉnh Phú Sĩ từ cửa sổ toa tàu.

-Trời không mây nên mình được nhìn rõ cho đến tận chân núi.

-Nếu mây không cuốn lên, tuyết trên đỉnh núi sẽ bị che khuất, không còn thấy gì và như thế thì chán lắm đấy.

-Anh nghĩ thế hở anh?

Không hiểu có ý gì mà tự nhiên Utako đưa tay mình chạm vào bàn tay của Jirô.

-Hôm qua em tưởng anh đã nhìn nó rồi mà! Nếu anh chỉ nhìn mỗi núi Phú Sĩ thôi thì đáng chán lắm đó.

Jirô hiểu là Utako đang cảm thấy cô sắp sửa phải chia tay anh.

-Em rất vui vì anh đưa em đến đây. Nhờ đó, em sẽ mạnh mẽ hơn.

 Biết Utako đã cố gắng rất nhiều để nói được một câu như vậy, mặt Jirô trở nên ủ dột.

Utako nhấn mạnh:

-Thật đó anh!

Nói xong cô cầm lấy bàn tay của Jirô và ấp giữa hai lòng bàn tay mình. Lúc đó, dĩ nhiên Jirô chỉ biết đưa mắt nhìn lên lớp tuyết đầu mùa trên chóp núi Phú Sĩ.

 

Dịch ngày 14/03/2023

Cập nhật 3/6/2023  

 

Xuất xứ:  

Kawabata Yasunari, Fuji no hatsuyuki (Tuyết đầu mùa đỉnh Phú Sĩ), trích Toàn tập Kawabata Yasunari ,Nxb Shinchô, 1980. 

Bên lề tác phẩm

Giống câu nói nhiều người đã biết: “Vợ chồng cũ không rủ cũng tới”, một lực nam châm nào đó và bằng một cách rất tình cờ, đã kết nối lần nữa hai người yêu nhau bị ngăn cách bởi chiến tranh và bởi cái chết của một đứa con chung. Tuy vậy, sau đó, sự việc đã không xảy ra như dự đoán, cho dù cuộc trùng phùng của hai nhân vật có sự đồng lõa của khung cảnh nên thơ và lãng mạn vùng bán đảo Izu qua các thị trấn Itô, Yumoto, Hakone, Gora ... toàn là địa danh gắn liền với các lữ quán có suối nước nóng.

Dù họ không có gì che đậy trên người và đã có thể trải lòng với nhau rất nhiều trong phòng tắm lẫn gian phòng trọ, hai không gian thuận tiện cho sự giao cảm nam nữ, thế nhưng Jirô và Utako vẫn không phá bỏ được  rào cản tâm lý phức tạp  do chiến tranh và hoàn cảnh hôn nhân hiện tại của họ tạo ra. Chúng đã ngăn chặn họ đến với nhau như chúng ta muốn. Dù vậy, phải chăng nhờ đó mà hai người yêu cũ ít nhất đã làm mới lại được tình cảm của mình để không còn giữ lại những hiểu lầm, oán hận, tiếc nuối, trách móc cũng như bao vết thương tinh thần khác.

Chiến tranh đến rồi chiến tranh đi, những cặp nam nữ gần nhau rồi lại xa nhau, dòng đời liên tục chảy đưa họ về những bến bờ không định trước. Duy ngọn Phú Sĩ thiên niên vạn đại kia vẫn đứng sừng sững giữa trời và soi mình trên mặt nước ngũ hồ (Fuji goko), để mỗi độ thu về, lại được trang điểm bằng  những hạt tuyết đầu mùa. Nhân đó, ta mới hiểu được vì sao ngọn núi ấy đã trở thành một điểm tựa tinh thần cho người Nhật,  dù họ và đất nước họ đã trải qua bao biến cố, thăng trầm.

Còn về nhà văn Kawabata, qua “Tuyết đầu mùa đỉnh Phú Sĩ”, tuy đã cố ý để lại cho độc giả một tình cảm hụt hẫng và  ẩn ức vì đoạn kết không trọn vẹn,  ông vẫn chứng tỏ được mình là người rất tinh tế trong  quan sát và đặc biệt là giỏi phân tích tâm lý nam nữ, một tài năng đã làm nên “thương hiệu” của ông.

Truyện ngắn này viết vào năm 1952, được in lần đầu trong một tuyển tập nhỏ  cùng tên ở Tôkyô năm 1958, có vẻ được độc giả Tây Phương yêu thích vì có thể giúp họ hiểu thêm về văn tài của Kawabata cũng như về tâm lý yêu đương của người Á Đông. Ít nhất, có 3 bản dịch sang 3 ngôn ngữ quan trọng nhất là Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Độc giả sành ngoại ngữ có thể tham khảo bản dịch sang tiếng Anh nhan đề  “First Snow on Fuji” của Michael Emmerich (Nxb Counterpoint, Washington D.C., 1999), bản dịch sang tiếng Pháp của  Cécile Sakai (Première neige sur le mont Fuji, Albin Michel, 2014)  và bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha của Jaime Berare Parra nhan đề “Primera Nieva en al Monte Fuji” (Nxb Belacqva, Barcelona, 2008) mà rất tiếc là chúng tôi chỉ được biết qua quảng cáo trên mạng.


[1] Ý nói mt năm hai ln, ngày gia ca khong thi gian by ngày B ngn này s là ngày Xuân phân (Vernal / Spring Equinox) hay Thu phân (Autumnal Equinox) tùy theo mùa.

[2] Fujisan: San có nghĩa là núi va có nghĩa là ngưi. Văn hóa Nht xem núi Fuji là mt v thn.

[3] Thành ph bin, nơi ngh mát ni tiếng, nm trên đưng t Tokyo xung Itô (bán đo Izu).

[4] Tức phn sát đnh núi (khong 3.000 m) vì đ cao núi Phú Sĩ tính theo nc dành cho ngưi leo núi.

[5] Dakko: tiếng trẻ con để gọi Daku (ôm ấp trong tay, ý nói có quan hệ thân mật)

[6] Có lẽ vì liên tưng đng âm gia Utai và Utako.

[7] Vẫn là đng t Daku (ôm) nhưng hàm ý mnh m hơn như “làm tình”.

 


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................

® "Khi phát hành lại bài viết của trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com)
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com