62- Mấy mẩu vải vụn (Kogire,
1944)
Nàng không hề nghĩ rằng sẽ có
một ngày nào mình phải sửa lại lần áo lót kimono đã mặc
từ hồi mười ba mười bốn tuổi.
Mấy hôm trước, khi dọn dẹp đống
quần áo mùa đông và tìm ra nó từ dưới đáy tủ áo cũ,
Miyako thấy tuy vòng cổ quá hẹp không còn mặc được nữa
nhưng tự dưng lại đem tháo nó ra ngay rồi giặt giũ cẩn thận.
Thế rồi hôm qua khi đã là xong và
đo thử, nàng thấy nó vẫn còn đủ dài, chỉ cần sửa ống tay
là có thể mặc lại bởi vì bề ngang của ống tay chỉ thiếu
độ một tấc ta (shun = 3cm).
Hai ống tay áo được làm thành từ
hai mảnh vải nối ở mức một phần ba độ dài. Miyako lẩm bẩm:
-Eo ôi! Đường viền lật ra ngoài
nhỉ!
Cùng lúc, nàng nhớ lại cái
thời mình đến tuổi mặc tấm áo lót này, vừa vặn khi ấy,
cả nhà dọn lên sống ở Tôkyô.
Mãi về sau mẹ nàng mới giải
thích cho nghe là theo phong tục ở Kansai (vùng Kyôto-Ôsaka),
thông thường người ta khâu đường viền bằng cách xếp một phân
(bu = 0,3 cm) lần lót rồi lật nó từ trong ra ngoài, trong khi
ở Kantô (vùng Tôkyô), họ cứ để nguyên thế mà khâu (không có
mặt trái mặt phải, NNT) hay lật ngược mé ngoài vào trong
lần lót. Theo bà thì cách khâu của người Kansai đỡ tốn kém
hơn nhưng cũng nói thêm rằng Miyako là một cô gái trẻ, nhiều
dịp cần phải ra ngoài.
Kể từ ngày đó, Miyako khám phá
ra rằng sinh hoạt của mẹ nàng nhất nhất đều theo phong cách
Kansai. Bà không chỉ sống với tập quán của một phụ nữ thời
trước. Nơi bà còn thấy đọng lại nét dịu dàng và sự trân
trọng đến từng chi tiết của lớp người cũ.
Mặt trái màu đỏ nơi cổ tay áo
lót tuy đã phai thắm nhưng đó là cái màu gợi bao hoài niệm
của loại hàng mút-xơ-lin (merinos). Mặt ngoài cũng làm bằng
hàng mút-xơ-lin và được trang trí với những mô hình kiểu
Yuuzen (1) rất dễ thương. Trên thân tấm áo lót bằng hàng
fla-nen (flanel) ấy là những khuôn hình mắt cáo bình dị với
hai màu vàng và hồng hoàng, vì giặt đi giặt lại nhiều lần
có hơi tơi ra nhưng vẫn là thứ vải tốt. Mút-xơ-lin hay
fla-nen là những mặt hàng giờ đây không mấy khi được thấy và
điều này chợt làm lòng nàng ấm lại. Vì vậy Miyako ước ao
được sử dụng những mẩu vải cùng loại như thế để sửa ống
tay áo.
Nơi cổ tay, vì cần nối thêm ở
mặt trong lẫn mặt ngoài, tại sao mình không ráp thêm một
mẩu vải mượn lên nền fla-nen nhỉ? Miyako vừa lấy cái hộp
đựng các mẩu vải ra vừa tự nhủ. Cái hộp ấy đến từ một
cửa hàng bán quần áo đàn ông và bên trên, nàng có dán thêm
giấy Chiyogami (2) sặc sỡ. Cái hộp này đã có từ thời nàng
còn là học sinh trường nữ trung học, và khi trang trí như
vậy, nàng muốn xác định nó là món đồ của riêng mình. Nàng
lấy những mẩu vải từ trong hộp và bày ra. Chúng nhiều đến
nổi hai đùi nàng như bị ngập dưới đống vải. Đó là những
mẩu vụn còn sót lại khi người ta may quần áo tây chứ không
phải khi may đồ ta nên chẳng thấy mẩu nào có thể dùng vào
việc nối dài một cổ tay kimono bằng fla-nen.
Tuy không tìm ra nhưng đó không
phải là điều làm cho Miyako đau khổ. Mặt khác, nàng cũng
thấy không cần phải vội vàng nên cứ ngồi yên một chỗ, duy
cái đầu hơi có hơi cúi xuống đằng trước ra chiều tư lự. Dĩ
nhiên, mỗi mẩu vải đều gắn liền với một kỷ niệm của thời
thiếu nữ. Thế nhưng những kỷ niệm đó cũng không đến nỗi
tuôn ra ào ạt trong đầu nàng, chỉ biết lúc ấy, đối với
nàng, thời gian trôi qua thật êm ả. Nàng chỉ có ấn tượng
là mỗi mẩu vải giống như một vật thể sống động, đang
chiếu những tia sáng của chúng về hướng nàng.
Nàng nhớ lại một người bạn gái
của mình dưới Kansai. Cô bé kia đã giữ lại trong một tập
ảnh tất cả các mẩu vải kimono cô có từ khi mới ra đời.
Chúng được sắp theo thứ tự thời gian cô ấy được may kimono,
mỗi lần đều có chú thích tuổi tác, năm tháng. Khi được xem
tập ảnh đó, Miyako sững sờ và có phần ganh tỵ. Nàng thấy
từ con người cô bé xinh đẹp kia như có cái gì tỏa sáng đến
lóa mắt. Sở dĩ cô gái kia có được sở thích như thế cũng
vì bà mẹ của cô ta là nhà sưu tập những mẩu vải cổ xưa.
Lúc Miyako trở về nhà và kể chuyện lại, mẹ nàng tỏ ra
khâm phục vì theo bà, đối với một đứa bé gái, có lẽ đó
là những kỷ niệm còn quí giá hơn cả tranh ảnh và sẽ làm
cho cô ấy hết sức vui mừng được nhìn lại chúng khi lớn lên.
-Mẹ không hề nghĩ tới. Cho dù
có ý tưởng đó đi nữa, mẹ cũng không đủ sức làm. Đáng lý
ra mẹ phải giữ những mẩu vải cũ cho Miyako.
-Mẹ ơi, mẹ giữ cho Miyako đi. Từ
bây giờ thôi cũng được mà! Bề gì mấy mẩu vải cũ vẫn còn
đấy chứ, mẹ nhỉ?
-Vớ vẩn thật. Ba chuyện như vậy
con nhà thường dân không ai người ta làm.
Ông bố nói như tát. Bà vợ ngơ
ngác nhìn chồng rồi nín thinh. Ông ta lại tiếp tục:
-Suy nghĩ gì mà kỳ cục. Nuôi dạy
con cái kiểu này làm sao chúng nên người được.
Trước đó, Miyako không hiểu tại
sao cha mình lại giận dữ đến vậy nhưng bây giờ nàng bắt
đầu vỡ lẽ. Không nên bị ru ngủ bởi kỷ niệm. Để lòng mình
vương vấn những chuyện thuộc về quá khứ hay muốn níu kéo
nó đều không ổn. Ở đây, điều quan trọng hơn hết là những
mẩu vải của Miyako không có một bóng đen nào che phủ lên.
Toàn là những kỷ niệm tuy bình dị nhưng trong sáng và hạnh
phúc. Trong khi đó, những mẩu vải đẹp đẽ của cô bạn kia
biết đâu chẳng mang vết tích sự ô nhục hay bất hạnh của
người mẹ hoặc người con. Phải chăng hai mẹ con đang gìn giữ
sự đau buồn của đời họ như một thứ bảo vật?
-Ô kìa! Ô kìa!
Mẹ của Miyako đến đứng bên cạnh
nàng, mắt nhìn như dò hỏi. Cô gái hơi đỏ mặt vì e thẹn.
-Con muốn sửa lại áo lót kimono
à? Chuyện không dễ đâu nhé! Nhất là ống tay, phải không?
Chắc mẹ có đủ đồ đấy. Lấy cái cái rương cũ của mẹ lại
đây coi!
Miyako lấy cái rương cũ đựng đồ
lề, nặng nề đặt nó trước đầu gối của mẹ. Bà mở nắp
rương và đưa tay thoăn thoắt kiểm điểm những xấp mẩu vải
được xếp cẩn thận bên trong như thể đang đếm giấy bạc.
-Mẩu này dành cho ống tay đây.
Còn lần lót bên trong thì phải dùng đến thứ này.
Bà vừa nói vừa rút ra một xấp
mẩu vải mút-xơ-lin có hoa văn hoa cúc nhỏ và vải cô-tông đỏ.
Miyako nhìn quang cảnh với vẻ
thán phục trước khi bật cười.
-Sao con lại cười?
-Đâu. Không có lý do gì cả. Thế
nhưng khi nhìn mẹ kiếm vải, con có cảm tưởng như có một phép
lạ vì từ trong rương mẹ muốn lấy ra cái gì cũng có.
-Chỉ vì mẹ đã quen việc thôi,
con ạ.
Bà ngắm nhìn con gái đo mấy mẩu
vải trong một khoảnh khắc rồi nói với một giọng bình thản:
-Dạo này Miyako vẫn còn viết thư
thăm cậu Tayama đấy chứ?
-Vâng, hầu như mỗi tháng một lần.
Nàng trả lời nhưng đã bỏ bớt
đến một phần ba sự thật.
-Lâu quá con nhỉ!
-Bốn năm rồi, mẹ ơi...
Miyako cảm thấy lòng nôn nao và
những muốn đặt một câu hỏi cho người mẹ nhưng rốt cuộc chỉ
cúi gầm.
-Chiến tranh đã kéo dài từ độ
tấm áo lót kimono này không còn vừa với thân hình con nữa.
-Vâng, đúng thế.
-Con đã trở thành người lớn
giữa cuộc chiến tranh.
-Nhưng con hãy còn nhút nhát lắm
mẹ ơi.
-Có nhiều điều mà khi còn trẻ,
chúng mình không bao giờ ngờ có ngày nó sẽ xảy đến đâu con ạ
...
Chưa dứt lời, người mẹ đã đi ra
khỏi phòng.
Đúng như vậy, Miyako đã trở
thành một thiếu nữ ngay giữa lòng cuộc chiến. Khi nghĩ đến
đó, những thớ tim nàng bỗng nhiên quặn thắt. Nàng đưa mắt
nhìn lên bầu trời và nghĩ về trận bão lửa của định mệnh
đối với những cô con gái mới lớn cùng trang lứa.
Tuy vậy, Miyako lại cầm lấy mũi
kim khâu. Nàng chợt thấy mình có một tình cảm trìu mến
thật tươi mới đối với những mẩu vải lót kimono cũ kỹ này.
Thêm vào đó là một cảm giác kỳ lạ. Nàng thấy như thể
những mẩu vải đó - trong suốt thời gian cuộc chiến kéo dài
– từ dưới đáy rương cũng đã âm thầm chờ đợi nàng.
Nàng mới khâu xong một bên ống tay
áo thì bà bác của nàng vừa tới. Nhân có tiếng bước mạnh
mẽ như đàn ông đi bên cạnh bà, Miyako chần chờ chưa muốn đứng
dậy nhưng mẹ nàng đã ra ngoài cửa đón tiếp họ.
Khi đưa khách vào nhà, mẹ nàng
đi ngang qua cánh cửa phòng mà không hề lên tiếng gọi con
gái khiến cho nàng hơi lấy làm lạ. Thế nhưng chẳng mấy
chốc, cánh cửa kéo fusuma ngăn hai căn phòng đã mở hé. Mẹ
nàng nói mà như chỉ để mình nghe:
-Thật khó xử với bác Shimamura
của mày quá ... Mẹ lấy trà ra mời bác ấy đây, con pha hộ
mẹ nhé?
Bà nhờ Miyako như vậy rồi quay
ngoắt lại phía phòng khách, khuôn mặt hơi bối rối.
-Bác Shimamura định giới thiệu
cho mình một đám nào đó chăng?
Miyako tự hỏi, lòng lo lắng.
Nàng sửa soạn bình trà rồi không hiểu vì sao lại đi ra gian
tiền đường. Nàng thấy một đôi ủng sĩ quan ai cởi ra để đó.
Lại có một chiếc mũ lưỡi trai được đặt trên bậc thang.
Miyako chìa tay ra, chần chờ một chút rồi nhẹ nhàng nhấc
lấy nó và gác lên cao. Nàng trở lại phòng mình, cầm lấy
kim khâu nhưng lần này cánh tay chợt cứng ra và bàn tay có
hơi run.
-Miyako ra chào bác đi con.
Tiếng người mẹ gọi nàng từ
phía hành lang.
Bà bác Shimamura giới thiệu trung
úy Ôsawa với nàng rồi tiếp tục nói sau khi đưa mắt liếc
nhìn cô cháu thật nhanh:
-Này cháu Miyako! Trung úy Ôsawa
phải đi ngay đó. Cháu có tiễn được ra đến ga không?
Tuy là nhờ nhưng giọng bà giống
như ra lệnh.
-Vâng ạ!
Lính quính không biết phải làm
sao, Miyako nhón chân đứng dậy rồi lại quì một bên gối lên
mặt chiếu. Mẹ nàng đi ra trước về phía hành lang vừa ra
hiệu cho nàng bằng mắt và thì thầm:
-Mẹ đã trình bày cho họ xong
chuyện cậu Tayama rồi. Vậy Miyako cứ lễ phép tiễn chân trung
úy ra ngoài ga đi con!
Miyako chợt cảm thấy có luồng hơi
nóng bừng lên đôi mắt và một tình cảm thỏa nguyện lan ra khắp
châu thân.
Hai người vừa mới ra khỏi cổng
được bảy tám bước thì trung úy Ôsawa chợt đứng lại:
-Thôi, để tôi ở đây cũng được.
Xin lỗi đã làm phiền cô!
-Dạ không sao đâu. Để em tiễn
trung úy ra tận ga.
Miyako trả lời và lần đầu tiên
Miyako ngước mắt lên nhìn khách.
Anh ta có vẻ suy nghĩ:
-Cũng được. Xin mời cô đi cùng
vậy.
Người sĩ quan nói với giọng cả
quyết.
Anh ta kể cho cô hay là nhân lãnh
một công vụ, anh được lui về hậu phương khoảng hai tuần lễ
nhưng sẽ ra tiền tuyến trở lại. Bác Shimamura của nàng bảo
là nếu anh có ý định lập gia đình, bà sẽ làm mai cho một
người thật xứng đáng.
-Như cô cũng biết tính bác ấy
đấy, bác lôi tôi đi mà chẳng nói trước gì cho tôi cả. Rồi
chúng tôi lại đột ngột đến thăm nhà mà không thông báo cho
gia đình cô hay. Xin lỗi cô thật nhiều vì đã quấy rầy, cô
nhé.Thế nhưng bà bác của cô đã nhắc đi nhắc lại với tôi
rằng cô là một người con gái tuyệt vời và quả đúng như
vậy.
Miyako không biết trả lời làm sao.
Nàng cảm thấy một nỗi buồn thật thanh khiết nhưng nó lại
giống như sự bình yên trong sáng. Hình bóng của Tayama bỗng
dưng hiện ra trong tâm trí nàng.
-Cảm ơn cô đã tiễn tôi.
Trước quầy bán vé, viên trung úy
làm một cử chỉ trang trọng: anh chào Miyako theo kiểu nhà
binh.
-Cô nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!
Anh ấy nhìn mình kìa, Miyako tự
nhủ, và cảm thấy như bị người đàn ông kia cuốn hút. Nàng
không biết phải đối phó làm sao, đành để cho nước mắt ứa
lên. Anh ấy có một cái nhìn không khác gì Tayama. Những
người ra đi đều có chung cái nhìn như thế hay sao?
Tayama và nàng chưa hề trao đổi
một lời giao ước. Thế nhưng cái nhìn của anh ấy vẫn còn
sống trong lòng nàng và đã giúp nàng trưởng thành từ bốn
năm qua. Thế là đã đủ đầy ắp khiến cho giờ đây nàng phải
tìm cách xóa khỏi trái tim mình cái nhìn của viên trung úy.
Thế nhưng, cùng một lúc, nàng lại không muốn quên nó để
còn có thể cầu nguyện cho anh.
(Dịch ngày 20 tháng 11 năm 2018)
(1) Yuuzen (Hữu Thiền) là một
nghệ nhân thời Edo đã nghĩ ra phương pháp nhuộm và trang trí
hàng vải nổi tiếng mang tên mình.
(2) Chiyogami (Thiên đại chỉ):
Giấy trang sức nhiều màu có hoa văn hoa, cỏ, nai vv..in bằng
mộc bản.
Xem tiếp : [ 63-
Bộ đồ đi ngựa ] |