67- Kẻ trộm cành dâu bạc
(Gumi nusutto, 1925) (1)

Hiu hiu làn gió,
Thổi mùa thu về.
Cô bé học sinh tiểu học vừa hát như
vậy khi men theo con đường núi về nhà.
Lá những cây sơn đã nhuộm sắc đỏ. Căn
gác hai của cái tiệm ăn nhỏ cũ kỹ làm như không biết đến gió thu vẫn
để cửa mở toang. Từ con đường nhìn lên nơi đó, có thể thấy cả những
bờ vai của mấy anh thợ vỡ đất đang lặng lẽ chú tâm vào canh bạc.
Anh chàng phát thơ ngồi bệt xuống
hiên nhà, thọc ngón tay cái ấn vào bên trong đôi giày vải (tabi) (2)
đã rách để chỉnh lại. Anh ta đợi người đàn bà vừa nhận xong cái bưu
kiện nhỏ đi trở ra.
-Này, có phải bộ áo đó không em?
-Đúng, chính nó.
-Ừ, anh cũng nghĩ đã đến mùa phải gửi
áo kép.
-Bực mình ghê. Làm như mọi chuyện của
em anh đều biết hết...
Giờ đây người đàn bà đã mặc kimono
kép mới toanh mà cô vừa lấy ra khỏi bọc gói bằng giấy quang dầu. Cô
ngồi xuống hàng hiên và vuốt lại những nếp vải nhàu trên đầu gối.
-Không biết sao được. Này, thơ người
ta gửi cho em hay thơ em gửi đi tôi đều đọc hết.
-Bộ anh tưởng những gì viết trong thơ
đều là sự thật hay sao? Nó không phù hợp với cái nghề em làm.
-Nhưng tôi thì không đi theo một cái
nghề gian dối như em.
-Thế hôm nay có ai gửi cho em lá thư
nào không?
-Không.
-Cả loại thư không dán tem?
-Cũng không nốt.
-Cái mặt anh đáng nghi quá! Em cho
anh vay nhiều rồi đó nghe. Coi bộ chừng nào anh thành bộ trưởng bưu
điện, anh dám đặt ra luật miễn dán tem cho mấy bức thư gạ tình lắm,
thế nhưng nay chưa phải lúc đó đâu nhé! Bây giờ anh chỉ biết viết
mỗi mấy câu tán tỉnh cũ rích như kẹo Triều Tiên bị ỉu (3). Chao ôi,
đem thư mình viết ra rồi đi phân phát và bảo là thư của em đây nè.
Trả tiền phạt đi. Ít nhất là tiền tem. Em đang cần tiền tiêu vặt.
-Nói nhỏ chút coi!
-Thế thì xùy tiền ra đi!
-Chịu thua em thật!
Anh ta mới móc trong túi ra một đồng
tiền bằng bạc và thảy nó xuống hiên nhà. Nhặt giây xách kéo cái túi
da về phía mình, anh vươn vai đứng dậy.
Một anh thợ vỡ đất với mỗi manh áo
vắt vai xuống nhanh như tuột từ căn gác hai. Nhìn cặp mắt và cái mũi
nhọn sắc, có cảm tưởng như Đấng Tạo Hóa đã đặt nó lên mặt anh ta
trong lúc ngài buồn ngủ vì đã chán chê cái việc chế tạo loài người.
-Tiền để rơi đó à? Cho mượn đỡ đồng
50 sen kia nghe, chị cưng!
-Nói gì kỳ cục vậy, cha nội.
Cô vội vã nhặt đồng bạc lên và nhét
vào bên trong giải obi.
Một đứa bé chạy đuổi theo cái niềng
bánh xe nó đang đánh. Âm thanh của kim loại vang lên tiếng động của
mùa thu.
* * *
Cô gái con nhà người đốt than vác một
bị than trên lưng đi xuống núi. Cô còn đèo thêm một cành dâu bạc
thật lớn, oai phong như Cậu bé quả đào (Momotarô) (4) từ đảo Quỷ
vương (Onigashima) trở về. Cành lá màu xanh (bạc) ấy chi chít những
quả dâu chín đỏ, tựa hồ một nhánh san hô.
Cô mang cả than lẫn cành dâu xuống
dưới làng là để đi cảm ơn một ông bác sĩ.
-Chỉ biếu than thôi thì có được không
hả bố?
Trước khi ra khỏi túp lều đốt than,
cô đã hỏi người cha đang nằm trên giường bệnh.
-Con thưa với thày là nhà mình chẳng
có gì ngoài mớ than.
-Nếu là than bố đốt thì đủ lễ rồi đó
nhưng đây là than con đốt cơ mà. Con mắc cỡ quá. Hay là mình đợi lúc
bố khỏe đi đốt lấy thì có hơn không?
-Lên núi kiếm thêm ít quả hồng đi vậy.
-Mình làm thế nhé!
Tuy nhiên, giữa khi chưa hái trộm
được quả hồng núi nào thì cô gái đã xuống tới vùng có ruộng lúa mất
rồi. Màu đỏ tươi tắn những cây dâu bạc mọc bên bờ ruộng đã quét sạch
khỏi đôi mắt cô niềm u ẩn của người đang muốn trộm đồ. Cô đưa tay
lên víu lấy cành. Cành chỉ oằn mà không gãy. Cô lại đưa hai tay lên
đu và kéo thật mạnh. Bất chợt một cành lớn bị gãy lìa khỏi thân cây
khiến cho cô té bệt mông dưới đất.
Vừa cười thật tươi vừa nhón vào mồm
hết quả dâu này đến quả dâu khác, cô tiếp tục đi xuống phía làng.
Nhựa chát của quả làm tê tê đầu lưỡi. Có mấy cô bé tiểu học đang
trên đường từ trường về:
-Cho em xin!
-Cho em xin!
Cô gái mỉm cười và lẳng lặng chìa
cành cây đỏ thắm như nhánh san hô về phía chúng. Năm sáu đứa trẻ
thay nhau bứt những chùm quả đỏ cho mình.
Cô gái đã tới làng. Người đàn bà
trong cái quán ăn nhỏ đang ở ngoài hiên.
-Ôi chao, đẹp quá! Dâu bạc phải không
nào? Em đem đi đâu vậy?
-Đem biếu ông bác sĩ.
-Có phải em là người mà gia đình đã
đem cáng xuống rước bác sĩ lên núi khám bệnh đấy không? ......Dâu
này còn đẹp hơn mấy viên kẹo đỏ Triều Tiên. Cho chị một quả!
Cô gái chìa cành dâu bạc về phía
trước. Khi cành cây nằm ngang đùi của người đàn bà thì cô bỏ tay ra.
-Thế chị xin có được không?
-Được ạ.
-Nguyên cả cành cơ à?
-Vâng, phải.
Cô gái như ngơ như ngẩn trước bộ
kimono kép bằng tơ Meisen (5) của người đàn bà. Thẹn đỏ mặt, cô vội
vã đứng lên rồi đi khuất.
Người đàn bà nhìn xuống cành dâu bạc
dài ít nhất hai lần rưởi bề ngang đùi mình và ngạc nhiên không kém.
Cô nhón một quả vào miệng. Cái vị chua và lạnh làm cô nhớ lại ngôi
làng xưa của mình, nơi người mẹ từng gửi tấm kimono kép cho cô nay
cũng không còn ở đó nữa.
Đứa bé chạy đuổi theo cái niềng bánh
xe nó đang đánh. Âm thanh của kim loại vang lên tiếng động của mùa
thu.
Người đàn bà cho tay vào giải obi
được che bởi cành dâu quả đỏ như nhánh san hô và lấy ra cái đồng bạc
50 sen. Cô gói nó trong mảnh giấy và ngồi đợi cô gái con nhà người
đốt than khi đi qua đây trên đường về.
Có cô bé học trò vừa men theo con
đường núi về nhà vừa cất tiếng hát:
Hiu hiu làn gió,
Thổi mùa thu về.
(Dịch ngày 27 tháng 11 năm
2018)
(1) Dâu lá bạc (éléagne, silverberry)
; Dịch mô phỏng từ tiếng Anh silverberry. Tiếng Hán là thù du hay hồ
đồi tử (theo Từ điển Kôjien). Xin đừng nhầm với hồ đào (kurumi, hạt
óc chó). Có nơi dịch là quả nhót (Từ điển Lê Khả Kế).
(2) Tabi vừa là tất đi với kimono vừa
là giày vải có đế dày để lao động hay đi đường. Tabi ở đây thuộc
nghĩa thứ hai.
(3) Nguyên văn “kẹo Triều Tiên bị
thối” (kusatta Chôsen.ame).
(4) Nhân vật truyện nhi đồng vốn sinh
ra từ quả đào. Đã dắt theo binh tướng (khỉ, chim trĩ và chó) đi diệt
lũ quỷ tác hại dân lành.
(5) Meisen: một loại lụa do vài thành
phố vùng Kantô (miền Đông Nhật Bản chung quanh Tôkyô) sản xuất.
Xem tiếp : [ 68-
Chim thước ] |