Tân tự do và Tư bản Giám sát

Big Tech on the Antitrust Hot Seat and 3D Printing « Fabbaloo

 

Phạm Vũ Thịnh

 

Chủ nghĩa Tân tự do tạo điều kiện cho hình thái "surveillance capitalism - tư bản giám sát" phát triển mạnh. Chủ nghĩa Tân tự do và hình thái tư bản giám sát là hai khái niệm có liên quan với nhau và có tác động lớn đến cách chúng ta sống và làm việc trong thế kỷ 21. 

Chủ nghĩa Tân tự do là một học thuyết kinh tế chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do, bãi bỏ quy định và hạn chế can thiệp của chính phủ. Nó đã trở thành hệ tư tưởng kinh tế thống trị trong hơn 40 năm nay. 

"Surveillance capitalism - tư bản giám sát" là một thuật ngữ do Gs Shoshana Zuboff đặt ra để mô tả một hình thái mới của chủ nghĩa tư bản, đã xuất hiện trong thời đại kỹ thuật số hiện tại. Trong hình thái kinh tế tư bản này, các công ty công nghệ cao thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ về hoạt động trực tuyến - online để dự đoán hành vi của chúng ta mà mục đích ban đầu là để bán cho chúng ta các sản phẩm và dịch vụ. Dần dần, họ phát hiện ra rằng có rất nhiều dữ liệu dư thừa vốn không cần thiết trong việc cung cấp hoặc cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ cho người dùng; đồng thời họ hiểu ra rằng còn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa bằng cách thu thập, phân tích và buôn bán trong giới kinh doanh với nhau, cả những thặng dư về dữ liệu hành vi lẫn những dự đoán về hành vi tương lai của người dùng.  

Giờ đây khi tư bản giám sát đã phát triển, chúng ta biết rằng dữ liệu đủ loại của chúng ta đang được thu thập bởi nhiều công ty, tất cả đều đang buôn bán chia sẻ dữ liệu ấy với nhau. Có nghĩa là các nhà tư bản giám sát hiện có quyền truy cập vào một khối lượng lớn dữ liệu về hành vi của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết hay không hề chấp thuận; khối dữ liệu đó họ có thể sử dụng để dự đoán hành vi trong tương lai của chúng ta và ảnh hưởng đến các lựa chọn của chúng ta, và không biết còn có dụng đồ gì khác nữa. 

Có một số khác biệt chính giữa chủ nghĩa Tân tự do và hình thái tư bản giám sát. Chủ nghĩa Tân tự do là một học thuyết chính trị và kinh tế, trong khi hình thái tư bản giám sát là một hình thức kinh doanh mới của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Tân tự do quan tâm đến cấu trúc tổng thể của nền kinh tế, trong khi hình thái tư bản giám sát tập trung vào việc thu thập và sử dụng dữ liệu của người dùng. 

Gs. Shoshana Zuboff lập luận rằng tư bản giám sát nảy sinh từ một tập hợp các điều kiện cụ thể, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản Tân tự do. Sự chuyển đổi qua chủ nghĩa Tân tự do trong chính sách quốc gia đã dẫn đến việc chính phủ liên bang hạn chế tối thiểu việc can thiệp vào lĩnh vực máy tính và viễn thông. Điều này đã cho phép các công ty công nghệ cao hoạt động với rất ít quy chế, dẫn đến sự trỗi dậy của tư bản giám sát. Sự trỗi dậy của hình thái tư bản giám sát đã có thể xảy ra là nhờ các chính sách Tân tự do đã được thực hiện trong vài thập niên qua. Như thế, giữa chủ nghĩa Tân tự do và tư bản giám sát đã có mối quan hệ nhân quả. 

Một mặt, chủ nghĩa Tân tự do đã tạo ra các điều kiện cho phép hình thái tư bản giám sát phát triển. Việc bãi bỏ quy chế lên các ngành công nghiệp, phát triển của thị trường toàn cầu và sự suy giảm của luật lệ về quyền riêng tư của cá nhân, tất cả đã giúp các công ty kỹ thuật cao thu thập và buôn bán dữ liệu của chúng ta dễ dàng hơn. 

Mặt khác, hình thái tư bản giám sát cũng đã củng cố các nguyên lý của chủ nghĩa Tân tự do. Bằng cách thu thập dữ liệu về hành vi của chúng ta, các công ty có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, dữ liệu do hình thái tư bản giám sát thu thập có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo, điều này càng củng cố sức mạnh của thị trường.  

Cả chủ nghĩa Tân tự do và hình thái tư bản giám sát đều muốn có chính phủ nhỏ với các quy chế tối thiểu. Bởi cả hai đều tin rằng thị trường tự do hoàn toàn là cách tốt nhất để phân bố nguồn lực (vốn, tài nguyên, thiết bị)thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế sẽ kìm hãm sáng kiến và tăng trưởng kinh tế. 

Quan hệ giữa chủ nghĩa Tân tự do và hình thái tư bản giám sát là con đường hai chiều. Mỗi bên đã giúp định hình bên kia, và cùng nhau, đã tạo ra một hệ thống kinh tế mới vừa mạnh mẽ vừa có sức xâm nhập sâu rộng vào cuộc sống của mọi người.  

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về cách chủ nghĩa Tân tự do đã góp phần vào sự trỗi dậy của hình thái tư bản giám sát: 

• Việc bãi bỏ quy chế của ngành công nghệ cao đã cho phép các công ty thu thập và buôn bán dữ liệu riêng tư cá nhân của chúng ta  mà không cần sự đồng ý của chúng takhông muốn chúng ta để ý đến.

• Phát triển của thị trường toàn cầu đã giúp các công ty thu thập dữ liệu về mọi người từ khắp nơi trên thế giới dễ dàng hơn.

• Sự suy giảm của luật lệ về quyền riêng tư khiến mọi người khó bảo vệ thông tin cá nhân của mình hơn. 

Những yếu tố này đã tạo ra một môi trường trong đó hình thái tư bản giám sát phát triển mạnh. Các công ty có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu về hoạt động trực tuyến của chúng ta và sử dụng dữ liệu này để nhắm vào mục tiêu là chúng ta mà quảng cáo, phân tích và dự đoán hành vi của chúng ta. Việc thu thập và phân tích dữ liệu này thường được thực hiện mà chúng ta không hề biết hoặc không đồng ý. 

Có thể thấy rằng Tư bản giám sát đã dựa vào Chủ nghĩa Tân tự do vốn chủ trương tự do tối đa, thậm chí hoàn toàn, của thị trường, để vươn vòi hút đến tận từng người dân mà tận lực khai thác đủ loại dữ liệu riêng tư của đời sống cá nhân, và dự đoán cả hành vi tương lai của người tiêu dùng, thành thương phẩm buôn bán kiếm lời cho các công ty.  

Sự trỗi dậy của hình thái tư bản giám sát đã làm dấy lên nhiều lo âu về quyền riêng tư, an ninh của cá nhân, và sự xói mòn của nền dân chủ. Nhiều người lập luận rằng hình thái tư bản giám sát là một hình thức giám sát của các công ty, hủy hoại các quyền cá nhân của chúng ta. Những người khác cho rằng đó là một hình thức giám sát còn được các chính phủ sử dụng để kiểm soát và thao túng dân chúng.  

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa Tân tự do và hình thái tư bản giám sát phức tạp và đa dạng, là một vấn đề hẳn sẽ còn được tranh luận trong nhiều năm tới, vì ảnh hưởng sâu rộng lên đời sống của mọi người. Nhất là khi kỹ thuật AI - Trí tuệ nhân tạo càng ngày càng phát triển nhanh chóng, giúp tăng tốc, khuếch trương quy mô và ảnh hưởng của Tư bản giám sát. 

Cần nhắc lại lời nhà tư tưởng Gs. Noam Chomsky đã nói về Chủ nghĩa Tân tự do:

"Dân chủ kiểu Tân tự do thay vì tạo nên công dân - citizens, thì tạo ra người tiêu dùng - consumers. Thay vì tạo nên các cộng đồng - communities, lại tạo ra các trung tâm mua sắm - shopping malls. Kết quả cuối cùng là một xã hội hạch-nhân-hóa gồm những cá nhân thờ ơ cảm thấy mất tin tưởng và bất lực về xã hội. Rốt cuộc, Chủ nghĩa Tân tự do - Neoliberalism là kẻ thù trước mắt và quan trọng nhất đối với nền dân chủ thực sự có dân chúng tham gia, không chỉ ở nước Mỹ mà trên khắp hành tinh, và vẫn còn là kẻ thù trong tương lai gần."

Phạm Vũ Thịnh

Sydney 22/07/2023


® "Khi phát hành lại thông tin từ trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả 
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"

Cảm tưởng, ý kiến xin gởi về  t4phamvu@hotmail.com