Dí … dỏm
“Dí” dùng để diễn tả hành động dồn ép, rượt đuổi người hay thú vật vào một góc hay chân tường để dễ điều khiển. “Dỏm” dùng để diễn tả cái gì đó không thật, không đẹp, hay không có gía trị như hàng dỏm, đồ dỏm, kỹ sư dỏm, tiến sĩ dỏm, thậm chí bây giờ còn có thêm Việt kiều dỏm nữa. Không nhớ rỏ thời điểm nào và ở đâu tui nghe ai đó dùng hai chữ “dí dỏm” để tán dương hay khen tặng cho người đã nói ra lời hay lẽ đẹp có hàm chứa một nội dung vui tươi và hài hước. Người miền Tây quê tui hay dùng “ăn nói mặn mà có duyên” để khen mấy cô ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép đối với cô bác lớn tuổi, nhứt là các bà đi lựa dâu trong bếp nhà nào có đám tiệc, giỗ quải hay cưới hỏi. Điệu bộ đi đứng, cung cách xưng hô chào hỏi, eo thon mông tròn gần như là những điều kiện ắt có và đủ của mấy bà mẹ chồng tương lai. “Nhí nhảnh” thì cũng có nghĩa gần như “dí dỏm” nhưng cô nào không may bị phán nhí nhảnh thì chắc phải về nhà học ăn học nói lại, chậm rãi không đùa cợt, chờ hàng xóm có tiệc tùng lần tới. “Vô duyên chưa nói đã cười Chưa đi mà chạy hởi người vô duyên” “Lí lắc” có lẽ là hai từ gần nghĩa nhứt với “dí dỏm” nhưng có hàm ý hành động nghịch ngợm, phá rối. “Dí và Dỏm” suy diễn theo sự kiện. Hồi còn nhỏ ở quê, khi có khách xa tới thăm và ở lại dùng cơm, anh em tui xúm lại dí con gà tơ, do Má lựa, cho nó chạy vô bụi rồi bắt nấu cháo làm gà xé phai với bắp chuối hột, dai và ngon chấm nước mắm hay muối tiêu hết xẩy luôn. Muỗi mòng nhiều lắm ở đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi ngày mấy anh em tui chia ra dí 20 con bò vô chuồng, đốt rơm ung muỗi xong hạ mùng cho bò ngũ. Đêm gió to làm mùng tung lên, mấy con bò bị muỗi cắn lấy đuôi đập nghe bành bạch. Đôi khi nghe bò rống nhiều lần trong đêm, Tiá tui phải ra chặn mùng lại vì đêm đó có mòng. Con mòng giống như con ruồi nhưng to hơn, bị nó chích đau lắm. Người thì bị nhức đầu nóng lạnh, trâu bò bỏ ăn cả mấy ngày. Trước năm 1960 hầu hết nông dân miền Tây cày bừa ruộng đất nhờ vào trâu ở vùng xa lầy lội. Ông Nội và anh em Tiá tui khai hoang vùng ven kinh rạch, những nhánh nhỏ chằng chịch của sông Hậu giang nên có thể dùng bò canh tác lúa nàng Tây và Tàu binh theo mùa nước lụt, hay còn gọi là mùa nước nổi. Mùa lúa bắt đầu từ tháng Chạp cho tới tháng Sáu âm lịch. Gặt lúa đem về nhà, đốt rạ xong cày, tiếp theo là bừa cho đất nhuyễn ra, tới xạ lúa rồi chờ mưa. Mưa nhiều làm nước dâng lên gây lụt lội nhưng người dân quê tui cần lắm. Nước lụt mang phù sa vun bón cho lúa, mang tôm cá từ biển hồ Tonlesap xuống giúp dân cư đồng bằng sông Cửu Long sinh sống thoải mái với tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng với câu “Rau trên đồng, cá dưới sông”. Ra đồng ruộng vào mùa làm lúa nghe người gom lúa, đi cày, hay đi bừa ra lịnh mấy con bò nào là “dí”, “thá”, hay ‘hò”. Không biết mấy con bò có hiểu tiếng người không nhưng làm theo tiếng la râm rấp. “Dí” thì bò quẹo trái. “Thá” thì bò quẹo phả. “Hò” thì bò đứng lại. Cho tới bây giờ tui cũng chưa hiểu tại sao người nông dân không dùng “Trái”, “Phải”, hay “Đứng”, những tiếng gần gũi được xử dụng hằng ngày trong dân gian. Hàng dỏm, đồ dỏm thì thời nào cũng có. Đồ dỏm là không tốt nhưng xài được, mặc dù không đẹp hay không bền như đồ thật. Hồi còn nhỏ mặc quần áo Má tui mua, không bao giờ để ý đến đồ dỏm hay đồ hiệu, miễn có đồ mới mặc là sung sướng lắm rồi. Hơn nữa ở quê làm gì biết đến hàng hiệu như Pierre Cardin, Yves Saint Laurent, …. Lớn lên một chút tui nghe mấy ông nhậu ở lối xóm chê rượu Gò Đen dỏm vì không “trong”, hay nếp than Bà Điểm dỏm vì nếp hơi qúa “lợn cợn“. Cho tới bây giờ tui cũng chưa có dịp thưởng thức hai loại rượu nổi tiếng của miền Tây nầy. Nếu có dịp xem xét thì chắc tui cũng đoán được thiệt hay dỏm qua độ “trong suốt” của rượu Gò Đen. Chỉ hy vọng thôi chớ bây giờ gian thương cho mấy giọt thuốc rầy vô chai thì rượu đục thành trong ngay tức khắc, dán nhãn hiệu Gò Đen bán cho tới ngày có người bị trúng độc đứt ruột chết vì liều lượng thuốc rầy trong chai rượu giả quá cao. Sau khi cho gia đình hay tin tui đậu Tú Tài, Tía mừng lắm kêu Má cho tiền thưởng để rũ mấy thằng bạn ăn nhậu sau mấy tuần lễ hồi họp chờ kết quả. Đây là lần đầu tiên tui uống rượu mạnh mà không phải rượu đế. Rượu cognac hiệu “Martial” và rượu nếp than “Bà Đen” do một lò trong vùng cất nấu nhưng lấy tên của một vùng lân cận của lò rượu chính hiệu con nai vàng “Bà Điểm”. Hầu hết người Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam khá giả nói riêng, vì bị ảnh hưởng Pháp, rất thích uống rượu cognac Tây hiệu Martell pha với nước sủi bọt Perrier khi có tiệc tùng. Người Hoa Chợ Lớn khai thác đặc điểm nầy cho ra cognac Martial, giá rẽ hơn cognac Martell rất nhiều, hy vọng cạnh tranh với hàng hiệu chính cống nhờ vào chữ “Mart…” và đâu có bao nhiêu người trong dân gian biết sự khác biệt về mùi vị của hai loại rượu nầy. Đến một quán nhậu bên lề đường ở dốc cầu Cái Sơn, tui cùng với 3 thằng bạn vừa có cái bằng hộ mạng, gọi đồ nhậu đặc biệt của quán, bò nướng ngói và cháo bò, đặc sản của thành phố Long Xuyên với 1 lít rượu nếp than. Ông chủ quán lấy cái quặn có dung lượng 1 xị múc rượu từ cái “can” màu nâu đổ vô chai trong khi bà chủ mang cái lò than rực lửa nổ tí tách tới bàn. Đặt miếng ngói đỏ cong cong hình lưỡi liềm lên lò than xong cho mắm nêm, dĩa thịt bò có mùi xã ướp, và dĩa rau sống gồm có khế, chuối phổi, dưa leo, rau thơm, giá …. và bánh tráng rất xôm tụ lên bàn. Tụi tui bắt đầu nhập tiệc khi mùi thịt bò nướng xã từ tên miếng ngói vừa bốc lên thơm phứt. Rượu nếp than màu nâu nâu được rót vô một cái chung nhỏ. Tụi tui xoay vòng uống cạn ly mỗi lần. Rượu thơm và ngọt nên rất dễ uống mặc dù có hơi lợn cợn của xác nếp trong đó. Xoay được 3 hay 4 vòng, mồi còn mà hết rượu. Đang định bụng kêu thêm thì ông chủ mang chai cognac Martial tới bàn. Nếp than hết rồi, ông nói. Thấy mấy chú ăn mừng thi đậu Tú tài, có tương lai sáng lạng làm ông nghè ông cống, tập uống rượu Tây lần lần cho quen. Tui sẽ lấy giá rẽ để chia vui. Thấy giá cả cũng không quá mắc so với 1 lít rượu nếp than tụi tui đồng ý. Đã xỉn xỉn cầm ly rượu Tây đưa lên mũi hít hít xong tui ực một cái. Vị đăng đắng rất nồng và hơi cay nhưng có hậu ngọt khi xuống tới cuống họng. Tui nghe nóng rang cả người. Xoay được 2 vòng, chưa được nửa chai Martial là ù tai, mắt mờ, đầu óc quay cuồng không còn làm chủ bản thân. Gọi ông chủ tính tiền bàn xong, chia tay mấy thằng bạn tui mang chia rượu lái Honda về nhà trọ. Không biết tui lái xe ra sao khi say xỉn nhưng có lẽ Trời Phật đã phù hộ cho về tới nhà an toàn. Đầu óc quay cuồng đi đứng không vững. Nằm xuống định ngũ nhưng nhắm mắt lại thì nghe quay dữ hơn và muốn ói không chịu nổi. Bật dậy tui chụp lấy cái “bô” gần đó cho chó ăn chè mấy lần luôn đêm đó. Nhức cái đầu quá xá khi thức dậy. Xách cái bô đầy chiến lợi phẩm đi đổ, nghe mùi mà muốn bắt ói nữa. Kềm giữ lắm mới không cho ra, cứ vuốt ngực nuốt vô. Vô phòng nằm một chút nữa, thấy có vẽ hơi ổn tui lo đi đánh răng xong còn đi thăm an ủi thằng bạn thân kém may mắn trong kỳ thi nầy. Tui đã năn nỉ dữ lắm nhưng nó không chịu đi nhậu tối hôm qua vì buồn. Vừa hớp một ngụm nước là nghe xây xẩm, đầu óc quay cuồng như tối qua, tui bỏ cái bàn chải và chai kem chạy vô phòng trùm mền kín mít. Chiều hôm đó Tía sai thằng em chở tui về trong quê giam lỏng một tuần lễ. Kỹ sư, tiến sĩ dỏm, hay giả, thì thời nào cũng có chỉ khác là nhiều hay ít thôi. Tui về thăm nhà năm 1974 trúng ngay ngày đám cưới cô em gái con người cậu. Ngày đưa dâu qua nhà chồng, Má tui dắt qua thăm bà Sáu em ruột Ông Ngoại ở kế bên nhà đàn trai. Chào hỏi xong xuôi ngồi nghe Má tui và bà Sáu bàn bạc chuyện mai mối cho đứa em nào đó trong dòng họ gần. Đang ngồi dòm ngó xung quanh nghe bà hỏi: Nghe nói con đi học kỹ sư điện tử hả? Dạ, tui trả lời. Cái Tivi của bà hư, bà nói tiếp. Mấy hôm trước có kêu thằng thợ vô sửa mà nó lấy mắc quá. Phải biết con ghé bà chờ cho đỡ tốn tiền hén. Hú hồn. Hên cho tui. Nếu anh thợ kia sửa cái Tivi không xong thì chắc tui mang tiếng kỹ sư dỏm rồi. Học tới năm thứ 3 tui chỉ biết cái tran-sít-to hoạt động như thế nào thôi chớ có biết kết cấu của Tivi như thế nào đâu mà sửa. Sau nầy học lóm mới có chút hiểu biết về Tivi. Thời bấy giờ hầu hết còn dùng bóng đèn, mỗi bộ phận một bóng, bóng cho ăng ten thu sóng, bóng khuếch đại sóng, bóng chia sóng hình và tiếng, bóng khuếch đại âm thanh, bóng khuếch đại chiều cao, và bóng khuếch đại chiều ngang cho ra điện cao thế làm sáng màn hình. Tùy theo bịnh lý người thợ chỉ cần thay đúng cái bóng là xong. Sau khi chính phủ thay đổi chính sách nhằm mục đích kêu gọi ngoại quốc vào đầu tư và người Việt hải ngoại đóng góp xây dựng đất nước năm 1986, thành phần trí thức dỏm nầy tăng gia nhanh tới chóng mặt luôn. Lúc đầu vì tỉ giá tiền tệ chênh lệch quá cao, cộng thêm giá sinh hoạt ở Việt Nam quá thấp nên mang vài xấp đô la về ăn xài thoải mái cả tháng. Không biết ở nước ngoài làm gì nhưng khi được hỏi thì một số người không ngần ngại trả lời là kỹ sư công nghệ điện tử, mặc dù không có một chút hiểu biết về nó. Dần dà dân anh chị làm ăn không đàng hoàng trong nước thấy cái mã kỹ sư Việt kiều có thể gạt người nhẹ dạ, bày ra trăm mưu ngàn kế bất chấp đạo đức để kiếm tiền. Sau một thời gian gia đình bị mất tiền của, con gái bị xâm hại, nhận ra mình bị gạt thì chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời vì mấy thằng “kỹ sư dỏm”. Từ đó người ta cẩn thận hơn khi tiếp xúc với kỹ sư Việt kiều. Hiện tượng kỹ sư Việt kiều dỏm gần như không còn nữa. Ngược lại Tiến sĩ dỏm và Tiến sĩ giả thì gia tăng. Chu ý: Thành thật xin lỗi các anh các bác Tiến sĩ thực thụ vì cá nhân tui rất kính nể và ngưỡng mộ những ngưởi trí thức, học cao hiểu rộng, không có ý quơ đủa cả nắm. Có mấy ông Tiến sĩ thứ thiệt được trọng dụng, tuyên bố dữ lắm nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa thấy nghiên cứu nào có kết quả thực dụng hết. Nhớ hoài câu nói của ông Charles de Gaule mà tui tạm dịch như sau đây. “Ce qui cherche on en trouve --- Ta dễ dàng tìm ra người nghiên cứu Ce qui trouve on en cherche” --- Người nghiên cứu thành công thì ta phài đi tìm Thực ra đâu phải nghiên cứu khoa học nào cũng thành công có kết quả như ý muốn đâu. Mà dù có thành công đi nữa thì có áp dụng thiết thực trong đời sống hay không lại là vấn đề khác, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, thời điểm thích hợp, môi trường, vân vân và vân vân …. Tui chỉ muốn đề cập đến mấy ông Tiến sĩ “giấy dỏm”. Mua bằng cấp từ những đại học mà không ai biết đến hay lấy đất huy hoạch và quỹ công xây đại học rồi hợp tác cung cấp bằng Tiến sĩ cho ai có nhu cầu. Cái khổ quạ lớn nhứt cho dân tộc là mấy ông Tiến sĩ “giấy dỏm” nầy nắm quyền sinh sát trong tay nên biết chuyện không phải nhưng không ai dám hở môi. Gần đây trên truyền thông đại chúng có đưa tin một trường Đại học bị đóng cửa, bị tố cáo theo luật hình sự sau khi bán/cấp hơn 200 cái bằng Tiến sĩ giả. Không biết ai mua và xử dụng nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa có tin tức gì mới trong cuộc điều tra. Cách đây vài năm về Việt Nam thăm gia đình, Má tui dẫn tui đi thăm bà Sáu. Bà đã gần 100 tuổi, là người lớn tuổi duy nhứt còn sống trong giòng họ. Trên đường đi tui thầm vái cái Tivi của bà Sáu đừng hư vì bây giờ có hư thì thay nguyên bảng mạch điện tử hay vứt bỏ mua cái Tivi mới chớ tui không biết đường đâu mà mò, mà không sửa được thì mang tiếng kỹ sư “dỏm” phiền lắm không vui chút nào.
|