|
Đọc bài “Tết về lại nhớ cây cầu Ngói” của tác giả MN Văn Lang Tôn-thất Phương Bài viết bắt đầu bằng hai câu thơ rất quen thuộc của xứ Huế:
Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn Cho em về với một đoàn cho vui.
Giống như tất cả những người con gái của một xã hội Việt Nam phong kín và lắm loạn ly, người con gái xứ Huế cũng chỉ có được những niềm vui nho nhỏ như trên vừa nói, trước khi trên vai bắt đầu gánh thêm nhiệm vụ:
Ai về cầu ngói Dạ Lê Cho em về với, thăm quê bên chàng.
Đất Thần Kinh, người ta gọi xứ Huế như thế, nhưng những vàng son của một thời đại đã không kéo dài mãi mãi. Cũng như bao nhiêu người Huế khác, những cô gái Huế khi mới bước chân vào ngưỡng tuổi lớn khôn đã phải từng sống quen với những trăn trở đến với mình từ bao nhiêu thế hệ trước một cách tự nhiên:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài bãi Đò Trường Tiền Tây lại bắc cầu Ới người ước hẹn nông sâu Nghĩa nhân xiêu lạc, em biết nơi đâu kiếm tìm!
Tìm kiếm nơi đâu, khi nghĩa nhân đã xiêu lạc từ thuở “sáu ải tang thương, mặt đổi dời”. Bởi vì từ ngày Thất Thủ Kinh Đô thời xa xưa ấy, cho đến mãi hôm nay, những tháng năm trên Đất Thần Kinh đều là những chuỗi ngày chứa đầy những nỗi niềm thao thức:
Chợ Đông Ba tiếng gà eo óc Chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canh...
Bây giờ nói chuyện cầu ngói Thanh Toàn.
Cầu này xa Huế bao nhiêu, tôi không thể nhớ vì đã đến đó thuở còn nhỏ (mới “nửa ông nửa thằng”). Năm ấy đi chung với nhà trường, bằng xe đạp, mà phải lặn lội qua những con đường toàn đất sét nhão sau mấy tuần mưa dầm nên thầy trò đều vất vả vô cùng. Bước một bước, chân lún xuống bùn đến tận đầu gối; rút chân lên, chiếc giày “bốt” nằm lại dưới bùn, thế là ngoài cái xe đạp không còn dùng được lại phải vác thêm hai chiếc giày bốt, trời lại lớt phớt mưa... Cứ nghĩ đi theo đoàn nên cố gắng, chứ đi một mình chắc đã bỏ cuộc từ đầu!
Nhưng rồi cũng đến nơi, cũng được thay phiên nhau xem Cầu Ngói. Bây giờ chỉ nhớ được là cấu trúc của cầu khá chắc chắn, mang cái mái ngói nặng mà rất vững (chứ không phải mới xây đã sập như cây cầu nào đó của năm 2017). Giữa cầu có tấm bảng ghi bài thơ cảm tạ người xây cất, tôi còn nhớ được câu đầu: “Trần thị phu nhân xã chúng ta...”
Cũng có thấy bán bánh canh (như trong bài viết đã nói), có vẻ ngon, nhưng không ăn nên không biết, vì đương sự lo loay hoay chụp hình mấy cô bạn mà hắn ... thích! Trong đám đó, đối tượng của phó nhòm là một cô nọ, nhưng cô ta giữ ý, hễ thấy máy hướng về mình là cô quay lưng nhìn về phía khác... Dù sao thì rốt cục cũng chụp được, nhờ một cô bạn khác giúp sức; cô này tên TN. Trong lòng thầm cám ơn TN, sau này rời xứ Huế, thỉnh thoảng nhớ chuyện xưa cũng tự hỏi không biết bây giờ “con bé TN ấy” ra sao? Cũng còn nhớ rõ tên và nét mặt lúc đó của một số bạn cùng đi trong chuyến về cầu ngói Thanh Toàn: Phùng NT, Thái VH, Nguyễn TL, Phùng TL, Lê TQH, Dương TTN, Nguyễn TDT, Nguyễn TNC, Lê VB, Trần TP, Trương THL ...
Một vài bạn trong số này, có gặp lại năm 2013, vẫn còn nhận ra hình ảnh ngày xưa của nhau, dù là thoang thoảng. Hỏi cô bạn TN, thì ra cô và người em gái đã mất “trong vụ Mậu Thân… trúng đạn…” Cô bé TN hồi đó tóc dài, da ngăm đen, thằng bạn cùng lớp (Hoàng TN) vẫn cứ khen cô có đôi mắt đẹp (mà đẹp thật).
Ôi thôi TN, cô bạn hiền lành ấy, đời người “như chiếc lá, trong cơn mê chiều”; “Em chưa biết quê hương thanh bình. Em chưa thấy xưa kia Việt Nam” ...
“Xưa kia Việt Nam” là gì, phải chăng anh Trịnh Công Sơn muốn nói đến thời xưa kia... xa lắc, thuở xứ Huế còn là “đất Thần Kinh”? Còn “quê hương thanh bình” là thuở nào vậy? Bây giờ, quê hương “thanh bình” rồi đó; đêm không có đạn bay, ruộng đồng không có hỏa châu thắp sáng... Nhưng tôi chắc cô bạn TN năm ấy cũng không muốn biết cái thanh bình “nghĩa nhân xiêu lạc” để làm gì.
Thật đấy TN, cứ sống thật an lành nơi TN đang sống, cứ thật vui vẻ và để tâm hồn “Bay thẳng tới muôn trùng tiêu hán. Vượt trùng vân bạn với kim ô” ... Cứ thảnh thơi ở bên kia, đừng ngoảnh nhìn trở lại:
Cỏ
thơm
ở nơi
nào chẳng
có
2021-02-10 VL-TTP Cảm nghĩ ghi chép lại sau khi đọc bài “Tết về lại nhớ cây cầu ngói” của tác giả MN
|