|
Sống với Hiện Tại “và” Quá Khứ
“Phải sống với hiện tại thôi”, cả phật Thích Ca lẫn các nhà kinh tế đều nói thế. Điều này, có chỗ tôi hiểu, có chỗ thì không hiểu. Với ý nghĩ của một người trần tục thì “cái hiểu” của tôi chỉ rất giới hạn -- Đừng tiếc nuối quá khứ, đừng quá lo lắng cho tương lai, thì … đỡ khổ. Mặt khác, quá khứ là kinh nghiệm, “quên sự kiện quá khứ nhưng phải nhớ bài học”. Và tương lai là điều quan trọng hơn hiện tại: Một sinh viên có thể nghèo hôm nay, nhưng sự đào luyện cho những năm tháng trước mắt của sinh viên ấy mới là vấn đề. Về “hiện tại”, nhận xét sau đây của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất đáng ghi nhớ: Bằng lòng với “tuổi trời” hiện tại của mình! Ông nói, con người thường không biết quý trọng cái hiện tại; trẻ mong chóng lớn, già muốn trẻ lại. Ví dụ tuổi 60 thì muốn mình trẻ cỡ 55-56 thôi, nhưng khi đến 65 thì nhìn lại và thấy “sao hồi 60 mình trẻ đẹp thế”. Cho nên ở cái tuổi hiện tại của mình là mình đẹp nhất, trẻ nhất. Ông còn viết tiếp: Có nhuộm tóc, bơm chỗ này, mài chỗ kia, v.v… thì bên ngoài xem có đỡ hơn chút chút thật, nhưng cơ thể mỏi thì cứ mỏi, gân cốt lỏng thì cứ lỏng, không khác hơn được! Riêng với tôi, có nhiều thứ của quá khứ đã dính chặt vào người, không bỏ qua được (và cũng không muốn bỏ qua). Chúng làm cho tôi là chính tôi, mà không phải là một ai khác. Tôi yêu thành phố Sài Gòn, dù trong hiện tại Sài Gòn thật xa tôi, nói như nhà thơ Thanh Nam, cứ “xa như dĩ vãng”. Nhìn hình ảnh của một Sài Gòn thật đẹp dưới cơn mưa, lòng tôi sao cứ rạt rào... Vì ngày xưa tôi đã sống trong một thành phố Sài Gòn như thế, đẹp, khang trang, có nhiều nét nên thơ và văn minh của nó. Thuở đó, người Sài Gòn tốt và thân thiện, những con đường của Sài Gòn thật đáng yêu, người Sài Gòn đa số ăn mặc đẹp, thanh lịch; đồ ăn thức uống của Sài Gòn đa dạng, tuyệt vời… Tôi không yêu sao được? Những hình ảnh đó, tôi bỏ đi luôn sao được? Và tôi vẫn ước ao những nét đẹp đó của Sài Gòn được trường tồn, nếu không phát triển ra cho đẹp thêm lên, như thành phố Hiroshima sau 1945 chẳng hạn. Dĩ nhiên Sài Gòn lúc đó cũng có những điểm không được đẹp của nó. Những con “kinh nước đen” với nhà cửa lụp xụp hai bên, những vùng cống rãnh, v.v… Tôi vẫn không quên thời ở Tân Định, khi ra chợ uống nước, mùi ngàn ngạt dưới cống bốc lên thoang thoảng… Nhưng tôi hiểu ra khi những hình ảnh “kinh nước đen” này hiện lên trong trí vào buổi học bài nhập môn về Kinh Tế Học: Nếu một quốc gia chỉ có ngần ấy tiền của, chọn sản xuất nhiều bơ (butter) thì làm ra ít súng, chọn sản xuất nhiều súng thì chỉ được ít bơ -- nghĩa là nếu dồn sức vào chiến tranh thì phải hy sinh - hay trì hoãn - phúc lợi của xã hội. Cho nên, thời đó, Sài Gòn của một nước có chiến tranh, ở góc chợ Tân Định có mùi cống rãnh cũng là điều dễ hiểu. Hiểu và mong cho Sài Gòn, và cho cả nước… hiểu cho Sài Gòn, “Cõi Nam vui hưởng cảnh thanh bình. Trời đất gây chi cuộc chiến tranh...” [Phan Văn Trị: Cảm Hoài] Hình ảnh đẹp ngày trước của Sài Gòn là quá khứ. Mong ước cho Sài Gòn đẹp mãi và phát triển hài hòa, thật nhân văn, thật huy hoàng, nên thơ, tử tế… là tương lai. Hai điều này, nếu bỏ mất đi thì tôi sẽ không còn là tôi nữa. Ôi Sài Gòn,
Để
tình yêu
mến
trong
lời
hát câu ca Câu hát ngày cũ của nhạc sĩ Y Vân, có bao giờ quên được đâu, có bao giờ nhạt phai trong tâm khảm được đâu? (22-03-2021)
|