“Đi Theo Vạt Nắng” - Phần 11

Về thăm lại xóm quê

Trần Trí Năng
 

 

Hai tuần sau khi về Sài Gòn, vào khoảng tuần lễ cuối tháng 10 năm 2019, một người bạn thân mướn xe đưa tôi và nhà tôi về thăm Qui Nhơn và luôn tiện thăm lại nơi tôi sống suốt thời thơ ấu: phường Bình Định, thị xã An Nhơn  (trước kia là  thôn Hưng Định, xã Nhơn Hưng, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định). Một trong những mục đích chính của chuyến viếng thăm này là tìm lại di tích của căn nhà tôi sống với má tôi và ngoại tôi từ lúc sinh ra cho đến khi tôi học hết bậc tiểu học. Đây là lần thăm viếng đầu tiên từ lúc tôi rời Việt Nam vào đầu năm 1968!  Về lại xóm quê gọi là để tìm lại kỷ niệm thân thương ngày nào!. Tìm lại những gì đã và đang mất theo dòng thời gian! Con người có đổi thay! Và hoàn cảnh và môi trường sống có đổi thay! Dù sao đi nữa, những kỷ niệm và hồi ức về thời tuổi dại vẫn còn sống mãi trong tâm tưởng của tôi…

Sau khi ăn điểm tâm xong, chúng tôi rời thành phố Qui Nhơn. Chiếc xe chạy theo Quốc lộ số 1, ngang qua Cầu Đôi và Tháp Đôi - một trong những di tích Chàm còn sót lại từ Vương Quốc Champa. Người dân bản xứ đặt cái tên này vì nhìn từ xa, hai cái tháp hình như cặp tình nhân âu yếm chụm đầu lại với nhau tâm sự, chuyện trò. 

Tháp Đôi nằm cạnh bên nhau
Quanh năm suốt tháng chụm đầu yêu thương
Mây trời bàng bạc vấn vương
Champa còn đó, con đường còn đây!  

Nắng chiều từng vạt ngây ngây
Cầu Đôi ngã bóng hàng cây dương buồn
Khói nhà ai quyện đồi nương
Cười vang “giọng Nẫu” phố phường chợt vui! 
 

Hình 1. Bên trái: Cụm Tháp Bánh Ít nhìn từ cầu Bà Di (Ảnh – cungphuot.info).

Bên phải: Tháp Cánh Tiên nằm trên một khu đất thuộc Thành Đồ Bàn (tức Thành Hoàng Đế bây giờ)- xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (Google Image). Có câu hát dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương Quân Hậu thủ thành ba năm! [1]. Quân Hậu ở đây là Khâm sai quản soái hậu quân doanh Võ Tánh (sau này trước khi chết, ông được Nguyễn Ánh phong tước Quận công kiêm chức Đại tướng quân). 

Khoảng chừng 20 phút sau, chúng tôi bắt đầu thấy Cụm Tháp Bánh Ít nằm cạnh cầu Bà Di hiện ra trước mắt (Hình 1, bên trái). Khi xe đến gần cầu Tân An, lòng tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao vì biết mình sắp đến phường Bình Định (thị xã An Nhơn). Bài học thuộc lòng năm nào hình như vẫn còn văng vẳng đâu đây “Lâu nay mới trở về làng/ Lòng em khoan khoái nhẹ nhàng biết bao/ Đàn chim trên ngọn cây cao/ Thấy em đua hát lời chào líu lo”. Lòng rộn niềm vui được trở về “làng cũ”!

Điều chúng tôi muốn tìm là vùng đất ngày xưa tôi ở! Căn nhà chúng tôi cách Thành Đồ Bàn (ngày xưa dân bản xứ gọi là Thành Bình Định!) không xa, do gia đình bên ngoại tôi xây lên và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhà tương đối rộng với khu vườn nhỏ trồng trái cây phía sau cạnh một đầm nước và hàng dừa trước mặt. Nên tôi tha hồ trèo cây hái trái ăn cho bằng thích! Thành Đồ Bàn cũng là sân chơi thường xuyên của bọn trẻ chúng tôi trước và sau giờ học. Chúng tôi chơi hoài không chán những trò chơi như đá banh, u quạ, đánh giặc giả, đánh bi và đánh đáo.

Nhà tôi ở trên đường dẫn vào Thành. Có hồ sâu, có hàng dừa cao xanh. Có chuối nàng hương vừa chín ngon lành. Có xoài khế và ổi tươi thơm ngọt. Nhà tôi ở chái dày cao nhiều lớp. Mái tranh nâu hoang phế nét thời gian. Trước mặt nhà con đường đất ngỡ ngàng. Đưa khách đến hoang tàn Thành Bình Định. Tôi ở đó/chú học trò ngộ nghĩnh. Quần cụt đen/ nón lá/ bước chân trần. Những mùa hè mồ hôi ướt khắp thân. Chạy nhảy tung tăng/ bắn bi đánh đáo.

Hơn 50 năm trôi qua với biết bao nhiêu thay đổi! Tìm lại vị trí của căn nhà ngày xưa là cả một thử thách! Mấu chốt căn bản là căn nhà nằm gần một cái đầm khá lớn, trước một ngôi chùa và gần chợ Bình Định (Hình 2, bên trái). Bác tài xế đưa chúng tôi đi quanh thành phố vài vòng để xác định vị trí chúng tôi muốn tìm. Chúng tôi tìm thấy được khu chợ và một ngôi chùa nhưng tôi có cảm tưởng là vị trí của hai nơi nằm khá cách xa nhau, chớ không gần như tôi nghĩ (có thể nằm trong trí tưởng tượng của tôi mà thôi!? Vã lại ngày xưa tôi đi bộ hay xe đạp; giờ lại đi xe hơi và phải đi qua nhiều nhà cửa, ngõ ngách và nhiều con đường!?). Chúng tôi vẫn không thấy cái đầm nước ở đâu cả hay ít nhất là xác định vị trí của nó! Ngôi chợ thì lớn hơn nhiều! Còn ngôi chùa thì tôi hoàn toàn không nhận ra vì đã thay da đổi thịt quá nhiều! Ngày xưa, ngôi chùa còn nhỏ nhắn, xinh xắn và nằm ở phía bên kia con đường, đối diện với nhà ngoại tôi. Tôi thường đến đó vào những dịp lễ lớn để xin được “phát chẩn” bánh kẹo. Mấy thầy vui vẻ và thân thiện lắm! Những việc trong chùa từ tụng niệm, nấu ăn, trồng trọt đến việc mưu sinh, các thầy đều lo cả. Đạo hữu thỉnh thoảng có cúng dường nhưng chẳng được bao nhiêu vì mọi người đều nghèo cả! Nội miếng ăn mỗi ngày mà lo không xuể huống hồ…!! Miễn sao có lòng là được rồi!

Sau vài giờ, moi người hơi nản và bắt đầu “mất niềm tin” vì kết quả thu thập được quá khiêm nhường! Sau cùng chúng tôi vào Chùa Thiên Hưng (Hình 2, bên phải) hỏi một cư sĩ đang nấu ăn trong bếp và được bà cho biết cái đầm trong tâm tưởng của tôi đã bị lấp đi tự lâu rồi và người ta đã xây cất nhiều ngôi nhà mới trên đó. Tôi có hỏi bà về vị trí của cái đầm nước thì bà nầy không biết rõ. Một phần có lẽ bà còn “trẻ” so với tuổi của tôi; cũng có thể là bà “mới” đến thị xã này từ một nơi khác!? 

Hình 2. Bên trái: Chợ Bình Định. Ngày xưa, chợ bắt đầu và chấm dứt sớm để mọi người còn về nhà lo công việc đồng án. Mỗi tháng có sáu phiên; cứ năm ngày họp chợ một lần bắt đầu từ ngày mồng 2 mỗi tháng. Chợ phiên còn là nơi người lớn gặp nhau nói “chuyện mình, chuyện thiên hạ”; những gì xảy ra sau bốn ngày và cũng là nơi lũ con nít chúng tôi đến hoặc để mua đồ chơi, thưởng thức những món ăn đặc biệt hay chỉ đến chọc phá đùa giỡn  thôi. “Bình Định một tháng sáu phiên/ Ai thương  ai thì hãy nhớ xuống lên cho đều.” [1][15].

Bên phải: Chùa Thiên Hưng trông nguy nga đồ sộ, khác hẵn với ngôi chùa làng ngày nào của thuở xa xưa. Thiên Hưng là tên mới! Tôi không còn nhớ tên cũ của chùa là gì nữa…

( Google Images) 

Hơi thất vọng! Vã lại cái nắng thiêu đốt làm mọi người thấm mệt. Chúng tôi quyết định nghỉ một lát rồi hãy đi tiếp. Chúng tôi tìm được hai chiếc ghế đá trong khuôn viên chùa để ngồi nghỉ xả hơi. Ngồi không được bao lâu, tôi thiếp đi lúc nào không biết!  Trong cái mơ mơ màng màng, những kỷ niệm xưa lại vỡ òa trong ký ức của tôi: 

Tôi nhớ lại thời Trung học ở Qui Nhơn với màu đỏ hoa phượng nở rộ và tiếng ve sầu giục giã bước chân đánh dấu mùa tan trường sắp đến, và bạn bè bắt đầu trao nhau lưu bút ngày xanh. Sân trường rồi sẽ vắng bóng dáng những tà áo trắng và những cậu học trò ngây ngô trong bộ đồng phục áo trắng quần xanh. Mọi người sẽ tạm xa bảng đen phấn trắng, tứ tản khắp nơi trong ba tháng hè! Lúc đó, ai trong chúng tôi cũng có một cảm giác chông chênh và sâu thẳm! Vừa bồn chồn, lo lắng; vừa náo nức phập phòng trông đợi! Hình như sắp thiếu vắng một cái gì rất thân thương và triều mến!   

Em về phượng đỏ tươi trên áo. Nắng hạ tròn ôm bóng ngã dài. Tháng tám trời cao, muôn mộng ảo. Biển xanh  bọt trắng sóng trôi về. Mùa này trường vắng chợt buồn ghê! Bè bạn còn đâu tiếng giỡn đùa. Chạy nhảy tung tăng ong vỡ tổ. Lòng non rộn rã một trời mơ! Lưu bút trao lời chuyện nhỏ to. Dòng thơ lai láng tuổi học trò. Chín mươi ngày ấy sao lâu quá! Lối nhỏ một mình ai dưới mưa?!  

Nói về lưu bút trao nhau vào dịp nghĩ hè, tôi không thể nào quên được những vần thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn, những nhà thơ gốc Bình Định. Ngoài trừ Xuân Diệu, những nhà thơ  còn lại thuộc Nhóm Thơ Bình Định (hay đúng hơn là nhóm thơ Thành Bình Định!), khởi đầu Phong Trào Thơ Mới tiền chiến  trong giai đoạn 1936-1945.  Cơ sở hoạt động của Nhóm là phường Bình Định (thôn Hưng Định, thị xã An Nhơn). Nhóm này cũng khởi nguồn cho Nhóm Thơ Loạn sau này [2].  Xuân Diệu nổi tiếng với những vần thơ tình vượt thời gian em đã xé lòng non và giấy mới/ Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê  …” [3]. Thế giới của Hàn Mặc Tử là thế giới về trăng, của trăng, uống trăng, mơ trăng, tắm trăng, sống trong lòng trăng và ngay cả bán trăng. không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”; hay “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Cây lá ngây tình không muốn động/ Lòng em hồi họp chị Hằng ơi!”[­4-5]. Thơ  của Chế Lan Viên thì mờ ảo và liêu trai hơn với “những bóng ma Hời” và nỗi cảm thông cay đắng mất nước của dân tộc Chàm; mà chúng ta có thể tìm thấy ở một số bài thơ trong tập thơ “ Điêu tàn” của ông  “ …Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than …” [6-8]. Tôi cũng thích một vài bài thơ nói về Thành Bình Định của nhà thơ xuất thân cùng thôn Hưng Định với tôi Yến Lan “Cùng nhớ lại những nguồn vui nhỏ nhất/ Bông gòn bay, chùm me rụng thành xưa/ Bình Định đây ,từng sợi tơ cái tóc/ Vẫn chứa chan, tin tưởng tự bao giờ” [9-10] và bài thơ “Say Nắng” nói về vườn quê thuở còn thanh bình của Quách Tấn “Vườn rộng tiếng chim thưa/ Bướm vàng say nắng trưa/ Chờn vờn chân muốn đậu/ Vòi mướp gió đong đưa.” [11-12]

Tôi nhớ lại những ngày ở quê. Nhịp sống ở đồng quê tương đối chậm rãi và bình dị. Có vất vả xác thân nhưng cũng vì cách sống đơn giản, ít đèo bồng, mà tâm hồn chúng tôi thoải mái, và dễ chịu hơn. Tôi lớn lên với những buổi trưa nóng như bốc lửa (như buổi trưa trong chuyến thăm viếng này!), thoăn thoắt chuyền cành qua hàng cây trứng cá hoặc trốn đi hái khế, hái keo.

Những buổi trưa hè nắng chang chang
Hàng cây gió thổi điệu nhịp nhàng
Tay nhanh thoăn thoắt đua nhau hái
Những trái keo hườm, xinh, thơm ngon. 

Một cái thú nữa là những lần trai gái tắm sông dưới bầu trời nắng hạ; nằm dưới bóng mát cây sung chờ áo ướt hong khô. Vào mùa sung chín, tha hồ mà ăn thả giàn! Mãi vui chơi, chúng tôi quên cả giờ cơm chiều!  

Buổi sáng tôi đi theo đàn trâu
Buổi chiều theo trẻ chạy  qua cầu
Dòng  sông  trai gái đua nhau giỡn
Chợt nhớ cơm chiều vội bước mau.

Tôi nhớ đến những buổi chiều nhạt nắng cùng mấy đứa trẻ trong làng đưa đàn trâu uể oải trở về chuồng. Nhớ những câu hò vọng lại cuối thôn. Với điệu hô Bài Chòi đậm đà dòng thơ lục bát lúc buồn, khi vui, lúc sầu thảm, khi  tỉ tê. Nhớ tuồng Hát Bội ở đình làng với già trẻ gái trai tụ tập  nhau ăn uống, chuyện trò sau mùa gặt. Nhớ dòng sông Trường Thi (chi nhánh của Sông Côn) cuồn cuộn chảy về theo con gió nồm thổi từ cầu Tân An đến đồng An Ngãi. Nhẹ nhàng,  mềm mại, thoang thoảng, khoan thai [13].

Đường về nhà em có con sông
Có chiếc cầu tre bắt qua dòng
Tháng tám nắng vàng qua trước ngõ
Má hồng, đôi mắt vẻ âu lo.

Tôi lớn lên trong tình quê bên lũy tre làng ngào ngạt nắng ban mai. Tiếng kêu kẻo kẹt như lời mẹ ru con ngủ. Tôi lớn lên  ngây ngất hương thơm đồng nội  bên  con đường đất ngoằn ngoèo bao ngày tôi vui, tôi sống. Bên dòng sông mang  phù sa  tươi thắm cánh đồng/  Cho bông lúa vàng hoe vươn tròn tuổi mộng/ Theo đám mây chiều  bàng bạc trôi xa… 

Quê hương đượm thắm lời tình tự
Lối nhỏ.
Chân trần đường đất quê
Bao năm tôi yêu dòng sông đó
Tung tăng ngày hai buổi đi về.

Hàng cau và chiếc cầu tre lắc lẽo vẫn còn đó theo năm tháng như muốn thách thức với thời gian. Buồng chuối với vài trái hườm vàng reo lửng lơ trong bụi chuối còn xanh tàu lá. Chú chim chích chòe đậu lại thưởng thức hương vị thơm tươi. Thuở ấy, tôi cũng thích mùi vị thơm ngon của những trái chuối ở giai đoạn này, nên thường “giành giật” với mấy chú chim này xem ai “lấy” được mấy trái chuối chin hườm này trước!  Mấy luống cải trong vườn cũng bắt đầu lên ngồng lấm tấm vài nụ bông vàng, dụ dỗ bướm ve về bay lượn…

Những ngày nắng đổ trong sân. Cau dài ngã bóng ân cần. Cầu tre qua con nước nhỏ. Đường về chân bước thong dong. Những ngày nắng vỡ trên đê. Bóng tre chắn cả lối về. Lòng non, nhịp đều hơi thở. Ru đời nhè nhẹ cơn mơ. Mảnh hồn khờ dại ngây thơ. Trèo cây, sung rụng trên bờ. Dòng sông rủ nhau tắm giỡn. Bạn bè tuổi mộng thân quen.

Có lẽ đây quãng đời tôi thích nhất trong suốt thời thơ ấu của tôi! Tôi sống rất thoải mái và ung dung tự tại. Nguồn “hạnh phúc tôi” hiện diện khắp mọi nơi! Trong tiếng nói! Trong nụ cười! Chạy nhảy tung tăng trong đồng quê cỏ nội. Chúng tôi không cảm nhận được sự khó khăn về vật chất và vì thế chưa biết thế nào cái gọi là “khổ”!

Thuở còn bé tôi yêu màu nắng ấm
Yêu dòng sông xuyên qua khóm tre xanh
Yêu chiều lên bông lúa chín thơm lành
Con đường đất đưa tôi vào tuổi mộng. 

Hoài niệm về về những tháng ngày ở cái tuổi lên năm, lên sáu, chạy nhảy tung tăng bên thửa ruộng với đôi chân trần lằn nứt còn lấm bùn đen. Gió mới lên mang những vạt nắng lảng vảng trên cành cây làm nồng ấm mái nhà tranh bên cạnh. 

Thửa ruộng xanh tôi đi về hai buổi
Nắng hanh vàng hò hẹn ấp yêu  tôi
Gió ban mai nồng thắm nhẹ ru đời
Trời đất rộng mang ngày vui sắp tới
 

Tôi ở đó lòng non như áo mới
Tuổi lên năm, chái nhỏ mái tranh nghèo
Khói lam chiều quyện kín gót chân theo
Đàn trâu vội về chuồng trông mệt lã
 
Tôi sống đó, nhớ đến từng gốc mạ
Nhặt lúa thơm sót lại cuối mùa màng
Đổi cơm thơm, chân rộn bước thênh thang
Đời lồng lộng, mênh mang tròn tuổi mộng. 

Cuộc sống của tôi lúc đó tương đối an bình, trầm lặng với những  ngày cắp sách đến trường tập viết, tập đọc hay tập làm văn với những đề tài gần gũi với ruộng đồng, vườn tược; những lần ngụp lặn trong màu lúa chín, trong vũng bùn đen vỡ đất cày bừa với những chiều cùng bầy trẻ thả diều trên con đường làng vừa tạnh cơn mưa.

Êm êm
Như tiếng sáo diều
Một chiều
Trên đê
 

Mơ mơ
Như tiếng ai sầu
Ru con
Chiều mưa ngâu
 
Xa xa
Gió nhẹ nhàng
Nhởn nhơ
Bông lúa đầu
Rộn ràng
Ngày qua mau...

Mùa trăng ở đồng quê bao giờ cũng đẹp! Ánh trăng sáng cả khu vườn và con đường làng trước nhà. Nhớ những đêm mọi người tụ tập nhau giã gạo ngoài sân. Trai trẻ trong làng vừa làm việc vừa hát hò, nói chuyện vui vẻ. Trong khi đó, các cụ già ngồi uống trà, vừa ăn bánh ngọt, vừa kể chuyện đời; còn mấy đứa con nít chúng tôi chạy nhảy nô đùa; đôi khi tạt ngang qua khu nhà bếp ăn bắp nướng và khoai lang nướng. Cuộc vui kéo dài đến khuya; quên hẵn sáng mai mọi  người phải dậy sớm lo công việc đồng án.

Trăng treo trên đầu xóm
Trăng soi cuối thôn nghèo
Rặng tre reo kẻo kẹt
Chó sủa khàn, cô liêu
 
Trăng lên nơi đầu ngõ
Con đê nước xuôi dòng
Êm ru lời dịu ngọt
Mẹ ru con. Ngày sang
 
Trăng lên. Vui trìu mến
Muôn sao sáng chập chờn
Trời trong cao diệu vợi
Quê nghèo đêm trăng cao.

Khi đi ngang qua Bến Trường Thi [13], tôi nhớ lại đến bộ quần áo, tập vở và cây bút lá tre mới mà ngoại và má tôi mua cho mỗi dịp Tết đến. Con đò đưa chúng tôi về quê thăm và chúc Tết bà con. Với tiền “lì xì” mọi người cho, tôi chơi đánh “bầu cua tôm cá” với mấy đứa trẻ trong xóm. Còn gì thích bằng khi được “ăn chơi” trong ba ngày Tết! 

Đâu đây tiếng gọi đò năm cũ. Văng vẵng câu hò vọng cuối thôn. Sóng nước Trường Thi như ghém trọn. Mảnh trăng ngày ấy thuở ban đầu. Dòng sông bao năm tháng dải dầu. Vết đạn bom khằn kiếp biển dâu. Kẻ đến người qua, đò tấp nập. Đều tay đưa khách chợ phiên đông.  Dòng sông chảy nhẹ điệu thong dong.  Mang phù sa bồi đắp cánh đồng. Bông lúa vàng hoe màu nắng hạ. Cánh diều cao bổng mộng bay xa. Trường Thi cuồn cuộn nước trôi qua. Tưới mát tình thương thắm đậm đà. Nuôi lớn đời tôi cùng năm tháng. Bướm đùa bên luống cải đơm hoa.

Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ say/mơ. Lúc đó mọi người đã tỉnh táo hết cả rồi! Chúng tôi lại tiếp tục cuộc tìm kiếm, hy vọng có kết quả gì “khả quan” hơn không!?  Chúng tôi đi quanh những ngôi nhà lân cận, hỏi thăm tên những người tôi đã quen biết một thời: một số đã ra đi qua thế giới khác; còn một số đã “tha phương cầu thực” ở một phương trời nào đó. Tôi cố tìm một vài người “lớn tuổi”, hỏi tên tôi, tên má và ngoại tôi; mà hình như chẳng có ai được nghe nhắc đến những tên này bao giờ! Tất cả đã đi vào quên lãng!  Có lẽ phường  Bình Định  bây giờ không giống như ngày xưa, nơi con người sống qua nhiều thế hệ; Bình Định bây giờ đã trải qua nhiều “giai đoạn chuyển tiếp” với nhiều người tứ xứ về đây làm ăn, sinh sống!?  

Tôi đứng một hồi lâu trước vùng đất nơi mà tôi nghĩ có ngôi nhà ngày xưa của ngoại tôi. Tôi nghe phảng phất  đâu đây giọng nói của ngoại tôi “con về thăm quê mình đó hả!?”. Hình ảnh của ngoại tôi, má tôi như đang chờn vờn quanh tôi! Vài vạt nắng đậu trên vai tôi, len qua tứ chi cho lòng tôi một chút gì ấm lại. Từng đốm lại từng đốm trắng tung tăng như muốn cho tôi một sức sống nồng nàn. Đâu đây văng vẳng tiếng trẻ nô đùa như nghe tiếng nói của chính mình thuở nào tự lúc xa xưa! Lòng tôi bỗng se thắt lại. Một mảnh quá khứ của đời mình hình như đã bị vùi chôn! Mình trở thành một kẻ lạ, lạc lõng trong thành phố mình đã một lần quý mến, thương yêu.  “Tìm lại đời mình giờ đã đổi thay/ Tìm dĩ vãng, ngỡ ngàng trong hiện tại…”   

Tôi xa lạ giữa xóm làng tôi sống
Hơn năm mươi năm rồi bao chuyện đã xảy ra
Con đường cũ giờ tôi quên tất cả
Chẳng nhận ra tên và quên cả hướng tìm…
 

Tôi tiếp tục mang theo kỷ niệm năm nào và cất bước “ra đi” xa rời thành phố. Một ngày trôi qua. Dù không đạt được những gì mong muốn như dự tính ban đầu, tôi cũng đã tìm lại được phần nào những mảnh kỷ niệm xa xưa của một thời:  khu chợ và ngôi chùa vẫn còn đó; dòng sông Trường Thi vẫn còn đó;  được đi trên vùng đất có con đường “quê năm cũ”; và được hít thở không khí của xóm quê, nơi tôi đã sống những tháng năm đầu đời của thời tuổi dại!

Chuyến về thăm lại xóm quê lần này dù ngắn ngủi nhưng cũng đã đi vào tâm tưởng của tôi.  Vì ở trong tôi, nên tôi không còn cần phải bôn ba đi tìm kỷ niệm! Trong thế giới vô thường này, mọi vật đều “vô sinh bất diệt”, nếu chúng ta không để ý đến sự thay đổi trước mắt (vô tướng) thì chắc lòng sẽ an định và dễ chịu hơn!

Tôi cảm thấy vui vui. Và nở một nụ cười sung sướng!

 

Tài liệu tham khảo

[1] Ca dao Bình Định

 [2] Nhóm thơ Bình Định  phát động phong trào Thơ Mới vào thời tiền chiến (1936-1945). Địa bàn hoạt động của Nhóm ở khu vực thành Bình Định (thị xã An Nhơn, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nhóm này có bốn  nhà thơ Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên. Họ chơi thân với nhau ngay từ thời còn nhỏ và còn được gọi là “Bàn Thành Tứ Hữu”-  tạm dịch “Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn”. Ành hưởng của Nhóm Thơ này rất rộng, lan rộng ra cả nước và lá khởi điểm bắt nguồn Trường Thơ Loạn sau này. Khác với  nhóm của “Bàn Thành Tứ Hữu”, Trường Thơ Loạn thu nhập tất cả những ai thích làm thơ và cùng quan niệm mà không hẳn phải là bạn thân nhau. Ngoài ba thành viên trong Nhóm Thơ Mới (Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên), Nhóm Thơ Loạn còn có thêm Bích Khê từ Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bốn nhà thơ này, mỗi người mỗi vẻ với lối sáng tác thơ khác nhau và độc đáo.

[3] Xuân Diệu: “Vì sao”. Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ra và lớn lên ở Gò Bồi (quận Tuy Phước), cách Thành Bình Định  khoảng 10 cây số. Ông nổi tiếng trong phong trào thơ mới với hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”.
[4] https://www.thivien.net/H%C3%A0n-M%E1%BA%B7c-T%E1%BB%AD/author-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg
[5] Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ông theo gia đình vào Qui NHơn từ lúc còn nhỏ. Khi mới vào làng thơ, ông lấy bút danh là Duệ Thị, sau này đồi sang Phong Trần. Bị Quách Tấn vui chọc và cho là bút hiệu Phong Trần có vẻ “bụi dời”, không hợp với dáng người nhỏ thó và mảnh khảnh của ông. Nên ông Trí  đổi tên sang Lệ Thanh ghép từ hai chữ đầu của làng “Lệ Mỹ” nơi ông sinh ra và chữ đầu của quê cha ông “Thanh Thân”. Quách Tân lại trêu chọc nữa cho là chữ Lệ Thanh có vẻ “yểu điệu thục nữ” quá! Ông Trí sau đó đổi bút hiệu sang Hàn Mạc Tử. Quách Tấn lại chỉ trích, cho rằng “Hàn Mạc”  là  Rèm Lạnh-  có vẻ rụt rè trốn tránh, và đưa ra đề nghị: “nếu đã có rèm mà thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?”. Nghe vậy, ông Trí bèn thêm  nửa vành trăng non lên chữ “a” biến thành chữ “ă”. Và từ “Hàn Mạc Tử/chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo” đổi thành “Hàn Mặc Tử/chàng trai bút nghiên”.  Bút hiệu Hàn Mặc Tử cũng theo ông từ đó!  Sau này, Hàn Mặc Tử còn được biệt danh là “Nhà thơ trăng” vì ông viết nhiều về trăng. Thế giới của ông lá thế giới trăng!  “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” hay “không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”.

(Nguồn: Bà Lâm Bích Thủy- con gái của nhà thơ Yến Lan)

[6] http://vanak7.forumvi.com/t339-topic

[7] Tập thơ “Điêu tàn” ra đời vì sư cảm kích của Chế Lan Viên đối với những tháp Chàm ở Bình Định.  Nói về di tích lịch sử, Bình Định có ba nét nổi bật nhất: văn hóa Vương Quốc Champa qua nhiều tháp Chàm còn để lại, triều đại Tây Sơn và Võ Bình Định. Tiêu biểu nhất của nền văn hóa Champa là tháp Cánh Tiên (Hình 1, bên phải); vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) xây tháp này cho hoàng hậu Paramecveri (tức là Huyền Trân Công Chúa) ở vào khoảng thế kỳ thứ mười bốn [14]. Nàng công chúa này là con gái của vua Trần Nhân Tông đã hy sinh hạnh phúc riêng mình, nghe lời cha lập gia đình với vua Chiêm để đổi lấy Châu Ô và Châu Rí (tức là phía nam tỉnh Quảng Trị và toàn tỉnh Thừa Thiên bây giờ) trong kế hoạch mở rộng bờ cõi về phía Nam của đời Trần. Sau này vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con  trai Trần Anh Tông và về tu tại núi Yên Tử.

[8] Tên thật là Phan Ngọc Hoan. Ông theo gia đình vào sống ở thị xã An Nhơn (Bình Đinh) vào năm 1927, lúc ông 7 tuổi. Ông bắt đầu làm thơ từ lúc khoảng 12 tuổi. Ông lấy bút hiệu từ những địa danh ở quê hương Quảng Trị nơi ông sinh ra như Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai.  Sau này khi sống ở Bình Định và quen biết với Yến Lan, ông đổi bút hiệu sang Lan Viên, dựa vào tên Yến  Lan và bài thơ của Yến Lan để biểu lộ tình bạn thân thiết của hai người. Vào năm 1936, Hàn Mặc Tử  tặng ông Hoan bài thơ nhan đề ‘Thi sĩ Chàm” và ghi mấy chữ “Tặng Chế Bồng Hoan” vì biết ông Hoan rất “say mê” và cảm kích về sự mất mát của dân tộc Chàm. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm nhân lúc đến thăm chỗ ông Hoan trọ học ở Đầm Thị Nại, Qui Nhơn, xem dòng đề tặng này của Hàn Mặc Tử, bèn đề nghị ông Hoan ghép lại hai tên “Chế” và “Lan Viên” với nhau để kỷ niệm tình bạn của ông Hoan với Hàn Mặc Tử (từ Chế) và Yến Lan (từ Lan Viên). Bút hiệu Chế Lan Viên có từ đó.

(Nguồn: Bà Lâm Bích Thủy- con gái của nhà thơ Yến Lan)

 [9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Y%E1%BA%BFn_Lan

[10] Trong bài thơ nổi tiếng “Bến My Lăng”, nhà thơ Yến Lan có viết: “Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/  Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu…/ Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/ Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/ Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/  Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” . Bến My Lăng ở đây chính là bến đò Trường Thi, nơi sông Côn-dòng sông dài nhất ở Bình Định- chảy qua  trước khi đổ vào Đầm Thị Nại thuộc vịnh Qui Nhơn. Hình ảnh ông lái đò ngồi uống rượu (hay uống trăng?!) đợi khách trên bến sông trăng thật thơ mộng làm sao!

[11] https://www.thivien.net/Qu%C3%A1ch-T%E1%BA%A5n/Anh-bu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%9Di-em/poem-dj1g9PC3u5dMignfraneqQ  

[12] https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1ch_T%E1%BA%A5n.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1ch_T%E1%BA%A5n.

Quách Tấn sinh ra ở thôn Trường Đình, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách thành Bình Định khoảng 30 cây số. Ngoài tiếng Việt ra, ông còn thông thạo chữ Hán và chữ Pháp.  Ông làm thơ, viết văn và dịch thơ văn. Hai tập thơ tâm đắc của ông là “Mùa cổ điển” và “Một tấm lòng”. 

 [13] Đối với hầu hết người dân Bình Định, sông Côn gắn chặt khắn khít với cuộc sống hàng ngày của người bản xứ qua những câu hát như “Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng/ Dòng Sông Côn lai láng mùa mưa/ Đã cam thang đợi năm chờ/ Duyên em đục chịu trong nhờ quản bao” [1].  Ngay cả những làng võ nổi tiếng ngày xưa của Bình Định như Thuận Truyền, An Vinh, An Thái  đều nằm bên bờ sông Côn  này; nên mới có câu nói trong dân gian "Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh" hay "Trai An Thái, gái An Vinh." Tương truyền, ba anh em nhà Tây Sơn- Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ - đã học võ tại đây và thường theo đò lên xuống trên dòng sông Côn để mưu sinh thuở còn hàn vi.  

Trong chuyến đi thăm Bình Định lần này, chúng tôi cũng có viếng Đền Tây Sơn và đi ngang qua sông Côn. Lúc này (tháng mười), nước sông Côn rất cạn đến nỗi người ta có thể nhìn thấy đáy!

[14] https://www.maxreading.com/sach-hay/binh-dinh/truong-thi-binh-dinh-dao-duc-chuong-31171.html

[15] Nhớ lại hồi còn nhỏ, tôi thường ngồi trên cái chồ xi măng trước nhà nhìn những người gồng gánh mang cây nhà lá vườn đi họp chợ phiên từ sáng sớm tinh mơ khi gà vừa mới gáy. Cả xóm như thức giấc đón chào “ngày hội”! 

Bình Định những ngày chợ phiên đông/ Thôn xóm rộn lên khắp cánh đồng/ Kẻ gánh, người bưng, quầy rau cải/ Thuyền trôi đưa rước khách sang sông”.  

 January 24, 2022

(Nhân dịp Tết năm Nhâm Dần)