Như đã
trình bày trong bài viết trước [1-2], trong vòng 50 năm qua, máy chụp
cắt lớp vi tính CT đã phát triển khả quan nhờ những tiến bộ vượt bực
của máy vi tính, bộ cảm biến X-quang và công nghệ điện tử. Thời gian
nhận hình nhanh hơn, độ phân giải cao và chất lượng hình X-quang rõ
nét hơn trải qua bảy thế hệ đã giúp việc chẩn đoán lâm sáng nhiều bộ
phận trong cơ thể với chất lượng bảo quản sức khỏe bệnh nhân tốt.
Kết quả là chúng ta có máy chụp hình cắt lớp hiện
đại trong nhiều bệnh viện trên thế giới như ngày hôm nay. Riêng
ở Mỹ, hiện tại có khoảng 6 ngàn máy chụp CT với số lần CT scans mỗi
năm là 75 triệu [3]. Mặc dù có nhiều thay đổi trong cấu tạo, tựu trung
máy chụp cắt lớp vi tính vẫn dựa vào dạng
thức quay/quay (rotatate- rotate) thuộc thế hệ thứ ba với chùm tia X
hình quạt hay hình nón. Hình 1 biểu hiện cấu trúc
cơ bản của một chiếc máy CT trên thị trường thuộc thế hệ thứ ba.

Hình 1.
Thành phần chính của máy chụp CT thuộc thế hệ
thứ ba sau khi lấy đi nắp bọc bên ngoài. Nguồn
tia X hình quạt rộng đủ để bao phủ toàn cơ
thể bệnh nhân với đường kính của quang trường
50 cm [4].
Ngoài những
phát triển quan trọng nói trên, nhiều kỹ thuật liên quan khác mà chúng
tôi sắp trình bày dưới đây cũng được triển khai và đã góp phần không
kém vào việc cung cấp xạ hình với chất lượng cao, thời gian xử lý ngắn,
triển khai rộng phạm vi khảo sát với máy
chụp CT trên toàn bộ cơ thể con người, giúp công tác của bác sĩ chẩn
đoán hình ảnh được dễ dàng và thuận lợi hơn.
1
Hounsfield scale
Khác với
hình X-quang thông thường chỉ có năm đậm độ (không khí, mỡ, mô mềm,
xương và kim loại), máy chụp CT bao gồm một vùng rất rộng về độ sắc
màu (grey scale) trải dài từ không khí (màu
đen) đến xương (màu trắng).
Nhiều hình
ảnh của những lát cắt theo hướng trục quay
được tái tạo bởi máy tính với mục đích nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của
những lớp tuyến dày. Những lát cắt này giống như cắt lát một ổ bánh mì;
và mỗi bánh mì có thể quan sát riêng rẻ.
Cách tái tạo hình diễn ra như sau: tia X
xuyên qua cơ thể bệnh nhân và được hấp thụ bởi bộ cảm biến; những bộ
cảm biến này sẽ biến X-quang thành tín hiệu điện có thể đo đạt và lấy
mẫu bởi hệ thu nhận số liệu DAS (data acquisition system). Nhiệm vụ
chính của DAS là khuếch đại tín hiệu đạt được; rồi những tín hiệu
khuếch đại này biến đổi sang dữ liệu số (digital data) qua bộ biến đổi
A/D (ADC). Sau đó, những dữ liệu số được gửi sang máy
vi tính để tái tạo hình X-quang. Máy vi
tính sẽ dùng thuật toán (algorithm) để
chuyển đổi dữ liệu số thành môt ma trận (matrix) với những độ sắc màu
khác nhau. Qui trình này sẽ ấn định một giá trị số cho mỗi sắc màu,
được biết dưới cái tên là số CT (CT number hay còn có tên gọi
là đơn vị Hounsfield). Đơn vị
Hounsfield (Hounsfield Unit hay HU) tùy thuộc vào
thành phần của tuyến, lớp mô hay chất liệu của bộ phận cơ thể, điện
thế của ống tia X, và nhiệt độ.
Số CT tỷ lệ
với hệ số suy giảm tuyến tính (linear attenuation coefficient) µ và
được tính theo hệ số suy giảm của nước dựa
vào công thức ở Hình 2(a). Vài số CT tiêu biểu
được biểu hiện ở Hình 2(b); ở đây số CT của nước được chọn làm tiêu
chuẩn với con số zero; số CT của xương là +1,000 (màu trắng), của bắp
thịt là +50 (màu xám), và của không khí là -1,000 (màu đen).
Với số CT của xương và CT của không khí dùng làm giới hạn, số CT của
những thành phần khác trong cơ thể như mỡ, bắp thịt, máu đều có màu
xám nhưng ở những mức độ khác nhau. Chi tiết hơn vế số CT với những độ
sắc màu (gray scale) khác nhau của những
phần trong cơ thể con người được biểu hiện ở Hình 3. Thí dụ như độ xám
của xương với số CT nằm trong phạm vi 400 tới 1,000; phạm vi của mô
mềm từ 40 đến 80; mỡ từ -60 đến -100 và số CT của phổi từ -400 đến
-600.

Hình 2.
Số CT (CT number) tỷ lệ với
hệ số suy giảm tuyến tính (linear attenuation coefficient) µ và được
tính theo hệ số suy giảm của nước dựa vào
công thức ở Hình 2(a). Vài số CT tiêu biểu được biểu hiện ở Hình 2(b)
(Source: Carlo Maccia [5]).
Hình 3.
Chi tiết về những độ sắc màu của những thành
phần khác nhau trong cơ thể như xương, tuyến mềm, nước, mỡ, phổi và
không khí [6].
Độ sâu bít (bit depth)
của Hounsfield gray scale là 12 bít (4096) pixels, nằm trong phạm
vi (-1024 đến +3071), đủ để bao hàm xạ hình
của những bộ phận trong cơ thể. Nói trong thuật ngữ của bộ cảm biến
chất rắn, điểm ảnh có vùng tuyến tính (dynamic
range) là 12 bít.
2 Slip
ring
Trước khi
thảo luận về cơ cấu vận hành của những bộ phận kỹ thuật khác trong máy
chụp CT như slip ring, quay hình xoắn ốc pitch, chúng tôi dùng quy ước
về chiều hướng trục đi động X, Y, à Z (Hình 4).

Hình 4.
Các trục X,Y và Z trong máy chụp CT. Ở đây, trục Z là hướng di
chuyển của bàn bệnh nhân; trục Y là hướng nối kết tia X với dàn hàng
bộ cảm biến qua cơ thể bệnh nhân; và trục X nằm thẳng góc với trục Y
[7].
Slip ring
là một máy điện cơ cho phép sự truyền đạt
năng lượng, số liệu, dòng điện hay tín hiệu từ một mặt phẳng cố định
(stationary surface) đến một mặt phẳng quay (rotating surface). Thường
thì slip ring gồm có một vòng quay (a rotating ring) và một bàn chải
quay (rotating brush) dọc theo bề mặt của
chiếc vòng. Hình 5 (b) và (c) biểu hiện chuyển di
theo dạng thức slip ring và Hình 5(a) biểu hiện chuyển di theo
dạng thức thông thường, dùng để tham khảo.
Slip rings
có đường kính lớn thích hợp nhiều hơn với máy chụp CT. Bộ điện cơ này
được dùng lần đầu tiên ở máy chụp CT thuộc thế hệ thứ ba.
Và máy chụp CT thuộc thế hệ thứ tư dùng kỹ
thuật slip ring nhiều nhất.
Thường thì
có ba slip rings trong cấu trúc của bộ máy điện cơ: slip ring thứ nhất
dùng để cung cấp điện áp cao đến ống tia X; slip ring thứ hai với điện
áp thấp dùng để điều khiển vòng bánh rán quay và slip ring thứ ba để
chuyển dịch dữ liệu số từ dàn hàng bộ cảm biến đang quay. Những slip
rings này được chế tạo tạo với chất dẫn điện như bạc và than chì
graphit.

Hình
5 . (a) Chuyển di
theo dạng thức thông thường dùng để tham khảo; (b) và (c)
Chuyển di theo dạng thức slip ring. [5,6].
3 Helical
scanning
Helical CAT
scan (computed axial tomography scan) cũng có tên là CT vòng xoắn hay
máy quét hình xoắn ốc (helical scanner), thường dùng để lấy hình
tia X của toàn bộ một bộ phận trong cơ thể
trong vòng một hơi thở. Về phương diện thực tế, không có sự khác nhau
giữa helical CT và spiral CT. Willi Kalender và Kazuhiro Katada triển
khai và giới thiệu máy chụp CT vòng xoắn ốc đến cộng đồng khoa học vào
đầu thập niên 90’s. Có sự khác nhau giữa quét theo tuần tự (sequential
scanning, Hình 6a) và quét theo vòng xoắn (spiral scanning, Hình 6b)
:
-Quét theo tuần tự (sequential
scanning): hoàn thành vòng quay bánh rán; tiếp
theo bằng sự chuyện dịch bệnh nhân (bằng cách di chuyển bàn
bệnh nhân nằm). Sau đó, chu kỳ cứ như thế
mà tiếp tục.
- Quét theo vòng xoắn (spriral scanning)-
tiếp tục quay bánh rán and giường bệnh nhân cùng một lúc: (a) phát ra
lượng số liệu chưa chỉnh biến (raw data), từ đó hình ảnh dọc trục
được tái tạo dùng phép nội suy (interpolation); (b) với sự hiện diện
của kỹ thuật slip ring, năng lượng có thể truyền dẫn đến bánh rán
đang quay mà không cần dùng dây cáp.

Hình 6.
Hai dạng thức quét: (a) sequential scanning ; (b) spiral scanning
[6] and (c) helical scanning [8]. Trên thực tế, không có sự khác nhau
giữa “spiral ring” và “helical ring”.
Như có
thể thấy ở Hình 7, “helical scanning” bao gồm động tác liên tục của
vòng lớn với bộ cảm biến, sự di chuyển bàn bệnh nhân và truyền tải dữ
liệu.
Ở đây chuẩn trục chùm tia X (beam
collimation) tương đương với chiếu dày lát cắt.

Hình 7.
(a) Hệ CT với nhiều đơn vị cảm biến (MDCT) với những kích cỡ khác
nhau di động quanh bàn bệnh nhân như cái đu với những hàng cảm biến
nằm nằm dọc theo trục Z [7]; và (b) Helical scanning với bàn bệnh nhân,
bộ cảm biến, nguồn tia X và truyền tải dữ liệu số xảy ra cùng một lúc
[9].
So với máy
chụp cắt lớp vi tính thông thường, máy CT vòng xoắn ốc có những lợi
điểm như sau: (i) Thời gian quét nhanh và cung cấp khối lượng lớn dữ
liệu số; (ii) độ liên tục chính xác về xạ hình; (iii) ít cần phải
đăng ký vị trí lát cắt giữa hai lần quét tiếp nhau; (iv) giảm lượng
bức xạ trên bệnh nhân; (v) ít vùng giả tạo do sự di động (motion
artifacts); (vi) gia tăng độ phân giải không gian (spatial
resolution) dọc theo trục Z; (vii) cải thiện độ phân giải thời gian
(temporal resolution) – chụp cắt lớp vi tính động mạch; (viii) cần ít
chất cản quang; và (ix) thích hợp trong việc thực hiện 3D.
4 Pitch
“Pitch”liên hệ trực tiếp
đến chất lượng của hình X-quang và lượng bức xạ. Thường thì, chất
lượng hình có thể cải thiện và lượng bức xạ gia tăng khi pitch giảm,
trong khi đó phẩm lượng xạ hình trở nên xấu hơn và lượng bức xạ thấp
hơn với sự gia tăng của pitch [10].
Pitch
ảnh hường đến độ phân giải không gian
(spatial resolution) của hình chụp cơ thể và lượng X-quang bệnh nhân.
Độ pitch lớn sẽ giảm thiểu mức độ phân giải bởi vì
khoảng cách gián đoạn giữa hai lát cắt sẽ rộng hơn; ảnh hưởng đến phép
nội suy dữ liệu (data interpolation) trong lúc tái tạo hình.
Trong trường hợp của máy quét với một bộ
cảm biến (single detector CT hay SDCT), pitch được tính bằng cách chia
chiều dài di chuyển của bàn bệnh nhân với chiều dày
của một lát cắt (hay chùm tia chuẩn trục)-
Hình 8a . Pitch của máy quét với nhiều bộ cảm biến (multi-detector CT
hay MDCT), cách tính có hơi khác. Trong trường họp này, “pitch” được
tính như tỉ số của chiều dài di chuyển của
bàn bệnh nhân trong một vòng quay của bánh rán với tổng số chiều dày
của những lát cắt trong lúc vận hành CT (Hình 8c). Hệ
số pitch (pitch factor) biểu hiện sự liên quan giữa tốc độ bao phủ
vùng đối với phần mỏng nhất có thể tái tạo hình. Trong máy chụp
CT, lượng bức xạ tỉ lệ nghịch với khoảng cách chuyển
dịch .

Hình 8.
Cách tính SDCT pitch và MDCT pitch: (a)&(c) biểu hiện cách tính
“pitch” của hai cấu trúc SDCT và MDCT; (b) MDCT pitch ở những tham số
khác nhau về khoảng cách di chuyển bàn bệnh nhân và độ rộng chùm tia
(beam width) (Source: Google Images).
Vài thí dụ
về “pitch”:
(a) Khi bàn
bệnh nhân di chuyển 10 cm, máy quét cò 32 lát với độ dày mỗi lát bằng
2.5 mm; thì pitch= 100/(32x2.5)= 1.25
(b) Nếu
chiều dày của tổng số lát cắt là 10 mm và bàn bệnh nhân di chuyển 10
mm trong một vòng quay, thì pitch= 10/10= 1.0.
(c) Nếu
chiều dày của tổng số lát cắt là 15 mm và bàn bệnh nhân di chuyển 10
mm trong một vòng quay, thì pitch= 15/10= 1.5.
(d) Nếu
chiều dày của tổng số lát cắt là 10 mm và bàn bệnh nhân di chuyển 5 mm
trong một vòng quay, thì pitch= 5.0/10= 0.50.
Ở thí dụ
(b), chùm tia X đi chung với vòng xoắn kế tiếp trở nên liên tục; có
nghĩa là không có chỗ gián đoạn nào giữa
chùm tia X và không có sự xếp chồng lên nhau của chùm tia X. Trong thí
dụ (c), một khoảng cách 0.5 mm tồn tại giữa những góc cạnh của chùm
tia X của những vòng kế tiếp. Và với trướng hợp (d), vòng kế tiếp của
chùm tia X có độ xếp chồng 5 mm, gia tăng gấp hai độ bức xạ đến những
tuyến nằm phía dưới. Sự lựa chọn pitch tùy theo
việc chẩn đoán và sự cân bằng trong việc trao đổi giữa vùng bao phủ (phơi
dưới tia X) và độ chính xác (Hình 8b).
6. Kết từ
Nhiều kỹ
thuật liên quan như hệ nhận số liệu (DAS), thuật toán, slip ring và
quay xoắn ốc đã góp phần vào những tiến bộ khả quan của máy chụp cắt
lớp CT trong nhiều thập niên qua. Sự tiến bộ của hệ thống quét hình
xoắn ốc do hãng GE đề nghị và triển khai đã
gây nên ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của máy chụp CT và đã làm
phương thức “step-and-shoot” truyền thống của máy CT trở nên vô dụng.
Với hệ thống quét hình xoắn ốc, bánh rán quay liên tục; đồng thời bàn
bệnh nhân tiếp tục chuyển di về hướng bánh rán làm cho cơ thể bênh
nhân “bị cắt lát” theo hình xoắn ốc.
Kết quả, hình cắt lát mỏng hơn, độ phân giải cao
hơn và ít quầng giả tạo (artifacts). Một đột phá khác nữa trong
lãnh vực máy chụp CT là hệ thống quét đa lát (multi-slice scanning) do
Toshiba, Siemens và GE triển khai vào năm 1998. Giữa thập niên 2000’s,
các hãng đã đưa ra thị trường máy chụp CT
64 lát trong mỗi vòng quay, khởi đầu thời kỳ hiện đại của xạ hình CT.
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ thảo
luận về hệ thống máy chụp CT với nhiều bộ cảm biến (multi detector
computed tomography hay gọi tắt là MDCT), một phát triển lớn trong
lãnh vực xạ hình y học.
7.
Tài liệu tham khảo
[1]
http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Godfre-%20Hounsfield.htm
[2]
http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Tien-bo-cua-may-chup-CT.htm
[3]
https://idataresearch.com/over-75-million-ct-scans-are-performed-each-year-and-growing-despite-radiation-concerns/
[4]
Thomas Flohr: Current Radiology Report, volume 1, pp 52-63, Jan, 09,
2013.
[5] Carlo Maccia, XI National Turkish
Medical Physics Congress, 14-18 November 2007
[6] Source:
Lukas Miksik, KZMFN Motol
[7] Ehsan Ali and Guy Hoenig,
Florida Institute of Technology.
[8]
Diagnostic Radiology Physics: a Handbook
for Teachers and Students – chapter 11, 16
[9]
Hareesha N G, Dept. of Aero Engg. DSCE
[10]
K. Katada: JMAJ 45(4),
2002, 175-179.
April 2021
(University of Minnesota
& Ecosolar International)
|