
Plasma
trong việc chế tạo màng mỏng
Trần Trí Năng
University of Minnesota &
Ecosolar International
Trong số này, chúng tôi
sẽ trình bày plasma - trạng thái thứ tư
của vật chất, sau thể rắn, lỏng và thể khí mà chúng tôi đã
đề cập trong số trước. Trong trạng thái plasma, số lượng của ion mang
điện dương và hạt electron mang điện âm bằng nhau trong một đơn vị thể
tích nhất định. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận cơ cấu của hiện tượng
phóng điện phát sáng (glow discharge). Dạng này thuộc thể loại tự duy
trì plasma ion hóa yếu và có thể phát ra ánh sáng và rất thịnh hành
trong các hệ thống chế tạo màng mỏng cho công nghệ vi mạch IC và
non-IC chẳng hạn như ngưng đọng hơi hóa học bằng plasma
(plasma-enhanced chemical vapor deposition) , phún xạ catốt
(sputtering), sóng viba cộng hưởng gia tốc điện tử (microwave
ECR) , oxy hóa bằng plasma (plasma
oxidation) và polymer hóa bằng plasma (plasma polymerization).
Keywords: plasma, glow discharge, mean
free path, breakdown voltage, avalanche, gas-electron, ionization
potential, ionization potential, ionization-recombination process,
excitation - relaxation process, Paschen curve.
I’m beginning to see
the light
(trích từ bài hát của
Ella Fitzgeral với ban nhạc Duke Ellington)
Cứ nhắc đến mưa là tôi nhớ đến những tia
nắng mặt trời dịu dàng sau cơn mưa khi còn học bậc trung học ở thành
phố cảng Qui Nhơn. Tôi còn nhớ chiếc cầu vòng đối diện với hướng mặt
trời trên mặt biển. Tôi rất mê những sắc màu trong chiếc cầu vòng này
. Trông thật đẹp, thật rực rỡ và hiền dịu làm sao! . Cứ ngắm nghía
hòai không chán . Tôi mãi mê nhìn bảy sắc màu sáng chói : đỏ, cam,
vàng, , xanh lá cây, xanh lam, chàm và tím. Đặc biệt là lớp cao nhất
có màu đỏ rộn màu nắng lên. Thiên nhiên bao la và huyền diệu quá với
trăm màu vạn sắc! Những chiều cuối tuần, tôi thường thích đi lang
thang trên bãi biển nhặt những dấu chân và vài vạt nắng còn sót lại
trong ngày, hoặc nhìn cầu vòng và thích ánh sáng rực rỡ tung tăng
nhảy múa từ những bóng điện Neon khi phố lên đèn. Có những đêm tôi đi
dưới mưa , đếm “mưa bay về rơi cùng sợi mềm*” trên đường Võ Tánh .
Nhìn ánh đèn từ các tiệm ăn, tiệm rượu mà cứ ngỡ là màu của chiếc cầu
vòng đang bay lượn trước mắt tôi. Tôi yêu những màu sắc hoặc từ thiên
nhiên như chiếc cầu vòng hoặc do con người tạo ra như đèn neon vì tất
cả đều cho tôi một cảm giác say mê, nhẹ nhàng dễ chiu. Tôi tìm ở đó
sự an bình và niềm vui trong những tháng ngày sống trong ”thành phố
nhỏ nuôi mảnh đời nho nhỏ” thân thương này. Tôi vui buồn với những
thăng trầm của con phố “ thành phố buồn. Lòng tôi cũng buồn theo.
Thành phố vui. Tôi nở trọn nụ cười. Thành phố giận. Tôi thấy mình lầm
lỗi **” .
Mọi chuyện cứ diễn tiến như thế cho đến khi tôi lên lớp
đệ tam , trong giờ khoa học, thầy T dạy chúng tôi về hiện tượng plasma
và những màu sắc do các khí trơ như neon, argon, krypton tạo ra.
Vì quá thích thú với đề tài này, nên chiều ngày hôm
ấy, tôi đến gõ cửa nhà thầy T để học hỏi thêm. Trong dịp này tôi cũng
được biết thêm về cơ cấu phát sáng và các sắc màu khác nhau của bóng
đèn Neon. Chẳng hạn như khí neon cho màu đỏ, trong khi đó khí neon
hợp với khí argon và thủy ngân, tùy theo độ hỗn hợp, cho màu xanh
lợt, xanh đậm, hay xanh lá cây lợt; và khí neon hợp với helium cho
màu kim thuộc vàng (golden yellow) hay màu trắng . Rồi qua hai năm đệ
nhị và đệ nhất vì bận rộn học thi cử tú tài 1 & 2 và vật lộn với
chuyện “cơm áo” trong cuộc sống hàng ngày, tôi không còn thì giờ để
nghĩ đến câu chuyện “ những chiếc cầu vòng và đèn Neon” của tôi nữa .
Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi vào năm thứ hai đại học về ngành
điện tử ở Nhật, tôi bắt đầu quan tâm trở lại đến ”những gì có liên
quan đến ánh sáng” chẳng hạn như bộ cảm nhận ánh sáng (sensors) ,
laser, pin mặt trời và các chất phosphors . Rồi vào đầu năm thứ
tư bậc đại học khoảng đầu thập niên 70’s , trước khi tốt nghiệp tôi
được cơ hội vào phòng nghiên cứu về bán dẫn để làm luận văn tốt
nghiệp. Tôi được giao phó công tác chế tạo màng mỏng nhôm, vàng để
khảo sát sự di động (migration) của chất này trong tinh thể silic
Schottky đi-ốt . Lần đầu tiên tôi được dùng máy phún xạ catốt một
chiều (DC sputtering) để chế tạo màng mỏng kim thuộc. Chiếc máy này
trông rất thô sơ do nhóm tự lắp lấy : có vài bộ phận còn mới, còn lại
hầu hết là những bộ phận rất “xưa”. Vì là “lính mới” nên mấy đàn anh
(sempai) giao cho tôi công việc thay dầu , bảo trì máy bơm cơ khí
(mechanical pump) , máy khuếch tán (diffusion pump) và chạy máy . Có
nhiều khi mặt mày tôi lem luốt như “bị bôi lọ nồi” , hôi hám với mùi
dầu vì phải vật lộn với những chiếc máy cũ kỹ và “cứng đầu” này. Lúc
đầu thì hơi nản, nhưng lần lần mấy chiếc máy biết “nghe lời” nên thấy
“cực mà vui”. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi dùng argon và khi đặt điện
áp vào hai đầu điện cực thi tôi thấy tia sáng màu tím phát ra rất
chói mắt . Thích qúa, tôi chạy ra ngòai như muốn chia xẻ điều mình mới
tìm thấy với mọi người ; nhưng tôi cảm thấy chưng hửng khi không thấy
ai tỏ vẻ gì ngạc nhiên vì có lẽ tôi là người sau cùng thấy hiện tượng
này. “Sore wa atarimae sa (chuyện dĩ nhiên rồi!). Với đầu óc tò mò,
ngày hôm sau, chờ mọi người về hết, tôi thêm một ít khí nitrogen vào
argon, và tôi thấy màu tím từ từ đổi sang màu hồng. Thật rất là ngọan
mục! Với những điều tôi học ở lớp quang học điện tử (optoelectronics)
, tôi mới hiểu đây là phát quang tự phát (spontaneous emission) của
ions, molecules và atoms ở trạng thái kích thích “excited state” phóng
ra tia sáng trong khi trở về trạng thái an định “ground state”. Tôi
cũng học được hiện tượng này cũng tương tự với hiện tượng phát sáng ở
trong các đèn neon mà chúng ta thường thấy hàng ngày. Hiện tượng
phát sáng này được gọi nôm na là phóng điện phát sáng (glow
discharge) đóng một vai trò rất quan trọng và là “cốt lõi” của một số
kỹ thuật chế tạo màng mỏng dùng trong kỹ nghệ vi mạch IC và non-IC.
Rồi dần dà theo thời gian , tôi “mạo hiểm” sâu hơn vào thế giới
plasma . “I’m beginning to see the light” of my professional
life!
Plasma là trạng thái thứ tư của vật thể
Plasma là
trạng thái thứ tư của vật chất sau thể rắn, lỏng và thể khí tuy theo
năng lượng (energy) tác động vào [1] . Hình 1 thể hiện sự liên hệ
giữa bốn trạng thái này. Trong trạng thái plasma, số lượng của i-ôn
mang điện dương (positively charged particles) va hạt electron mang
điện âm (negatively charged particles) bằng nhau trong một đơn vị
thể tích nhất định. Số lượng lớn còn lại là nguyên tử trung tính
(neutral atoms).

Hình 1: Các trạng thái khác nhau của vật chất [1]. Vật chất
chuyển di từ thể rắn sang thể lỏng, thể khí và sau cùng đến thể plasma
với sự gia tăng năng lượng.
-
Thể rắn (solid state): Nguyên
tử và phân tử hầu như ở vị trí rất cục bộ và ít di động trong cấu trúc
tinh thể, mặc dù nguyên tử có chấn động với một mật độ dao động nhỏ.
Có thể tích và hình thể rõ rệt.
- Thể lỏng (liquid state): Khi năng
lượng tăng lên, độ chấn động cũng tăng lên tới mức độ cấu trúc tinh
thể bị hủy hoại. Các nguyên tử bắt đầu di động nhiều hơn nhưng vẫn
còn ở trong tầm kích của các nguyên tử láng giềng. Đây là trang thái
dính (viscous state). Có thể tích nhất định nhưng thay đổi tùy theo
hình thể của môi trường chứa.
- Thể khí (gaseous state): Thêm nhiều
năng lượng hơn nữa, độ dính (viscous) giảm; những thành phần cá nhân
(individual constituents) của trạng thái lỏng bắt đầu được “tự do” và
bắt đầu di động độc lập với nhau. Sẽ không có thể tích và hình thể
nhất định nào cả.
- Thể plasma (plasma state): Khi năng
lượng tăng lên rất cao, thành phần trung tính (neutralized components)
bị ion hóa. Một tập thể (ensemble) gồm hạt electron, ion và hạt trung
tính được hình thành.
-
Ngưng tụ Bose - Einstein (Bose-Einstein condensation). Trạng thái này
xảy ra khi nhiệt độ hạ xuống tới mức cực thấp gần nhiệt độ tuyệt đối
(0 K hay -273.15 C). Ở tình trạng này, các nguyên tử không còn di động
được nữa. Chúng tôi sẽ không thảo luận trạng thái này trong bài
viết này và không đề cập đến trong hình 1.
Plasma là gì?
Phần lớn vật chất trong vũ trụ
tồn tại dưới dạng plasma.
Phương pháp thông thường để tạo plasma là tác động nhiệt bằng cách
nung nóng chất khí. Hiện tượng dùng nhiệt này thường được thấy trong
thiên nhiên, chẳng hạn như các vì sao, tia điện, ngọn lửa và tia chớp.
Ở nhiệt độ thông thường (270C), số lượng hạt mang điện độc
lập rất ít. Để có một số lượng hạt mang điện đủ lớn để tạo nhiệt
plasma, cần phải có một nhiệt độ rất cao, khoảng từ 3.7270C
đến 19.7270C tùy theo từng loại khí sử dụng. Điều này khó
có thể thực hiện được cho việc chế tạo màng mỏng dùng trong các linh
kiện bán dẫn, vì với nhiệt độ cao như vậy các phòng chứa plasma sẽ bị
đốt cháy. Do đó, chúng ta phải dùng điện áp, điện trường và từ trường
để tạo ion hóa plasma yếu (weakly ionized plasma).
Trong phương pháp này, chỉ có hạt mang điện (charged particles) trong
plasma mới đạt được năng lượng. Một khi năng lượng (energy) cần thiết
đã đủ, hạt electron tự do có thể ion hóa nguyên tử khí để tạo ra
plasma.
Loại plasma dùng trong công nghệ vi mạch IC
và non-IC thường được gọi là glow discharge (phóng điện phát sáng).
Dạng này thuộc thể loại tự duy trì plasma (a self-sustaining
plasma) với ion hóa yếu (weakly
–ionized plasma) và có thể phát ra ánh sáng.
Hãy tưởng tượng khi chúng ta ném trái bóng từ một khoảng cách ngắn vào
một ngôi nhà cao tầng, trái bóng sẽ đổi hướng nhưng không mất năng
lượng và tòa nhà vẫn đứng im bất động vì khối lượng (mass) của tòa nhà
quá lớn so với khối lượng của trái bóng; vả lại, tốc độ và động năng
(kinetic energy) của trái bóng quá
nhỏ. Trong trường hợp này, sẽ không có sự chuyển nhượng năng lượng
(energy transfer). Hiện tượng này
được gọi là xung đột đàn hồi (elastic collision).
Nhưng khi trái bóng được ném từ một khoảng cách xa với gia tốc nhanh
thì có thể đạt được một tốc độ lớn, lúc đó trái bóng sẽ xung đột với
tòa nhà với một động năng lớn. Vì thế, sẽ có sự chuyển nhượng năng
lượng và hiện tượng này được gọi là xung đột không đàn hồi (inelastic
collision). Sự xung đột của các hạt
electron - chất khí (gas - electron) cũng vậy. Cứ tưởng tượng trái
bóng là hạt electron và tòa nhà là nguyên tử. Khối lượng (mass) của
hạt electron quá nhỏ so với khối lượng của nguyên tử, nên hầu hết các
xung đột giữa các hạt electron -chất khí thuộc về dạng đàn hồi. Vì thế
để có xung đột không đàn hồi, hạt electron phải đi một khoảng cách xa
với gia tốc và chiều dài di động của
hạt electron (electron path length) lớn hơn khoảng cách trung bình của
sự di động tự do (mean free path). Dưới ảnh hưởng của điện áp, hạt
electron tự do sẽ có đủ động năng để ion hóa hay kích thích nguyên tử
khí. Có nghĩa là khi một lượng đáng kể năng lượng được vận chuyển đến
nguyên tử như trong quy trình xung đột không đàn hồi, nguyên tử bị ion
hóa và hạt electron được kích thích và thoát ly ra khỏi nguyên tử. Sự
xung đột này tạo nên trạng thái gọi là tác động ion hóa (hình 2a), cho
ra một ion dương và hai hạt electron. Hạt electron sau khi được tự
do, với sự gia tăng điện trường sẽ tiếp tục gây ra sự xung đột tương
tự cho ra nhiều hạt electron khác. Hiện tượng gia tăng với tính chất
dây chuyền này được gọi là hiệu ứng tuyết lở (avalanche) và chúng sẽ
dẫn đến hiện tượng “thủng” điện áp (breakdown voltage). Năng lượng tối
thiểu cần thiết để dời hạt electron kết nối lỏng lẻo (weakly
bound electrons) trong nguyên tử thoát ly
ra khỏi nguyên tử được gọi là ion hóa điện thế (ionization potential).
Hình ảnh này cũng giống như một con vật bị cột lỏng
và giam giữ dưới hầm, nó cần một năng lượng để thoát ra ngoài. Năng
lượng tối thiểu đó tương đương với ion hóa điện thế của hạt electron.
Hiện tượng ngược lại với quá trình ion hóa
(ionization process) này được gọi là quá trình tái kết hợp
(recombination process), lúc này hạt electron thoát ly trong quá trình
ion hóa kết hợp với ion dương đưa đến trạng thái trung hòa (hình 2b).
Quá trình ion hóa và quá trình tái kết hợp đi đôi với nhau thành một
cặp. Nếu năng lượng nhỏ hơn điện thế ion hóa như trong quá trình xung
đột đàn hồi, chúng ta cũng có một quá trình khác đi đôi với nhau thành
một cặp gọi là quá trình kích thích - thư giãn (excitation -
relaxation process). Khi hạt electron xung đột với nguyên tử, hạt
electron gò bó (bound electron)
trong nguyên tử được phóng ra, chúng ta có trạng thái kích thích như
trong hình 2c. Lượng năng lượng chuyển đến hạt electron gò bó sẽ làm
hạt này nhảy vọt lên tầng năng lượng cao hơn. Trạng thái kích thích
này thường được chỉ định với dấu sao (asterisk)
trên đầu tên nguyên tử đang bị tác động.
Cũng giống như trong trường hợp ion hóa, một lượng năng lượng tối
thiểu trở thành cần thiết để hiện tượng kích thích xảy ra và năng
lượng này được gọi là điện thế kích thích (excitation potential).
Ngược với hiện tượng kích thích là hiện
tượng thư giãn. Ở hiện tượng này, hạt electron từ một trạng thái kích
thích không an định (unstable excited state) sẽ trở về trạng thái an
định (ground state), như trong hình 2d. Sự chuyển tiếp năng lượng này
cho ra photôn hay quang tử (photon), nguồn gốc của hiện tượng phóng
điện phát sáng (glow discharge).

2a. Tác động ion hóa điện
tử

2b. Tái kết hợp

2c. Kích thích

2d. Thư giãn
Hình 2: Những quá trình khác nhau của sự va
chạm hạt electron với chất khí [2]
Đường cong Paschen
(Paschen curve)
Đánh thủng điện áp trong quá trình xung đột
không đàn hồi biến đổi theo tích số của áp xuất P và khoảng cách d
giữa hai điện cực. Ở trạng thái “vỡ” khí này, dòng điện chạy trong
mạch điện bên ngoài khi nhiều hạt điện tử tự do được thu thập ở anốt.
Sự biến đổi của đánh thủng điện áp với tích số Pd được diễn ra rõ rệt
hơn ở hình 3. Đường cong này được gọi là đường cong Paschen (Paschen
curve)(***). Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy giá trị tối
thiểu của đánh thủng điện áp với những chất khí khác nhau: Không khí,
thủy ngân, hydrogen, argon và neon. Nếu chúng ta dùng đánh thủng điện
áp làm điểm tham khảo, thì ở vùng phía bên trái, khi tích số Pd nhỏ,
sự xung đột của electron - ion còn ít và sản lượng của điện tử thứ cấp
(secondary electron) không đủ để duy trì tình trạng ion hóa và phóng
điện phát sáng. Trường hợp ngược lại, khi tích số Pd lớn, con số xung
đột electron - ion tăng lên, vì thế phóng điện phát sáng không thể duy
trì được. Trên thực tế người ta dùng tích số Pd nằm ở phía trái đường
cong của đánh thủng điện áp (hình 3). Những đường cong Paschen
cho các chất khí khác nhau này được dùng
như là một dụng cụ tham khảo khi giải quyết những công việc liên quan
đến phóng điện phát sáng. Nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hình thái
của đường cong Paschen, chẳng hạn như: tính
không đều của bề mặt, nhiệt độ, độ ẩm, bụi…

Hình 3: Đường cong Paschen
(Paschen curves) của một số khí khác nhau [2]
Các phản
ứng tổng quát trong plasma
Nếu A
là tên nguyên tử khí, thì các phản ứng tổng quát có thể biểu hiện như
dưới đây:
Ion
hóa

Tái kết hợp:

Kích thích:

Thư giãn

Phân ly

Phân ly/ion hóa

Ion hóa do hạt electron tác động chỉ có thể
xảy ra khi năng lượng của electron vượt quá ion hóa điện thế của
nguyên tử hay phân tử (Bảng 1).
Nguyên tử |
Ion hóa điện thế
(eV) |
Phân tử
|
Ion hóa điện thế
(eV) |
H |
13,6 |
H2 |
15,4 |
He |
24,6 |
CH4 |
13 |
Ne |
21,6 |
C2H2 |
11,4 |
Ar |
15,8 |
N2 |
15,6 |
Kr |
14 |
NH3 |
11 |
Si |
8,1 |
O2 |
12,2 |
Al |
6 |
H2O |
12,6 |
N |
14,5 |
HF |
17 |
O |
13,6 |
CCl4 |
11,1 |
F |
17,4 |
SiH4 |
12,2 |
Bảng 1: Tóm tắt điện thế
ion hóa của một số nguyên tử và phân tử thường dùng
Hiện tượng phóng điện phát sáng một chiều
Hiện tượng phóng điện phát sáng một chiều
(DC glow discharge) được thực hiện khi chúng ta đặt điện áp
chẳng hạn như 100 V ở hai đầu điện cực (hình
4). Chúng ta sẽ quan sát sự di động của hạt electron và ion dương
(positive ion) trong không gian giữa hai điện cực. Điện trường được
tính như tỷ số giữa điện áp V và khoảng cách d, nói một cách khác là
tỷ số V/d.

Hình 4a: Những ion
dương di động với gia tốc về phía cực âm (catốt). Xung đột với catốt
phát ra nhiều điện tử trung tính. Những hạt điện tử này sẽ di chuyển
từ catốt đến cực dương anốt xuyên qua vùng plasma do điện trường gây
ra

Hình 4b: Những hạt
electron mới hình thành di động với gia tốc về hướng cực dương (anốt)

Hình 4c: Với điện áp đủ
cao, hạt electron xung đột với nguyên tử khí trung lập tự tạo thành
những ion mang điện dương và thêm một hạt electron mới. Quy trình này
tiếp tục với con số ion và electron tăng lên rất nhanh
Trong hình 5, một lượng lớn ion dương xuất
hiện trước catốt. Hạt electron gần catốt bị đẩy đi với gia tốc nhanh
vì khối lượng nhỏ. Trong khi đó, với sự giúp sức của điện trường, ion
di động với gia tốc chậm về hướng catốt, vì ion có khối lượng lớn nên
cần nhiều thời gian để đi qua vùng tối (dark space) hơn là hạt
electron. Trong vùng tối, lượng ion sẽ nhiều hơn so với lượng hạt
electron. Kết quả là lượng ion gia tăng với một mức độ khá lớn ở vùng
lân cận của catốt. Điều này ám chỉ điện trường trong những vùng còn
lại yếu hơn và đồng dạng hơn. Số ion và hạt electron phải trải qua một
gia tốc lớn nhất trong vùng này. Thế nên, hạt electron trong vùng tối
gia tốc rất mạnh và di chuyển xuyên qua vùng này rất nhanh, để lại sự
giảm nhanh mật độ electron. Mặc dù có ít hạt electron, nhưng hạt này
có thể đạt được năng lượng cao do sự gia tốc bởi điện trường. Khi
những hạt electron xung đột với nguyên tử khí trong vùng tối, những
hạt electron thường tạo ra ion hóa hơn là kích thích. Kết quả là ít
ánh sáng được tạo ra hơn. Khi áp suất trong phòng chứa plasma giảm,
xác suất của những sự xung đột cũng sẽ giảm và vùng tối lan rộng hơn.
Nếu áp suất quá thấp, vùng tối sẽ bành trướng hơn nữa và vùng phát
điện sẽ biến mất.

Hình 5. Các vùng khác nhau
của phóng điện phát sáng một chiều [2]
Hình 5 diễn tả các vùng khác nhau của phóng
điện phát sáng, chẳng hạn như vùng phát sáng (vùng phát sáng catốt,
vùng phát sáng âm), vùng tối (vùng tối catốt, vùng tối Faraday, vùng
tối anốt). Vùng tối Aston (Aston dark space) là một vùng rất mỏng
chứa hạt electron với năng lượng thấp di động ngược chiếu với ion có
năng lượng cao. Vùng phát sáng catốt (cathode glow) là một vùng rất
mỏng nằm gần catốt , và trong nhiều trường hợp khó có thể thấy. Nằm
gần vùng phát sáng catốt là vùng tối catốt (cathode dark space)
thường được gọi là vùng tối Crooke. Ở vùng tối Crooke này, hầu hết
các điện thế phóng điện qua vùng này; vùng này cũng có điện trường
lớn và một con số khiếm khuyết hạt electron (đó là lý do mà vùng này
tương đối tối!) và thường được biết với cái tên vùng bọc điện tích
không gian (space charge sheath) hay vùng bọc catốt (cathode sheath)
. Vùng phát sáng âm (negative glow), là một vùng rất sáng có mật độ
hạt electron và ion bằng nhau, khoảng từ 109 tới 1013/cm-3.
Khi catốt va anốt được rút ngắn
lại như trong trường hợp của các hệ thống chế tạo màng mỏng - nơi mà
anốt sẽ nằm ngay trong vùng plasma, vùng tối catốt và vùng phát sáng
âm (negative glow) sẽ không bị ảnh hưởng. Khoảng cách giữa catốt và
vùng phát sáng âm ước lượng vào khoảng 2-3 lần chiều dày của vùng tối
gần catốt (cathode dark space) và vào khoảng 10 lần quãng đường trung
bình của sự di động tự do. Hình
6 diễn tả trạng thái này; nơi mà điện thế gia tăng theo dạng tuyến
(linear) từ - VC ở vùng vùng tối catốt (hay vùng cathode
sheath) đến VP nơi vùng phóng điện phát sáng rồi giảm dần
xuống zero ở vùng tối anốt.

Hình 6: phân phối điện áp trong vùng DC phóng điện phát sáng.
Trong vùng phát sáng âm và cột dương
(positive column), mật độ ion và hạt electron bằng nhau. Tuy nhiên,
mật độ hạt electron trong vùng phát sáng âm cao hơn. Ở vùng tối
Faraday (Faraday dark region) , hạt electron mất hầu hết năng lượng do
ion hóa hay do xung đột có tính đàn hồi. Kết quả là năng lượng còn lại
trong những hạt electron trở thành quá yếu để kích thích khí nguyên tử.
Trong cột dương, hạt electron được gia tốc bởi điện trường cục bộ
(localized electric field) và những tổn thất chính là do sự khuếch tán
đến bức tường của vật chứa gần anốt và vì không đủ hạt electron nên
trở thành vùng tối anốt (anode dark space). Nơi đây sự phân phối điện
thế không thuộc tuyến (linear) và điện trường vì thế không trở thành
nhất định.
Những thông số liên quan đến điện thế phát
sáng
Chúng ta có ion, điện
từ và trung tính trong phóng điện phát sáng (plasma). Ở trạng thái
này, khối lượng m, nhiệt độ T( bằng đơn vị Kelvin) và tốc độ trung
bình
 có
những con số sau đây.
Trung tính

Ions

Electrons


Mật độ dòng electron
je
và mật độ dòng ion
ji
có thể tính dùng những phương trình sau và giả sử rằng số hạt
electron và số ions bằng nhau
:

Các loại khí khác nhau cho màu sắc khác
nhau
Dưới đây là ví dụ về màu sắc của phóng điện
phát sáng trong máy phún xạ catốt với những chất khí phún xạ khác nhau
trong việc chế tạo màng mỏng (hình 7). Chẳng hạn như phóng điện phát
sáng dùng trong việc chế tạo màng mỏng ITO (Indium Tin Oxide). Nếu
dùng khí argon thôi, thì phát sáng sẽ có màu tím (hình 7b) và nếu thêm
3% khí oxy vào khí argon, thì màu phát sáng sẽ đổi sang màu cam (hình
7a)

(a) 97% Ar+ 3%
oxygen (b) Argon only
Hình 7: Sắc màu của phóng
điện phát sáng khác nhau như trong trường phún xạ catốt trong việc chế
tạo màng mỏng ITO [3]

8a
8b
Hình 8: Khi dùng khí
argon như là khí phún xạ để chế tạo màng mỏng CuZnSnS4, màu của phóng
điện phát sáng là tím (hình 8a). Tuy nhiên, với hỗn hợp của khí argon
và khí nitrongen để chế tạo TiN, màu phát sáng trở thành xanh đậm (hình
8b) [3]
Tương tự, trong quá trình
chế tạo màng mỏng CuZnSnS4, khi argon được dùng như là khí phún xạ, phóng
điện phát sáng có màu tím (hình 8a). Trong khi đó, với hỗn hợp của
khí argon và nitrongen để chế tạo TiN, màu phát sáng trở thành xanh
đậm (hình 8b)
Một cách tổng quát, ở một nhiệt độ nhất
định, màu sắc của phóng điện phát sáng trong các hệ thống chế tạo màng
mỏng cũng theo một nguyên tắc điều khiển chức năng trong bóng đèn
neon. Thường thường ở những đèn neon chúng ta dùng hàng ngày có màu đỏ
cam ở áp suất 2 mm Hg (chân không 2 Torr). Ngoài ra, màu sắc của dòng
điện phát sáng cũng khác nhau tùy theo loại khí trơ được dùng, chẳng
hạn như helium (đỏ hồng), argon (màu tím), krypton (vàng xám) va xenon
(xanh nhạt hơi pha đỏ) như trong hình 9.

Hinh 9: Phóng điện phát sáng trong các bóng đèn với những khí trơ khác
nhau [4]
Màu của những bóng đèn neon này có thể thay
đổi bằng cách hỗn hợp với những khí trơ khác như helium và argon ở
những thành phần hỗn hợp khác nhau. Neon hỗn hợp với helium có thể có
màu trắng, hổ phách hay vàng bóng; trong khi đó neon kết hợp với
helium và argon, sẽ có các màu như xanh nhạt, xanh lợt hay xanh đậm
[3]. Một loại khí khác là thủy ngân thường được hợp chung với argon
dùng trong đèn huỳnh quang. Thủy ngân được dùng vì có áp suất hơi cao,
điện thế ion hóa thấp và dùng được lâu. Để kết thúc phần này, chúng
tôi xin mạo muội dùng bức hình chụp thành phố Sài Gòn về đêm rực sáng
với những bóng đèn neon đủ sắc màu, một hiện tượng phát sáng mà chúng
ta thường thấy hàng ngày, để gợi lại phần phóng điện phát sáng quan
trọng trong việc chế tạo những linh kiện bán dẫn mà chúng ta
dùng trong kỹ nghệ điện tử hiện nay (hình
9).

Hình 10. Những sắc màu đèn Neon khác
nhau ở thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết năm 2011 [5]
Hiện tượng phóng điện phát sáng này có màu
sắc khác nhau tùy theo loại khí dùng và có nhiều ảnh hưởng đến tính
năng của màng mỏng được tạo ra.
____________________________
(*)Trong bài hát “ Em ơi lá thu mưa”
của Hoàng Thảo Du
(**) Trần Bình An
(**)
Gọi theo tên của ông Friedrich Paschen, nhà
khoa học người Đức gốc Áo đã khám phá ra hiện tượng này năm 1908.
Tài liệu tham khảo
1.
F. Chen,
Introduction to Plasma Physics and Controlled Fusion, Plenum Press,
New York, 1984.
2.
M. Ohring,
Materials Science of Thin Films, Academic Press, 2001.
3.
http://www.tutorvista.com/chemistry/uses-of-noble-gases
4.
http://en.wikipedia.org/wiki/Discharge_tube
5.
http://www.travelpod.com/travel-blog-entries/twoteachers/1/1294050748/tpod.html
|