Tính
không đồng nhất của thỏi nam châm dùng trong từ trường máy Bo ảnh
hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh và sự tạo thành những quầng giả
tạo trong hình.
1. Tính đồng nhất của từ trường
Những vần đề liên quan đến tính không
đồng nhất của từ trường bao gồm: sự chắn, bóng mờ (shading), biến
dạng không gian (spatial distortion), độ nhòe (blurring), tổn thất
về cường độ (intensity loss), mô dạng của lát cắt mặt cong (curved
slice profiles), và những quầng giả tạo
(artifacts) có dạng hình moiré ngựa rằn (zebra moiré banding
artifacts).
Tính đồng nhất ám
chỉ độ thuần nhất của một từ trường ở trung tâm của máy quét lúc
không có bệnh nhân. Tính
đồng nhất của từ trường được đo bằng đơn vị phần triệu (parts per
million hay ppm) qua đường kính của một
thể tích hình cầu (diameter of a spherical volume hay được gọi tắt
là DSV). Thường thì độ đồng nhất phải giữ ở mức
độ nhỏ hơn 1 ppm. Một thí dụ điển hình
của sự giới hạn này là trường hợp của nước và mỡ với độ cộng chấn
khác nhau chỉ có 3.5 ppm. Một từ trường có độ không đồng nhất
gần 3 ppm vì thế sẽ không thể phân biệt được hình ảnh của nước hay
của mỡ!
Hình 1 biểu hiện
chi tiết hơn về phương pháp xác định độ không đồng nhất.
Khi nói một thỏi nam châm 3.0 Tesla
(T) có thể bảo đảm có một độ đồng nhất nhỏ hơn 1 ppm qua đường kính
DSV 40 cm. Thế có nghĩa là không cò hai điểm nào trong vòng +- 20 cm
của vùng trung tâm (isocenter) của thỏi
nam châm khác nhau bởi một từ trường nhiều hơn 1 phần triệu, hay
không quá 3T x (1/1.000.000) hay 0.000003T [1].

Hình 1.
Tính đồng nhất của từ trường trong máy chụp
hình cộng hưởng từ MRI.
(a) Tính đồng nhất của từ trường được
đo bằng đơn vị phần triệu (ppm) trên đường kính của một thể tích
hình cầu (DSV).
(b) Độ đồng nhất của từ trường được
xác định từ nhiều góc độ trên những mặt phẳng khác nhau trong thể
tích hình cầu [2].
2. Sự chêm đệm
Chêm đệm
(shimming) là quá trình làm cho từ trường máy Bo đồng nhất hơn.
Ngay cả với tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt
về độ dung sai (tolerances), tính đồng nhất của thỏi nam châm dùng
trong MRI khi mới vừa giao đến khách hàng từ hãng chế tạo thường có
khoảng 2 bậc khuếch đại độ lớn (orders of magnitude) lớn hơn tiêu
chuẩn quy định ở trên. Khi thỏi nam châm được đặt trong hệ thống
chụp hình MRI, từ trường sẽ biến dạng nhiều hơn nữa do chất
kim loại trong đường ống, đường dây, ống
dẫn (ducts) và hàng giàn của các cấu trúc trong môi trường thiết lập
gần máy. Trường phụ (fringe fields) chung
quanh của máy quét gần đó cũng ảnh hưởng đến từ trường của thỏi nam
châm vừa mới áp đặt.
Sự chêm đệm có thể
chủ động, thụ động hay cả hai.
Sự chêm đệm thụ động (passive shimming)
được thực hiện bắng cách áp đặt một số đĩa đệm kim loại hay viên
từ nhỏ (ferromagnetic pellets) vào nhiều lỗ hốc nằm chung quanh bánh
rán. Một thí dụ của sự chêm đệm thụ động được
biểu hiện ở Hình 2.
Trong trường hợp
của sự chêm đệm chủ động (active shimming), dòng diện được cho chạy
xuyên qua những cuộn xoắn đặc biệt để cải thiện tính đồng nhất.
Môi trường dẫn điện có thể hoặc theo dạng
siêu dẫn hay theo dạng điện trở.

Hình 2.
Chêm đệm thụ động được thực hiện bằng cách ráp đặt những đĩa đệm
kim loại bên trong bánh rán (chiều mũi
tên màu vàng). Nhân viên kỹ thuật có thể điều
chỉnh những đĩa đệm này để đạt độ đồng nhất từ trường mong muốn [3].
3. Một thí dụ
(Ảnh hưởng của sự không đồng
nhất từ trường trên T2*)
Trên thực tế, thời
gian suy giảm tín hiệu lại còn ngắn hơn dự kiến vì tác động từ
trường trong các mô không đồng nhất.
Thời gian này gọi là T2*. Thời vang (TE)
càng dài thì ảnh hưởng của T2* càng rõ ràng hơn [4].
Như đã mô tả trong những bài viết
trước [5-6], từ hóa ngang (dọc theo mặt x,y)
mất nhanh ngay cả trước khi từ hóa dọc theo trục z khôi phục hoàn
toàn vì sự dao động và va chạm của protons; vectơ từ hóa ngang suy
giảm dần trong thời gian T2. Tuy nhiên trong môi
trường cơ thể, tín hiệu cộng hưởng từ thường không tồn tại trong
suốt thời gian T2 và mất khá nhanh. Thế
có nghĩa là trên thực tế, thời gian hồi giãn ngang ngắn hơn so với
thời gian hồi giãn ngang T2. Để phân biệt rõ ràng thời gian
T2 thực tế với thời gian T2 thông thường, người ta dùng khái niệm
thời gian hồi giãn ngang T2* (hay T2- star).
Sự suy giảm nhanh chóng tín hiệu cộng
hưởng từ này phần lớn là do tình trạng không đồng nhất của từ trường
cục bộ và độ xê dịch hóa học có sẵn giữa các proton của mỡ và của
nước. Thuật ngữ T2 được dùng với ý nghĩa thông
thường là thời gian hồi giãn ngang và mỗi mô cơ thể có một giá trị
T2 khác nhau. Trong khi đó thuật ngữ T2* được dùng thay cho
T2 trong những trường hợp đặc biệt với mục đích là khảo sát ảnh
hưởng của những nguyên nhân khác như tình trạng không đồng nhất của
từ trường cục bộ và độ xê dịch hóa học.
Nếu gọi T2* là thời gian quan sát
(observed) hay hiệu lực (effective) của T2 dưới ảnh hưởng của sự
không đồng nhất của từ trường, chúng ta có thể tính T2* dựa vào
phương trình đưới đây:
1/T2*= 1/T2(true)
+ 1/T2 (inhomogeneity).
T2* vì thế luôn
luôn nhỏ hơn hay bằng T2 như có thể thấy ở Hình 3.

Hình 3.
Sự biến đổi của T2 và T2 star với thời gian vang (echo time)
TE [7].
Hình T2* có thể
dùng để làm làm rõ nét sự hiện diện của những vật thể liên
quan đến máu - như u tế bào não hay mô mạch máu não (cerebral
haemangioma) như được chỉ định bằng mũi tên trong Hình 4.

Hình 4.
T2* dùng để xác định rõ sự hiện diện
của u tế bào não (cerebral haemangioma/ haemanglomia) với mũi tên
trong hình [4].
4. Lời kết
Một trong những
nguyên nhân tạo nên thời gian hồi giãn ngang T2* và vì thế ảnh hưởng
chất lượng hình ảnh là tính không đồng nhất của từ trường của thỏi
nam châm. Vì thế, sự
chêm đệm và có thể một số phương pháp
tương tự có thể được thực hiện nhằm cải thiện hình ảnh chụp được của
máy quét cộng hưởng từ MRI. T2* còn đóng vai trò
quan trọng, làm nền tảng cho một kỷ thuật khác có tên là chức năng
MRI (functional MRI) mà chúng tôi sẽ thảo luận trong một số bài viết
trong tương lai.
5. Tài liệu tham khảo
[1]https://mriquestions.com/why-shimming.html
[2]
Keller P. Technologies
for precision field mapping. MetroLab Instruments (www.metrolab.com),
Geneva, 2006
[3] Jezzard P. Shim
coil design, limitations and implications
. Abstracts from the International
Society of Magnetic Resonance in Medicine (ISMRM) Annual Meeting,
May, 2006.
[4]
Graham Lloyd-Jones BA MBBS MRCP FRCR -
Consultant Radiologist -
Salisbury NHS Foundation Trust UK
[5]
http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Technology%20in%20Medicine-%20Part%2018-03082022.htm
[6]
http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Technology%20in%20Medicine-%20Part%2019-03312022.htm
[7] Govind B. Chavhan et al.
https://pubs.rsna.org/doi/10.1148/rg.295095034
May 20, 2022