Tương lai Kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch
Trần Văn
Thọ Năm nay Việt Nam kỷ niệm 75 năm Quốc khánh. Đối với quá trình phát triển của một đất nước, thời gian 75 năm là rất dài. Thông thường nếu hoàn toàn ở trong thời bình và có chiến lược, chính sách đúng đắn thì chỉ cần 60 năm để một nước chậm tiến vươn lên địa vị của một nước tiên tiến. Sau 1945, một số nước ở Á châu đã thực hiện quá trình vươn lên đó trong thời gian ngắn hơn, chỉ độ 40 năm. Việt Nam ta từ 1945 đến nay, chiến tranh và đường lối phát triển sai lầm trước đổi mới đã làm mất đi hơn 40 năm, khoảng 30 năm gần đây mới thực sự bước vào quá trình phát triển. Kinh tế Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp từ 10 năm trước. Từ đó chúng ta bàn luận làm sao để phát triển thành nước trung bình cao và sau đó tiếp tục vươn lên thành nước tiên tiến. Để phác họa con đường phát triển tương lai, cho đến gần đây chúng ta thường tham khảo kinh nghiệm các nước đi trước, và dựa trên các khung mẫu lý luận đã được xác lập, dĩ nhiên có tính toán đến những thay đổi về khoa học, công nghệ, về địa chính trị, về phân công quốc tế, v.v.. Nhưng đại dịch Cocid-19 đã làm thay đổi tất cả. Ta phải thay đổi tư duy phát triển và vẽ ra một viễn ảnh mới về tương lai Việt Nam. Thế giới Hậu Corona hay Với Corona? Hiện nay chúng ta chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt đại dịch Corona, bao giờ sẽ có vaccine để trị dịch và ngăn ngừa lây nhiễm. Thế giới sẽ bước vào giai đoạn Hậu Corona (Post Corona) hay thế giới sẽ phải sống chung với Corona (With Corona)? Dù tính bất xác định còn cao, chưa biết tình hình sẽ triển khai theo hướng nào, nhưng có hai điều hầu như chắc chắn. Một là, dù đại dịch lần nầy có thể khắc phục nhưng trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra các nạn dịch khác. Cho đến nay loài người đã chứng kiến 4 lần đại dịch (thế kỷ 14, thế kỷ 15, năm 1918 và 2020) và nhiều lần khác với quy mô nhỏ hơn. Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch. Ta phải tích cực tìm ra sự chuyển hoán mới chứ không nên mong tình thế trở lại bình thường như trước. Hai là, qua đại dịch lần nầy chúng ta thấy được thế nào là một xã hội nhân văn, thế nào là cuộc sống chất lượng cao, một phương thức làm việc hợp lý, v.v.. Tổng hợp các yếu tố liên quan hai điểm trên, chủ động phác họa một xã hội lý tưởng, thích nghi với khả năng dịch bệnh tái phát và dựa trên những thay đổi về công nghệ, có thể nêu ra viễn ảnh của thế giới trong tương lai như sau: Thứ nhất, tính chất “tập trung” của hoạt động kinh tế, xã hội có hiệu quả làm tăng hiệu suất nhưng sẽ phải thay đổi để đối phó với dịch bệnh. Đô thị hóa, tập trung dân số sẽ chững lại hoặc phân tán về các địa phương. Trong tương lai, “tập trung vừa phải”, qui mô vừa phải sẽ là hình mẫu của đô thị. Việc tiếp xúc giữa người vơi người phải bị hạn chế nên các ngành dịch vụ có tính cách tập họp đông người như vui chơi, ca nhạc, hội thảo, sẽ phải giảm hoặc chuyển sang hình thực “từ xa”. Thứ hai, phương thức làm việc sẽ thay đổi. Sẽ ngày càng có nhiều công việc, nhiều người làm việc tại nhà. Trên phạm vi quốc tế, người ở nước nầy có thể quản lý công việc tại nước khác, làm giảm nhu cầu di chuyển. Công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển giúp cho phương thức làm việc tại gia, tại nơi mình ở thực hiện dễ dàng. Thứ ba, trong mùa có dịch, cùng với số lượng lao động làm việc tại gia ngày càng đông, người lãnh lương hưu, người được người thân phù dưỡng và nhiều người khác sẽ sinh hoạt ở nhà (stay home). Nhưng xã hội vẫn phải cần những người lao động làm việc ở bệnh viện và các cơ sở sản xuất. Đó là những lao động thuộc loại thiết yếu (essential workers) như bác sĩ/nhân viên y tế, lao động sản xuất thực phẩm, nhân viên làm việc trong siêu thị, trong hoạt động lưu thông, giao thông, chuyên chở. Đó là những người dấn thân vì cộng đồng, xã hội cần có biện pháp khích lệ và biết ơn họ. Thứ tư, trong thời đại phải sống chung với dịch bệnh, sẽ có nhiều người do tính chất của nghề nghiệp họ không thể làm việc tại gia nhưng không thuộc loại lao động thiết yếu nói ở trên nên phải chịu thất nghiệp hoặc thu nhập rất thấp. Chúng ta phải nghĩ đến biện pháp tái phân phối thu nhập để cứu giúp những người đó. Chẳng hạn nhà nước đưa ra chính sách cung cấp thu nhập cơ bản (basic income) cho tất cả mọi người ở dưới giới tuyến nghèo. Thứ năm, thực phẩm và hàng hóa liên quan y tế ngày càng thiết yếu. Vì an ninh quốc gia, các nước sẽ ngày càng ưu tiên cung cấp cho các nhu yếu phẩm nầy. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ưu tiên nước mình mà một số nước gần đây đã áp dụng sẽ có khuynh hướng mạnh hơn. Thứ sáu, cùng với điểm thứ năm vừa nói, nhiều yếu tố khác cũng làm cho khuynh hướng toàn cầu hóa yếu. Nói chung kinh tế các nước gặp khó khăn sẽ không tích cực trong hội nhập. Từ sau khủng hoảng tiền tệ thế giới năm 2008, khuynh hướng toàn cầu hóa đã chững lại. Các chỉ tiêu chính như tỉ lệ của xuất khẩu hoặc kim ngạch đầu tư trục tiếp (FDI) trên GDP toàn cầu đã giảm nhiều vào năm 2017, so với năm 2007. Dịch bệnh Corona có khuynh hướng làm yếu toàn cầu hóa. Lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động bị hạn chế. Đặc biệt lao động giản đơn di chuyển phải tập trung tại các cơ sở sản xuất nên dễ lây bệnh. Để tránh rủi ro đó, các nước thiếu lao động sẽ tích cực dùng người máy trong những lãnh vực có thể dùng được thay vì nhập khẩu lao động. Công nghệ thông tin trong 25 năm qua đã thúc đẩy toàn cầu hóa (vì giảm chi phí kết nối quốc tế) nhưng bây giờ sẽ chuyển sang giai đoạn làm yếu toàn cầu hóa vì sẽ làm cho các dịch vụ, quản lý có thể thực hiện từ xa, không cần di chuyển lao động. Con đường phát triển của VN trong thời đại mới Tư duy phát triển trong thời đại mới phải như thế nào? Theo tư duy cũ, con đường phát triển của một nước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó sang thời đại hậu công nghiệp trong đó các ngành dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Trong công nghiệp lại có các giai đoạn từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng và công nghiệp có hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ cao. Trong quá trình phát triển đó, đô thị hóa và tập trung dân số, tập trung hoạt động kinh tế ngày càng mạnh. Theo tư duy nầy thì VN hiện nay đang ở trình độ giữa thu nhập trung bình thấp và trung bình cao, công nghiệp đang chuyển từ nhẹ sang nặng, và độ 15 năm nữa sẽ dần dần bước qua thời đại hậu công nghiệp. Tuy nhiên thời đại sống chung với Corona cùng với sự lớn mạnh của kinh tế số sẽ làm đảo lộn trật tự phát triển của tư duy cũ. Với tư duy mới, con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai có thể phác họa như sau: Thứ nhất, nông, công và dịch vụ hầu như đồng thời phát triển, không theo tuần tự như tư duy cũ. Nông ngư nghiệp phải được coi trọng hơn và kết hợp với công nghiệp, với kinh tế số và một số ngành dịch vụ (lưu thông, phân phối, tiếp thị, v.v..) để hiện đại hóa. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nông ngư nghiệp, nên được tận dụng theo hướng hiện đại hóa sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu dân vừa xây dựng thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới. Thứ hai, phải đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn. Nếu tiền đề là dịch bệnh còn kéo dài hoặc chấm dứt nhưng về lâu dài có khả năng tái phát thì phải xây dựng đô thị theo mô hình khác với tư duy cũ. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn. Phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt cũng phải thiết kế theo hướng giãn cách xã hội. Ngoài ra cần khuyến khích mọi người dùng xe đạp trong thành phố. Việt Nam có nhiều thành phố cỡ trung và nhỏ nằm rãi rác khắp nước, nhất là ven biển, nên nếu được đầu tư xây dựng theo hướng mới, dân số sẽ phân tán từ Hà Nội và Thành phố HCM về các thành phố cỡ trung và nhỏ nầy. Trong quá trình chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, nông thôn sẽ giữ lại một lực lượng lao động và dân số nhất định. Tóm lại đây là chiến lược phân tán và không quá tập trung vào một vài đô thị. Thứ ba, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động (ngày càng tăng hình thức làm việc tại nhà, quản lý từ xa,…) và làm phát sinh chênh lệch giữa người dân trong việc tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới và thích ứng với hoàn cảnh mới. Giáo dục từ xa (remote education) cũng sẽ phổ biến hơn (nhất là trong mùa dịch) và sẽ gây tình trạng bất bình đẳng giữa gia đình có và không có điều kiện tham gia. Nhà nước sẽ phải có biện pháp trợ giúp, và cải cách nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng làm cho tất cả mọi người dân đều có điều kiện tham gia và có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số (digital minimum). Thứ tư, tự động hóa làm cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng ít dùng lao động. Mặt khác, để tránh rủi ro bệnh dịch lan truyền khi có tập trung lao động, các nước thiếu lao động cũng sẽ tìm cách đẩy mạnh tự động hóa và hạn chế nhập khẩu lao động. Việt Nam sẽ trực diện áp lực tạo công ăn việc làm cho một đất nước 100 triệu dân nên sẽ phải nghiên cứu một hình thức chia sẻ công việc (work sharing) trong đó người có công việc giảm giờ làm và giảm thu nhập để nhiều người khác có thể tham gia lao động. Giải quyết tốt việc làm cũng sẽ làm cho VN sớm chấm dứt xuất khẩu lao động, một biểu hiện của giai đoạn phát triển thấp và không đáng tự hào. Ngoài ra, cần biện pháp vinh danh và đãi ngộ tốt hơn đối với lao động thiết yếu, nhất là trong lãnh vực y tế. Việt Nam cũng cần nghiên cứu từng bước áp dụng chính sách bảo đảm thu nhập cơ bản (basic income) đã đề cập ở phần trước. Thứ năm, những từ khóa digital minimum, work sharing và basic income nói ở trên tự nó nói lên sự quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Khi có dịch bệnh sẽ phát sinh nhiều người khác cần sự trợ giúp nữa. Một xã hội nhân văn dựa trên tinh thần tương thân tương ái sẽ rất cần thiết và Việt Nam phải hướng tới. Để đánh giá một nước văn minh hay không, một trong những tiêu chí quan trọng để phán đoán sẽ là chính sách của chính phủ và thái độ của người dân đối với người yếu thế trong xã hội Kỷ niệm 100 năm độc lập, hình ảnh nào cho VN năm 2045 ? Trong 75 năm qua, Việt Nam chỉ có độ 30 năm thật sự phát triển và đã đạt được một số thành quả nhất định. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, GDP trên danh nghĩa của Việt Nam xếp thứ 47 và GDP tính theo sức mua ngang giá (PPP) xếp thứ 30 trên 193 nước. Hầu như các dự báo dài hạn đều cho thấy Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao hơn nhiều nước và vào khoảng năm 2045 sẽ lọt vào nhóm 20 nước (G20) có nền kinh tế lớn. Tôi cũng nghĩ là khả năng đó rất cao. Dân số nước ta sắp đạt 100 triệu. Hiếm có nước nào đông dân như thế mà có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ, và hầu như không có mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, lại nằm giữa vùng phát triển nhất trên thế giới. Một nước có các tính chất đó rất dễ phát triển thành một nước tiên tiến. Dĩ nhiên Việt Nam sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trên vũ đài thế giới. Nhưng uy tín, giá trị của Việt Nam không phải chỉ ở mặt đó. Trong thời đại mới với khả năng đại dịch sẽ tái phát, nếu Việt Nam xây dựng được một đất nước theo tư duy mới, mô hình mới và trên cơ sở một xã hội nhân văn thì người Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn và thế giới sẽ tham khảo mô hình phát triển của ta./. Tokyo 15/8/2020
Bị chú của ERCT : * Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ 2/9/2020, đây là bản gốc đầy đủ hơn nhận trực tiếp từ anh Trần Văn Thọ 2/9/2020)
|