Chương I. TIẾT D: THỤY HIỆU
1. Định Nghĩa Thụy Hiệu:
Trong Hán tự, thụy nghĩa là tốt,
thụy hiệu nghĩa là tên tốt. Theo
sử Ký Tư Mã Thiên, tên thụy còn
gọi là hiệu bụt. Đối với các
vị vua, thụy hiệu được
gọi là thánh thụy, tức tên của ông
vua mới băng hà, được vua kế
vị hay các quan trong Bộ Lễ đặt
để tránh tên húy. Thụy hiệu có hai
loại: công thụy và tư thụy. Công
thụy do vua hay triều đình đặt, tư
thụy do con cháu trong gia đình, bạn bè, môn
đồ đặt cho người quá vãng.
Thánh thụy thuộc loại công thụy
bắt đầu có từ thời nhà Chu. Chu
Văn Vương có thụy hiệu là Văn.
Chu Vũ Vương có thụy hiệu là Vũ.
Ðến đời nhà Tần, Tần Thủy
Hoàng bãi bỏ lệ đặt tên thụy vì
cho rằng con cái phê phán cha, bầy tôi bàn
luận về vua là điều không đúng.
Nhưng đến đời Hán, lệ đặt
tên thụy lại được tiếp
tục. Công thức của thụy hiệu
gồm 2 phần: phần đầu là
một hay nhiều từ chỉ tên thụy,
phần hai là từ hoàng đế hay từ
vương.
2. Nguyên Tắc Chọn Thụy Hiệu:
Cách giải thích và đặt thụy
hiệu gọi là thụy pháp. Đối
với công thụy, hành vi được
đánh giá theo ba cấp: xấu, trung bình,
tốt.
a. Thụy hiệu xấu: Triều đình
Trung Quốc chọn các chữ: Lệ, U, Hôn,
Dạng để đặt thụy hiệu
xấu. Theo Từ Ðiển Hán Việt của
Ðào Duy Anh thì Lệ có nghĩa là tàn bạo,
U: tối tăm; Hôn: tối tăm, mê
loạn; Dạng: ốm đau, bệnh
hoạn. Chu Vương Cơ Hồ vì
thống trị tàn bạo, sau khi chết có tên
thụy là Lệ Vương. Sách Thụy Pháp
Giải cho rằng tàn sát kẻ vô tội
gọi là Lệ. Cơ Vung Niết cũng tàn
bạo nên có thụy hiệu là U Vương.
Theo Thụy Pháp Giải, U có nghĩa là làm
đảo lộn lễ nghi, loạn luân. Tiên
Bảo Quyền, sau khi lên ngôi, sống đời
hoang dâm phóng túng, nên có thụy hiệu là
Đông Hôn Hầu. Chữ Hôn nói lên bản
tính tăm tối, tàn bạo, dâm dật.
Trần Thúc Bảo và Dương Quảng
đời Tùy đều hung tàn bạo ngược,
là hôn quân nên được đặt
thụy hiệu là Dạng Đế. Sách
Tự Trị Thông Giám của Hồ Tam
Tỉnh giải thích ham gái, xa lễ, bạo
ngược với dân gọi là Dạng.
b. Thụy hiệu trung bình: Các triều
đại Trung Quốc dùng chữ Bình để
đặt thụy hiệu trung bình. Cơ Nghi
Cữu, vua thứ nhất của Đông Chu,
tuy không có công gì nhiều, nhưng được
dân thương xót nên có thụy hiệu là
Bình Vương. Sách Thụy Pháp Giải nói
trị nước mà không có lầm lỗi
lớn thì được gọi là Bình.
c. Thụy hiệu tốt: Tuyệt đại
đa số các vua Trung Quốc đều có
thụy hiệu tốt. Trước thời
nhà Tần, thụy hiệu có một chữ:
hoặc là Văn, hoặc là Vũ. Chữ Văn
dùng để biểu lộ khả năng
về mặt văn hóa, chính trị lương
hảo. Chữ Vũ để biểu lộ
khả năng quân sự. Sang triều Hán, người
ta dùng 2 chữ mà chữ đầu bao
giờ cũng là chữ Hiếu nên thụy
hiệu của Lưu Triệt là Hiếu Vũ
Đế. Sang đời Tấn, Đường,
không dùng thụy hiệu 2 chữ nữa mà dùng
nhiều chữ để ca ngợi công đức
của vua. Ví dụ hoàng đế Thuận
Trị đời Thanh có thụy hiệu 25
chữ là: Thế Thiên Long Vận, Định
Thống Kiến Cực, Anh Duệ Khâm Văn,
Hiển Võ, Đại Đức Hoằng Công,
Thánh Nhân Thuần Tôn Chương Hoàng Đế.
3. Thụy Hiệu Của Các Vua Chúa
Việt Nam: Các vua chúa Việt cũng áp
dụng chế độ đặt thụy
hiệu. Theo sử gia Lê Văn Hưu, vua và
hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào
lăng tẩm, thì triều đình vẫn dùng
đế hiệu để gọi vị vua
ấy. Khi chôn rồi, triều đình
họp lại, xem đức hạnh của
vua tốt hay xấu mà đặt thụy
hiệu. Trước thời Lê Đại Hành
(980-1005), không thấy sử cũ ghi thụy
hiệu của vua nào. Đại Việt
Sử Lược ghi thụy hiệu của
Triệu Đà là Vũ Đế, nhưng ông
này là người Tàu, không phải người
Việt. Sử gia Lê Văn Hưu, trong Ðại
Việt Sử Ký Toàn Thư, ghi thụy
hiệu vua Lê Ðại Hành là Đại Hành.
Nhiều vua Việt áp dụng đúng nguyên
tắc ban đầu của thụy hiệu là
dùng một từ: Ví dụ:
- Vua Lê Thái Tông có thụy hiệu là VĂN,
miếu hiệu là Thái Tông Văn Hoàng
Đế
- Vua Lê Nhân Tông có thụy hiệu là TUYÊN,
miếu hiệu là Nhân Tông Tuyên Hoàng Đế
- Vua Lê Thánh Tông có thụy hiệu là
THUẦN, miếu hiệu là Thánh Tông
Thuần Hoàng Đế
- Bình Định Vương Nguyễn
Huệ có thụy hiệu là VÕ, miếu
hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.
- Vua Minh Mạng có thụy hiệu là NHÂN,
miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân Hoàng
Đế.
- Vua Thiệu Trị có thụy hiêu là CHƯƠNG,
miếu hiệu là Hiên Tổ Chương
Hoàng Đế.
Tuy nhiên, cũng có vị vua bắt chước
vua Tàu, dùng nhiều từ để đặt
thụy hiệu. Ví dụ khi vua Trần Thái Tông
mất năm 1234, triều đình đặt
thụy hiệu với 20 chữ: Thống Thiên
Ngự Cực Long Công Hậu Đức
Hiền Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh
Võ Nguyên Hiếu Hoàng Đế.
Ngày mai : tìm hiểu Miếu Hiệu |